Giảm nghèo hiệu quả ở xã Bình Thành

08/05/2023 | 08:34 GMT+7

Hỗ trợ nhà đại đoàn kết, tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất... là những hiệu quả nổi bật trong công tác hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo được Đảng ủy, UBND xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, thực hiện thời gian qua.

Từ đầu năm đến nay, chính quyền xã Bình Thành đã vận động, hỗ trợ được 12 căn nhà đại đoàn kết cho 12 hộ nghèo trên địa bàn xã.

An cư...

Năm 2018, xã Bình Thành về đích xã nông thôn mới trong niềm phấn khởi của người dân. Cùng với việc tiếp tục nâng chất các tiêu chí nông thôn mới, công tác chăm lo, hỗ trợ cho hộ nghèo được cả hệ thống chính trị trên địa bàn xã Bình Thành đặc biệt quan tâm.

Nhớ lại những tháng ngày vất vả khi phải sống trong căn nhà trống trước hở sau, ông Hồ Thiên Vui, ở ấp Tân Quế Lộ, xã Bình Thành, tâm sự: “Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, không có ruộng nương, kinh tế gia đình phụ thuộc vào tiền công nhật làm phụ hồ của tôi. Công việc vất vả, nhưng thu nhập cũng không được bao nhiêu, không dám nghĩ tới chuyện cất nhà”.

Nhận tin được hỗ trợ nhà tình thương, ai nấy trong gia đình ông Vui mừng rơi nước mắt. “Túng thiếu, nghèo khổ, làm ngày nào đủ ăn ngày nấy, nhờ địa phương, các nhà hảo tâm hỗ trợ, cùng sự đùm bọc yêu thương của mọi người, chúng tôi có điều kiện xây dựng nhà mới, chứ với khả năng của gia đình thì không thể cất nổi. Giờ đây có chỗ ở đàng hoàng rồi, mừng lắm. Căn nhà mới như tiếp cho tôi thêm động lực, nhờ vậy mà vào năm 2021 tôi đã thoát nghèo”, ông Vui nói thêm.

Xác định hỗ trợ người nghèo về nhà ở là một trong những giải pháp giảm nghèo có ý nghĩa nhân văn và căn cơ. Từ đầu năm đến nay, Đảng ủy, UBND xã Bình Thành đã vận động hỗ trợ cất 12 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn xã. Chủ tịch UBND xã Bình Thành Phan Văn Hơn cho biết: “12 căn nhà đại đoàn kết do địa phương vận động hỗ trợ đã góp phần xóa bỏ những ngôi nhà tạm bợ, giúp người dân có được nơi ở mới, ấm áp hơn. Đây là cơ sở để bà con thoát nghèo”.

Rồi mới lạc nghiệp

Từ thực tế công tác giảm nghèo cho thấy, việc quan trọng nhất là “trao cần câu”, tạo cho người dân nguồn sinh kế hiệu quả, để từ đó mọi người có điểm tựa vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ngoài nhà đại đoàn kết, Mặt trận Tổ quốc còn tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận với nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội. Như gia đình ông Vui kể trên được vay vốn để thực hiện mô hình nuôi lươn và nhiều hộ nghèo khác cũng được thụ hưởng chính sách này.

Từ nguồn vốn được hỗ trợ vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, ông Vui xây dựng 7 bể nuôi lươn. Trung bình mỗi lần ông bán được khoảng 1.000 con lươn giống, cho lợi nhuận khoảng 40%, thu nhập từ đó mà ngày càng được cải thiện, đời sống, kinh tế gia đình được ổn định hơn. Qua đó có thể thấy, nhờ nguồn vốn từ dự án hỗ trợ sinh kế, người dân đã thực hiện một số mô hình phù hợp. Qua kiểm tra nhiều hộ đã từng bước cải thiện đời sống.

Để tổ chức thực hiện tốt các mô hình sinh kế, dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, địa phương có sự lựa chọn những hộ cần giúp đỡ, để hỗ trợ hoặc cho mượn vốn thực hiện mô hình sinh kế một cách công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận cao từ phía người dân. Nhìn chung, các mô hình đã góp phần giúp người dân tiếp cận với các giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật sản xuất phù hợp, là đòn bẩy quan trọng, giúp người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là hỗ trợ sinh kế, đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Bình Thành. Nếu như đầu năm 2020, toàn xã có khoảng 300 hộ nghèo và cận nghèo, chiếm 14,16% thì đến đầu năm 2023 giảm còn 74 hộ nghèo và 96 hộ cận nghèo.

Ông Phan Văn Hơn, Chủ tịch UBND xã Bình Thành, đánh giá: Các mô hình hỗ trợ sinh kế góp phần giúp người dân tiếp cận với các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, là đòn bẩy quan trọng, giúp người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Phát huy kết quả đạt được, trong năm nay, địa phương tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Khảo sát nhu cầu của hộ nghèo để hỗ trợ mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện của người dân, tránh hỗ trợ dàn trải. Đặc biệt, công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật được tiến hành thường xuyên, nhằm giúp bà con thu được hiệu quả trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Khi thu nhập người dân được nâng lên và ổn định thì việc tiếp cận các dịch vụ xã hội sẽ thuận lợi hơn. Có như vậy, công tác giảm nghèo mới thật sự mang lại hiệu quả, bền vững để không ai bị bỏ lại phía sau...

Bài, ảnh: Y.LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>