Nông dân chủ động bắt nhịp với chuyển đổi số

29/11/2021 | 09:50 GMT+7

Với sự chủ động học hỏi cái mới, ứng dụng tiến bộ công nghệ linh hoạt, phù hợp với loại hình sản xuất, nông dân xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, từng bước bắt nhịp với sản xuất nông nghiệp thông minh và liên kết chặt chẽ để tăng giá trị sản phẩm.

Nông dân trồng lúa ở xã Trường Long Tây tích cực tham gia nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng an toàn để nâng cao giá trị.

Xã Trường Long Tây có tiềm năng quỹ đất khá rộng, tổng diện tích tự nhiên là 2.264,11ha, trong đó gần 2.000ha là đất sản xuất nông nghiệp. Đất trồng lúa hơn 1.566ha, còn lại là diện tích cây ăn trái, rau màu, nuôi trồng thủy sản. Hệ thống giao thông thủy, bộ được xây dựng đồng bộ, đáp ứng tốt cho sản xuất, lưu thông hàng hóa, phát triển dịch vụ và nhu cầu đi lại của người dân.

Sản xuất nông nghiệp cũng là điểm sáng trong phát triển kinh tế, khi toàn xã có 35 mô hình cho thu nhập từ 150 triệu đồng/ha/năm, 177 mô hình cho thu nhập từ 50-100 triệu đồng/ha/năm. Đáng nói là người dân quan tâm học hỏi và áp dụng công nghệ trong sản xuất, mang lại hiệu quả cao và bền vững. Chú trọng liên kết sản xuất, số lượng nông dân tham gia các tổ hợp tác và hợp tác xã ngày càng tăng. UBND xã Trường Long Tây đều ban hành kế hoạch hàng năm về phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực gắn với cơ cấu sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung. Toàn xã có 13 tổ hợp tác sản xuất và 2 hợp tác xã nông nghiệp. Riêng cây lúa, mô hình kinh tế hợp tác đã có thời gian hoạt động lâu dài, kinh nghiệm liên kết, bao tiêu đầu ra ổn định vào cuối vụ, sản lượng được ký kết bao tiêu đạt gần 50%.

Không dừng lại ở lối sản xuất cũ, mấy năm gần đây, người dân trồng lúa tại địa phương không xa lạ gì với những mô hình ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn ở hầu hết các ấp. Như ở ấp Trường Phước A, đầu năm đến nay có 95,6ha lúa của 66 hộ tham gia mô hình sản xuất lúa sạch và 10,6ha tham gia mô hình sạ hàng kết hợp vùi phân có kiểm soát.

Nổi bật là vào vụ lúa Đông xuân 2021-2022, 63 hộ dân của xã tham gia mô hình cánh đồng số hóa trong sản xuất lúa. Tham gia mô hình bà con được hỗ trợ 5kg lúa giống/1.000m2, 50% chi phí vật tư nông nghiệp, được hỗ trợ hệ thống giám sát sâu rầy thông minh cũng như sử dụng máy phun phân, thuốc, hạt giống… Dù mới triển khai, nhưng số hộ tham gia rất đông và tổng diện tích lên tới hơn 104ha thuộc địa bàn ấp Trường Thọ, Trường Phước A.

Bà Bùi Thị Kim Tiền, cán bộ kỹ thuật xã Trường Long Tây, cho biết: Tham gia mô hình này, bà con xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng an toàn, VietGAP, được hướng dẫn thực hiện nhật ký điện tử trong quá trình sản xuất, tạo mã QR truy xuất nguồn gốc và đưa sản phẩm lên sàn giao dịch bằng ứng dụng Agri360 trên điện thoại thông minh. Dù mới triển khai, nhưng số lượng hộ dân tham gia rất đông, chứng tỏ người dân đã mạnh dạn và chủ động bắt nhịp với những thay đổi về công nghệ và chuyển đổi số. Điều quan trọng là cán bộ kỹ thuật cần theo sát để kịp thời hướng dẫn người dân sử dụng thành thạo ứng dụng này để khai thác tối đa tiện ích của ứng dụng, phục vụ sản xuất và tiêu thụ.

Ông Lê Văn Thiệt, ở ấp Trường Thọ A, tham gia mô hình cánh đồng số hóa đợt này, cho biết: “Tôi không ngại tiếp cận cái mới, các vụ trước khi địa phương và ngành nông nghiệp triển khai, tôi đã tham gia sản xuất lúa thông minh, vùi phân, tham gia cánh đồng lớn và giờ là học ứng dụng nhật ký điện tử trên điện thoại thông minh. Nếu các đợt trước, nhờ phương thức tiến bộ mà năng suất, chất lượng lúa tăng, giúp tôi giảm công sức và chi phí đầu tư thì đợt này với công nghệ số tôi kỳ vọng sẽ khơi thông thị trường đầu ra, sản phẩm có sức cạnh tranh cao hơn với toàn bộ quy trình sản xuất đều thể hiện rõ ràng và dễ dàng truy xuất nguồn gốc”.

Bà Lê Thị Mỹ Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận Tây, cho biết: Xã vận động người dân trồng lúa cũng như nhiều loại cây trồng khác làm theo hướng an toàn, đạt các chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ứng dụng tiến bộ từ công nghệ mới. Bắt nhịp chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, để người dân tham gia sâu vào hoạt động quảng bá và giới thiệu sản phẩm của mình làm ra, giữ vai trò chủ động trên thị trường. Mặt khác, nên tham gia vào các hợp tác xã để tiếp cận nhanh với kỹ thuật mới, có phương án kinh doanh bài bản, hiệu quả hơn, giảm tình trạng bấp bênh về đầu ra khi tới vụ thu hoạch.

Bài, ảnh: T.NGỌC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>