Cùng nông dân mở rộng kênh tiêu thụ nông sản

27/12/2022 | 19:42 GMT+7

Sàn thương mại điện tử với phương thức tiêu thụ trực tuyến đang là hướng đi hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản xuất, mở thêm đầu ra bền vững cho các mặt hàng nông sản.

Sàn thương mại điện tử với phương thức tiêu thụ trực tuyến đang là hướng đi hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản xuất, mở thêm đầu ra bền vững cho các mặt hàng nông sản.

Nhằm xúc tiến hoạt động hỗ trợ hộ sản xuất đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, năm 2022, ngành nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện theo các quy trình sản xuất tốt và tương đương, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các nông sản chủ lực đủ điều kiện. Áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm, hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với xây dựng và nâng cao thương hiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, từng bước hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất gắn với lợi thế cạnh tranh, cũng như phát triển các sản phẩm có lợi thế của tỉnh theo hướng xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường...

Các hộ sản xuất nông nghiệp được tiếp cận thông tin hữu ích phục vụ sản xuất, kinh doanh, thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu nông sản, thời tiết, mùa vụ. Nguyên liệu đầu vào, công nghệ, kiến thức, kỹ năng phục vụ sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Giúp bà con có thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, vừa qua Trung tâm Khuyến nông đã triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc nông sản Hậu Giang. Trên trình duyệt website, bà con có thể gõ tên miền nongsanhaugiang.com.vn để xem các thông tin. Hoặc trên điện thoại, bà con có thể cài app nông sản Hậu Giang và đăng ký tài khoản chỉ với vài thao tác cơ bản. Ngoài ra, trên app này bà con còn sử dụng được các tính năng tiện ích như đưa sản phẩm lên app, ghi nhật ký sản xuất, nhật ký này sẽ gắn với sản phẩm đăng lên kèm mã QR Code

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh cho rằng, để đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử được hiệu quả, bà con cần lưu ý khâu sản xuất phải đảm bảo chất lượng, mẫu mã, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP… Trong sản xuất, hiện nay ngành nông nghiệp đang khuyến khích bà con đảm bảo được khâu truy xuất nguồn gốc, nhật ký kèm theo. Các sản phẩm qua sơ chế, chế biến phải có nhãn mác, thông tin rõ ràng, có công bố hợp quy…

Mặt khác, sản phẩm khi đưa lên sàn phải đảm bảo tính đồng đều, có cập nhật thông tin kịp thời cho đối tác. Bên cạnh đó, cần có sự trau chuốt hình ảnh sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Đối với các chủ thể, bà con cần có sự kiên trì khi chuyển sang xu hướng bán hàng mới, thường xuyên cập nhật thông tin, phản hồi kịp thời; đảm bảo uy tín, chất lượng. Riêng khâu bán hàng, cần chú ý khâu vận chuyển đảm bảo thời gian kịp thời đến tay khách hàng. Tận dụng đa kênh, tạo sức lan tỏa rộng rãi hơn.

Theo ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh, sàn thương mại điện tử là không gian mạng hết sức rộng lớn. Vừa qua, tỉnh tập trung đưa nông sản lên 2 sàn thương mại điện tử lớn là voso và postmart. Ngoài ra, người dân cũng tham gia trên các sàn thương mại điện tử khác, nhưng số lượng chưa nhiều. Thời gian tới, chúng tôi nghiên cứu để tiếp tục đưa các sản phẩm của tỉnh lên các sàn lazada, tiki, sendo, shoppe… để có thêm điều kiện tiếp cận rộng hơn, tiêu thụ được dễ dàng hơn.

Chủ trương đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử giúp hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ sản xuất, kinh doanh tiếp cận chuyển đổi số, ứng dụng các nền tảng công nghệ vào sản xuất, tổ chức hoạt động của hợp tác xã; kết nối sản xuất, tiêu thụ, thích ứng với nhu cầu thị trường. Thời gian qua, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã chia sẻ quá trình sản xuất, chế biến và cung cấp thông tin qua nền tảng số, đẩy mạnh bán hàng trên sàn thương mại điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, đăng ký tên miền cho website riêng để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Phan Văn Hanh, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Hậu Giang, cho biết, vừa qua Bưu điện tỉnh hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử rất nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh. Với hoạt động bán hàng trên sàn thương mại điện tử, bà con không gặp phải tình trạng bị ép giá, không gian tiêu thụ rộng, cách thức tham gia rất đơn giản. Khi bà con có nhu cầu, có thể liên hệ với bất kỳ điểm giao dịch nào của bưu điện, nhân viên bưu điện sẽ hướng dẫn trực tiếp về quy trình, hỗ trợ tối đa giúp bà con tham gia sàn thương mại điện tử.

Việc hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời, hỗ trợ hộ sản xuất đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi vào cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian. Ngoài ra, thông qua các sàn thương mại điện tử và nền tảng số cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân… Lựa chọn đưa lên sàn thương mại điện tử các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào, các công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp thương hiệu uy tín, chất lượng tốt, giá cả phù hợp để giới thiệu, cung cấp cho các hộ sản xuất nông nghiệp.

Bài, ảnh: ANH KỲ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>