Kết quả tích cực từ chuyển đổi số

15/11/2023 | 08:44 GMT+7

Xác định chuyển đổi số là giải pháp có tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn nên thời gian qua xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Cán bộ khuyến nông xã (bìa phải) xuống tận nhà để hướng dẫn người dân đăng tải sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.

Việc triển khai chuyển đổi số tại xã Thạnh Xuân được thực hiện từ năm 2022 và đạt nhiều kết quả tích cực. Theo báo cáo của UBND xã, từ đầu năm 2023 đến nay, tổng số hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ 100% với 7.868 hồ sơ. Hiện nay, việc áp dụng thu phí không dùng tiền mặt đang được xã thực hiện bằng cách ký kết với Ngân hàng Liên Việt. Với cách này, ngân hàng sẽ cung cấp cho xã mã QR để người dân đăng nhập, quét mã hoặc chuyển tiền qua tài khoản khi thực hiện hồ sơ dịch vụ công, số tiền này do ngân hàng tạm thu.

Thời gian qua, xã đã thành lập 9 tổ chuyên môn, với mục đích thúc đẩy chuyển đổi số cộng đồng. Các tổ này thường xuyên xuống các ấp trên địa bàn để vận động người dân, hộ gia đình cài đặt các tài khoản dịch vụ công, đồng thời mở các ví điện tử như viettel money, momo,… hoặc mở các tài khoản internet banking của các ngân hàng. Hiện nay, xã Thạnh Xuân đã có 2.802 hộ đều có tài khoản để thực hiện nhiều giao dịch như trả tiền điện, nước, giao dịch điện tử. Các cán bộ xã cũng sẽ trực tiếp đến nhà để hỗ trợ những hộ gia đình có người lớn tuổi không có khả năng sử dụng điện thoại thông minh, để giúp người dân tiếp cận nhanh chóng với các dịch vụ trực tuyến.

Bên cạnh đó, các tổ chuyên môn này còn thường xuyên xuống địa bàn hướng dẫn các hộ dân sản xuất hàng hóa nông sản đăng tải thông tin, hình ảnh, bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Cách làm này giúp các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian.

Ông Đặng Văn Tòng, Tổ trưởng Tổ hợp tác chanh không hạt, ở ấp Trầu Hôi A, xã Thạnh Xuân, cho biết: “Gia đình tôi trồng khoảng 1,5ha chanh không hạt, trước đó khi tới vụ thu hoạch thì sẽ tìm các thương lái đến vườn mua, giá cả thất thường và hay bị ép giá. Nhưng từ khi được Tổ kỹ thuật xã xuống hướng dẫn đăng lên các sàn TMĐT, tôi không còn lo việc tìm đầu ra mỗi ở vụ thu hoạch nữa. Nhiều thương lái từ các tỉnh khác khi thấy bài đăng của tôi đã đưa ra nhiều mức giá khác nhau, chỗ nào thấy giá phù hợp thì tôi bán”. Cũng theo ông Tòng, từ khi sử dụng điện thoại thông minh để trả các loại phí hoặc chuyển tiền cho cháu gái đi học ở Cần Thơ, gia đình đã tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức mà lại đạt hiệu quả cao.

Hiện tại, xã Thạnh Xuân đã triển khai thành công ứng dụng trên nền tảng điện thoại thông minh, giúp người dân có thể tra cứu thông tin, đăng ký các dịch vụ công, gửi phản ánh, kiến nghị và đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính. Bên cạnh đó, UBND xã cũng đã áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất nông nghiệp, như sử dụng máy bay không người lái để theo dõi diễn biến mùa màng, cài đặt các thiết bị cảm biến để đo độ ẩm, nhiệt độ và pH của đất, hay sử dụng các ứng dụng để kết nối người bán và người mua nông sản trực tuyến…

Ông Phạm Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân, cho biết: Hiện nay, chuyển đổi số mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải tiếp tục thay đổi xu hướng xã hội thông qua công tác chuyển đổi số, từng bước thay đổi tư duy của người dân để đạt được thành công. Đồng thời, thực hiện đồng bộ việc chuyển đổi số để góp phần phát triển xã hội theo kỷ nguyên số, mọi tầng lớp nhân dân, mọi người dân đều biết đến, thực hiện và áp dụng được vào cuộc sống.

Những kết quả đã đạt được trong công tác chuyển đổi số tại xã Thạnh Xuân là minh chứng cho sự quan tâm và đầu tư của chính quyền địa phương, cũng như sự tích cực và sáng tạo của người dân trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống. Đây cũng là động lực để xã Thạnh Xuân tiếp tục phấn đấu và hoàn thiện hơn nữa trong công tác chuyển đổi số, góp phần xây dựng một xã hội thông minh, hiện đại và bền vững.

Bài, ảnh: MAI THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>