Nâng cao giá trị nông sản

26/01/2023 | 06:49 GMT+7

Nông dân Hậu Giang đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị. Nông sản được truy xuất nguồn gốc và bao tiêu đầu ra nên nông dân an tâm, giúp sản xuất hướng tới sự bền vững.

Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh bàn giao máy bay không người lái cho các HTX trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng nhiều mô hình hiệu quả

Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, chuyển từ nền nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ nông nghiệp,... đặt ra cho ngành nông nghiệp Hậu Giang phải có sự đổi mới mạnh mẽ để phát triển. Vì vậy, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã xây dựng và thực hiện thành công và có hiệu quả mô hình “sản xuất chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm” với diện tích chứng nhận VietGAP và đạt luôn GlobalGAP là 29,4ha. Đồng thời, sản phẩm chanh không hạt được bao tiêu toàn bộ để doanh nghiệp xuất khẩu với giá bao tiêu cao hơn thị trường 1.000 đồng/kg và giá trị lợi nhuận tăng thêm gần 20 triệu đồng/ha.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh luôn đồng hành cùng người nông dân.

Song song đó, còn xây dựng và thực hiện mô hình “Tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh nấm rơm trong nhà và phân hữu cơ theo chuỗi giá trị”. Với mô hình này đã tận dụng phụ phẩm trong canh tác lúa để trồng nấm rơm theo kỹ thuật tiên tiến là trồng trong nhà có gắn thiết bị cảm biến nhiệt độ, phun sương và kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, giúp tăng thêm thu nhập nông hộ. Ngoài ra, khi phụ phẩm rơm rạ sau chất nấm được tận dụng để ủ phân hữu cơ bón lại cho cây trồng, tránh lãng phí và góp phần bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, sản phẩm nấm rơm làm ra được liên kết với doanh nghiệp tạo thành chuỗi liên kết giúp ổn định đầu ra, nông dân an tâm canh tác. Mô hình đã mang lại thu nhập cho nông dân trên 100 triệu đồng/năm/100m2 nhà trồng nấm và trừ chi phí nông dân còn lợi nhuận trên 80 triệu đồng/năm/100m2 nhà trồng nấm.

Theo Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang, đơn vị còn xây dựng mô hình sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) phun thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, màu an toàn trồng dưa lưới; mô hình xây dựng nhãn mác, bao bì; xúc tiến, quảng bá và giới thiệu sản phẩm. Những mô hình cho khuyến nông đô thị; xây dựng nhiều mô hình canh tác áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình chăn nuôi dê tận dụng nguồn phụ phẩm từ mít; mô hình chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn; mô hình nuôi gà đẻ trứng an toàn sinh học gắn liên kết chuỗi giá trị và truy xuất nguồn gốc...

Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang, cho biết: Sẽ nghiên cứu xây dựng các mô hình canh tác cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ giới hóa nhằm tăng năng suất, giảm chi phí, hạ giá thành để đủ sức cạnh tranh. Khuyến cáo các địa phương thành lập các hợp tác xã sản xuất cây ăn trái đủ lớn, mạnh để tự tìm kiếm và ký kết các hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ hoặc tự xuất khẩu sản phẩm của hợp tác xã mình sản xuất được nhằm tránh việc tiêu thụ sản phẩm qua nhiều khâu, nhiều trung gian. Nghiên cứu đổi mới, lai tạo hoặc hoàn thiện các bộ giống đạt chất lượng cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao, có tính thích nghi trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Hướng đến sản xuất an toàn

Hậu Giang cũng là một trong những tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long với thế mạnh và tiềm năng trong canh tác nông nghiệp, có diện tích đất nông nghiệp khoảng 139.068ha. Từ đó, ngành nông nghiệp Hậu Giang luôn xem khoa học công nghệ trong sản xuất là công cụ hàng đầu để chuyển giao đến người nông dân thông qua các mô hình khuyến nông.

Theo Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang, một số mô hình đã giúp cho người nông dân sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn sinh học, vệ sinh môi trường,… đã nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, sản xuất ra sản phẩm chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng. Kết quả triển khai dự án và các mô hình khi áp dụng vào thực tế đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cho người sản xuất. Việc áp dụng các mô hình sản xuất giúp cho người dân thấy được lợi ích rất lớn, đã làm giảm chi phí về giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó giảm 20-30% chi phí sản xuất và làm tăng lợi nhuận cho người dân.

Ông Võ Văn Trưng, ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, cho biết: Trung bình mỗi năm HTX sản xuất ra khoảng 200 tấn dưa lưới với giá tiêu thụ 30.000 đồng/kg. Từ năm 2018, HTX trồng dưa theo hướng trái cây sạch, đến năm 2019 được sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang cho vay từ nguồn vốn ưu đãi của tỉnh, Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ 50% giống (cho 1ha), từ đó HTX đã mở rộng diện tích sản xuất. Ngoài ra, còn được hỗ trợ xây dựng quy trình sản xuất theo GlobalGAP. Đến nay, sản phẩm dưa lưới của HTX đã đạt chứng nhận GlobalGAP, có thực hiện ghi chép nhật ký và truy xuất nguồn gốc nông sản trên trang Nông sản Hậu Giang. Sản lượng và chất lượng sản phẩm của HTX rất ổn định và được công ty bao tiêu sản phẩm.

Không chỉ trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng giúp nông dân Hậu Giang làm giàu. Với tư duy đổi mới, dám nghĩ dám làm, chị Lữ Thị Nhật Hằng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ngũ Thường Mekong, ở huyện Phụng Hiệp, đã đầu tư khoảng 20 tỉ đồng làm nông nghiệp tuần hoàn. Trang trại của chị có diện tích khoảng 1ha được tận dụng tối đa. Nơi đây có nhiều loại từ nấm rơm, trùn quế đến trồng cỏ, rau sạch, gia súc, gia cầm và thủy sản. Sản phẩm khâu này là đầu vào của khâu khác, tất cả tạo thành vòng tuần hoàn, khép kín, hợp lý và khoa học. Đặc biệt là ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến để sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất an toàn sinh học, hữu cơ để tạo ra nông sản chất lượng đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và thị trường xuất khẩu.

Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang, cho biết: Nhu cầu của thị trường nhập khẩu ngày càng khắt khe, họ đưa ra những tiêu chuẩn sản phẩm sản xuất ra phải đảm bảo đạt hàng rào kỹ thuật, GlobalGAP, hay các tiêu chuẩn về hữu cơ hoặc theo nhu cầu thị trường của nước đó. Do đó, bà con nông dân phải gắn với doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu.

Trong năm 2022, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã tổ chức ra mắt Điểm tư vấn dịch vụ khuyến nông và đại lý phân phối máy bay không người lái, ở số 195L, đường Trần Hưng Đạo, khu vực 3, phường V, thành phố Vị Thanh. Đây là sự kiện đánh dấu một bước tiến mới về việc giúp nông dân trong tỉnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt hiệu quả hơn; nhất là hướng bà con nông dân sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm và sử dụng trang thiết bị hiện đại vào canh tác nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, tiêu dùng và giảm thiểu tác động môi trường. Ngoài ra, trung tâm còn hỗ trợ cho các hợp tác xã, nông dân nhiều máy bay phun thuốc không người lái, máy cấy…, để giúp cơ giới hóa trong canh tác lúa trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao hiệu quả.

 

H.THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>