THÔNG TIN VỀ TIỀN VIỆT NAM VÀ CÁCH NHẬN BIẾT

15/11/2017 | 09:30 GMT+7

I - MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1- Mục đích

Để góp phần giảm thiểu rủi ro về tiền giả và tổn thất của các tổ chức và cá nhân, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hậu Giang giới thiệu các đặc điểm bảo an của tiền polymer và hướng dẫn người sử dụng tiền cách kiểm tra, nhận biết tiền thật/tiền giả. Đồng thời cũng cảnh báo một số thủ đoạn tiêu thụ tiền giả của tội phạm và thông tin những quy định của pháp luật trong phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt nam.

2- Yêu cầu

Mong muốn và khuyến nghị người sử dụng tiền:

- Nắm rõ các đặc điểm bảo an của tiền thật.

- Kiểm tra đồng tiền khi giao dịch tiền mặt.

- Chấp hành quy định của pháp luật về phòng chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.

II- CÁC ĐẶC ĐIỂM BẢO AN CƠ BẢN CỦA TIỀN POLYMER

1- Hình bóng chìm

2- Dây bảo hiểm

3- Hình định vị

4- Các yếu tố in lõm (nét in nổi)

5- Mực đổi màu - OVI (mệnh giá 100.000đ, 200.000đ và 500.000đ)

6- Hình ẩn nổi (mệnh giá 10.000đ, 20.000đ, 50.000đ và 200.000đ)

7- IRIODIN (dải màu vàng lấp lánh)

8- Cửa sổ lớn có số mệnh giá dập nổi

9- Cửa sổ nhỏ có yếu tố hình ẩn - DOE (mệnh giá 50.000đ, 100.000đ, 200.000đ và 500.000đ)

10- Mảng chữ siêu nhỏ

11- Mực không màu phát quang khi soi dưới đèn cực tím

12- Số seri phát quang khi soi dưới đèn cực tím

Lưu ý: Mệnh giá khác nhau có thiết kế đặc điểm bảo an khác nhau về vị trí, hình dạng. Ví dụ: cửa sổ lớn ở mệnh giá 500.000đ có hình hoa sen cách điệu, ở mệnh giá 100.000đ có hình chiếc bút lông trên nghiên mực.

ĐẶC ĐIỂM BẢO AN CỦA TIỀN POLYMER 500.000 ĐỒNG

Kích thước: 152mm x 65mm

 

ĐẶC ĐIỂM BẢO AN CỦA TIỀN POLYMER 200.000 ĐỒNG

Kích thước: 148mm x 65mm

ĐẶC ĐIỂM BẢO AN CỦA TIỀN POLYMER 100.000 ĐỒNG

Kích thước: 144mm x 65mm

 

ĐẶC ĐIỂM BẢO AN CỦA TIỀN POLYMER 50.000 ĐỒNG

Kích thước: 140mm x 65mm

ĐẶC ĐIỂM BẢO AN CỦA TIỀN POLYMER 20.000 ĐỒNG

Kích thước: 136mm x 65mm

 

ĐẶC ĐIỂM BẢO AN CỦA TIỀN POLYMER 10.000 ĐỒNG

Kích thước: 132mm x 60mm

III- CÁCH KIỂM TRA, NHẬN BIẾT

1- Soi tờ tiền trước nguồn sáng (kiểm tra hình bóng chìm, dây bảo hiểm, hình định vị)

- Hình bóng chìm: Nhìn thấy rõ từ hai mặt, được thể hiện bằng nhiều đường nét tinh xảo, sáng trắng.

- Dây bảo hiểm: Nhìn thấy rõ từ hai mặt, chạy dọc tờ tiền, có cụm số mệnh giá và/hoặc chữ “NHNNVN”, “VND” (500.000đ, 200.000đ, 100.000đ, 20.000đ, 10.000đ) tinh xảo, sáng trắng. Ở mệnh giá 50.000đ, dây bảo hiểm ngắt quãng, có cụm số “50000”.

- Hình định vị: Hình ảnh trên hai mặt khớp khít, tạo thành một hình ảnh hoàn chỉnh, các khe trắng đều nhau (nhìn thấy từ hai mặt).

Ở tiền giả: Hình bóng chìm chỉ là hình mô phỏng, không tinh xảo. Các chữ, số trên dây bảo hiểm không rõ ràng, không sắc nét. Hình định vị không khớp khít, các khe trắng không đều nhau.

2- Vuốt nhẹ tờ tiền (kiểm tra các yếu tố in lõm)

Vuốt nhẹ tờ tiền ở các yếu tố in lõm sẽ cảm nhận được độ nổi, nhám ráp của nét in.

Ở mặt trước (tất cả các mệnh giá): Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh; Quốc huy; mệnh giá bằng số và chữ; dòng chữ “CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”.

Ở mặt sau (mệnh giá 500.000đ, 200.000đ, 100.000đ): Dòng chữ “NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM”; mệnh giá bằng số và chữ; phong cảnh.

Ở tiền giả: Vuốt nhẹ tay chỉ có cảm giác trơn lì hoặc có cảm giác gợn tay nhưng không có độ nổi, nhám ráp như tiền thật.

3- Chao nghiêng tờ tiền (kiểm tra mực đổi màu, IRIODIN, hình ẩn nổi)

- Mực đổi màu (OVI): Yếu tố này có màu vàng khi nhìn thẳng, đổi sang màu xanh lá cây khi nhìn nghiêng.

- IRIODIN: Là dải màu vàng chạy dọc tờ tiền, lấp lánh ánh kim khi chao nghiêng.

- Hình ẩn nổi: Khi cầm tờ tiền nằm ngang tầm mắt, nhìn thấy chữ “VN” nổi rõ ở mệnh giá 200.000đ, 10.000đ; chữ “NH” ở mệnh giá 50.000đ, 20.000đ.

Ở tiền giả: Có làm giả yếu tố OVI nhưng không đổi màu, hoặc có đổi màu nhưng không đúng màu như tiền thật; không có yếu tố IRIODIN hoặc có dải nhũ màu vàng nhưng không lấp lánh như ở tiền thật.

4- Kiểm tra các cửa sổ trong suốt (số mệnh giá dập nổi và yếu tố hình ẩn)

- Cửa sổ lớn có số mệnh giá dập nổi: Là chi tiết nền nhựa trong suốt ở phía bên phải mặt trước tờ tiền, có số mệnh giá dập nổi tinh xảo.

- Cửa sổ nhỏ có yếu tố hình ẩn (DOE): Là chi tiết nền nhựa trong suốt ở phía trên bên trái mặt trước tờ tiền. Khi đưa cửa sổ gần sát mắt, nhìn xuyên qua cửa sổ tới nguồn sáng đỏ (bóng đèn sợi đốt, ngọn lửa...) sẽ thấy hình ảnh xung quanh nguồn sáng.

Ở tiền giả: Cụm số mệnh giá dập nổi trên cửa số lớn không tinh xảo như tiền thật; trong cửa sổ nhỏ không có yếu tố hình ẩn.

5- Dùng kính lúp, đèn cực tím (kiểm tra chữ in siêu nhỏ, các tếu tô phát quang)

- Mảng chữ in siêu nhỏ: Được tạo bởi các dòng chữ “NHNNVN” hoặc “VN” hoặc số mệnh giá lặp đi lặp lại, nhìn thấy rõ dưới kính lúp.

- Mực không màu phát quang: Là cụm số mệnh giá in bằng mực không màu, chỉ nhìn thấy (phát quang) khi soi dưới đèn cực tím.

- Số seri phát quang: Số seri dọc màu đỏ phát quang màu vàng cam và số seri ngang màu đen phát quang màu xanh lơ khi soi dưới đèn cực tím.

Ở tiền giả: Mảng chữ siêu nhỏ chỉ là các chấm màu hoặc các dòng chữ, số không sắc nét, khó đọc. Không có mực không màu phát quang hoặc có làm giả nhưng phát quang yếu. Số seri không phát quang hoặc phát quang không giống như tiền thật.

Lưu ý: Chất liệu nilon in tiền giả dễ bị bai giãn hoặc rách (khi kéo, xé nhẹ ở cạnh tờ tiền) và không có tính chất đàn hồi đặc trưng như tiền thật (khi nắm tờ tiền trong lòng bàn tay và mở ra quan sát).

Để khẳng định một tờ tiền là tiền thật hay giả, lấy tờ tiền thật cùng loại so sánh tổng thể và kiểm tra các yếu tố bảo an theo các bước nêu trên. Lưu ý phải kiểm tra nhiều yếu tố bảo an (tối thiểu 3 đến 4 yếu tố) để xác định là tiền thật hay giả.

 

MỘT SỐ THỦ ĐOẠN TIÊU THỤ TIỀN GIẢ CỦA TỘI PHẠM

- Dùng tiền giả mệnh giá lớn mua hàng hóa có giá trị nhỏ hoặc đổi lấy tiền mệnh giá nhỏ để được trả lại bằng tiền thật. Hành vi tiêu thụ này chúng thường nhằm vào những người buôn bán nhỏ, người già, nhất là ở các vùng nông thôn, nơi vắng người hay nơi dễ tẩu thoát khi bị phát hiện.

- Đưa tiền giả đến các vùng sâu, vùng xa, nơi mà người dân ít có thông tin về giả để mua hàng hóa, chúng thường để tiền giả xen lẫn với tiền thật.

- Lợi dụng khi người bán hàng đang bận rộn hoặc chủ động có các hành vi khiến họ mất tập trung, thiếu cảnh giác để mua hàng với giá trị lớn bằng tiền giả, thủ đoạn này chúng có thể thực hiện ngay cả ở thành thị, nơi đông người.

QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG,

CHỐNGTIỀN GIẢ VÀ BẢO VỆ TIỀN VIỆT NAM

1- Những hành vi bị nghiêm cấm

- Làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua, bán tiền giả; huỷ hoại tiền Việt Nam trái pháp luật bằng bất kỳ hình thức nào;

- Sao, chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào mà không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

- Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành.

(Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010; Điều 3 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam).

2- Hình phạt đối với tội phạm tiền giả

Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển lưu hành tiền giả thì tùy theo mức độ phạm tội bị phạt tù từ ba năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

(Điều 180 Bộ luật hình sự năm 1999 và Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2009).

3- Quyền và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong việc bảo vệ tiền Việt Nam:

- Thông báo kịp thời cho cơ quan Công an hoặc bộ đội biên phòng, hải quan nơi gần nhất về các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật (tại điểm 1 nêu trên);

- Kịp thời giao nộp tiền giả cho cơ quan công an, Ngân hàng Nhà nước, bộ đội biên phòng hoặc cơ quan hải quan nơi thuận tiện nhất;

- Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, cơ quan công an giám định tiền Việt Nam (trường hợp không khẳng định được là tiền thật).

- Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước, cơ quan hải quan, bộ đội biên phòng khi phát hiện tiền giả phải lập biên bản thu giữ, phát hiện tiền nghi giả phải lập biên bản tạm thu giữ và kịp thời thông báo cơ quan công an nơi gần nhất.

(Điều 4 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam).

Các tổ chức, cá nhân có thể tìm hiểu thông tin về tiền Việt Nam tại website của Ngân hàng Nhà nước: http://www.sbv.gov.vn, mục phát hành tiền; hoặc liên hệ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Cục Phát hành và Kho quỹ), địa chỉ: 49 Lý Thái Tổ, Hoàm Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 024-38247467.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>