Điểm tin sáng 20 – 5: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đăng ký hiến tặng mô, tạng

20/05/2024 | 05:51 GMT+7

Cùng những tin tức khác, mời Quý độc giả theo dõi: Yêu cầu hoàn thành thanh tra thị trường vàng trong tháng 5; Học phí Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cao nhất gần 50 triệu đồng; AI giúp phân loại khối u não chỉ trong vài giờ; Singapore đối diện làn sóng dịch Covid-19 mới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đăng ký hiến tặng mô, tạng

Ngày 19 - 5, Thủ tướng  Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát động “Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi”, tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Chương trình do Bộ Y tế phối hợp các đơn vị thực hiện nhằm kêu gọi người dân tham gia hiến mô, tạng cứu người.

Tại buổi lễ, Thủ tướng chia sẻ ông đã đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não để "cho đi là còn mãi". "Tôi kêu gọi mỗi người Việt Nam không phân biệt vùng miền, ngành nghề... hãy đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não để tiếp nối hy vọng, gieo mầm sự sống cho người bệnh. Với tinh thần "cho đi là còn mãi", đó là nghĩa cử cao đẹp nhất, là sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng đề xuất cần có một ngày để tôn vinh, vận động đăng ký hiến mô tạng. "Có thể lấy ngay ngày hôm nay 19-5, ngày sinh Bác Hồ, làm Ngày hiến tặng mô, tạng", ông nói.

Dịp này, Chủ tịch Hội vận động hiến tặng mô, tạng, bộ phận cơ thể người Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến đã trao Thủ tướng Phạm Minh Chính thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng.

Thủ tướng thăm hỏi các bệnh nhân sau khi được ghép tạng chờ hồi phục. Ảnh NHẬT BẮC

Hiện, Việt Nam có hàng nghìn người hiến mô, tạng và khoảng hơn 86.000 người đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời.

Tính từ ca ghép thận đầu tiên năm 1992 đến nay, cả nước có 8.607 ca ghép tạng được thực hiện. Trong đó ghép thận 7.914 ca; ghép gan 593 ca; ghép tim 82 ca; ghép phổi 10 ca; ghép tụy 1 ca; còn lại 8 ca ghép ruột, ghép đa tạng khác.

Trước đây, chỉ có 5 bệnh viện Trung ương (Hữu nghị Việt Đức, Trung ương Quân đội 108, Quân y 103, Trung ương Huế, Chợ Rẫy) thực hiện được kỹ thuật ghép tạng. Nay, Bộ Y tế đã cấp phép cho 26 bệnh viện thực hiện kỹ thuật này.

Yêu cầu hoàn thành thanh tra thị trường vàng trong tháng 5

Ảnh minh họa.

Ngân hàng Nhà nước phải hoàn thành thanh, kiểm tra thị trường vàng trong tháng 5, theo yêu cầu của Thủ tướng. Nội dung này nêu tại thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp về chính sách tài khóa, tiền tệ, thị trường vàng, tỷ giá, lãi suất.

Tại công văn, Thủ tướng nhắc lại mục tiêu điều hành thị trường vàng đảm bảo hoạt động ổn định, hiệu quả, minh bạch, không để vàng hóa nền kinh tế, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, giám sát về hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế theo từng lần trong kinh doanh, mua, bán vàng. Việc này phải hoàn thành trước ngày 15 - 6, nếu không các đơn vị kinh doanh vàng sẽ chịu chế tài mạnh nhất là rút, thu hồi giấy phép kinh doanh.

Việc thanh tra diễn ra trong bối cảnh giá vàng liên tục tăng cao, chênh lệch với giá thế giới nới rộng dù cơ quan quản lý tiến hành đấu thầu tăng cung. Cuối tuần trước, giá vàng miếng SJC lập đỉnh 92 triệu đồng một lượng, cao nhất từ trước đến nay.

Sau các chỉ đạo từ cơ quan quản lý, giá vàng miếng SJC hạ nhiệt, lùi về ngưỡng 90 triệu đồng nhưng chênh lệch với thế giới vẫn ở mức cao, quanh ngưỡng 17 triệu đồng một lượng.

Học phí Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cao nhất gần 50 triệu đồng

Trường Đại học Y Dược Cần Thơ dự kiến học phí năm tới khoảng 33-49,7 triệu đồng, cao nhất là ngành Dược học.

Theo đề án tuyển sinh năm 2024, học phí với ngành Dược học là gần 49,7 triệu đồng một năm. Kém hơn một chút là ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt với 49,1 triệu. Ngành học có mức học phí thấp nhất là Hộ sinh, Y tế công cộng, Kỹ thuật hình ảnh y học, đều khoảng 33 triệu đồng.

Năm ngoái, trường Đại học Y Dược Cần Thơ không công bố học phí chi tiết, chỉ nêu mức trung bình là 37,6 triệu đồng một năm.

Trường cho biết năm nay tuyển 2.260 sinh viên, tăng 260 so với năm ngoái. Trong đó, hơn 80% dành xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp khối B00 (Toán, Hóa, Sinh), A00 (Toán, Lý, Hóa, với ngành Kỹ thuật y sinh). Còn lại, trường tuyển thẳng học sinh đạt giải ba thi học sinh giỏi quốc gia trở lên, tùy ngành và thí sinh theo diện hợp đồng với các tỉnh, thành phố, sinh viên dự bị.

AI giúp phân loại khối u não chỉ trong vài giờ

Một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Úc đã phát triển một công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể phân loại các khối u não nhanh và chính xác hơn.

Trong một nghiên cứu được công bố, nhóm nghiên cứu đã chứng minh mô hình học sâu của họ, DEPLOY, có thể phân loại chính xác các khối u não thành 10 loại. Theo đó, công cụ AI đã phân tích hình ảnh hiển vi của mô não bệnh nhân để phân loại.

Nếu việc chẩn đoán và phân loại khối u não hiện nay dựa trên quá trình methyl hóa ADN mất khoảng vài tuần, thì công cụ AI có thể cho ra kết quả chỉ trong vài giờ.

Đáng chú ý, DEPLOY còn cho kết quả chính xác cao chưa từng có, lên tới 95%.

Theo các nhà nghiên cứu, DEPLOY đã được đào tạo và xác nhận trên tập dữ liệu gồm khoảng 4.000 bệnh nhân từ Mỹ và một số nước châu Âu.

Công nghệ này có thể được sử dụng trong tương lai để bổ sung vào chẩn đoán ban đầu của các nhà nghiên cứu bệnh học hoặc là cơ sở để xem xét lại nếu có sự không tương đồng. Hơn thế nữa, các nhà nghiên cứu còn kỳ vọng công nghệ AI này có thể giúp phân loại các ung thư khác.

Singapore đối diện làn sóng dịch Covid-19 mới

Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cảnh báo về đợt dịch Covid-19 mới tại quốc gia này.

Bộ trưởng Ong cho biết: "Chúng tôi đang ở điểm khởi đầu của đợt dịch Covid-19 mới, với số ca đang tăng. Tôi cho rằng đợt dịch này sẽ đạt đỉnh trong 2-4 tuần tới, tức khoảng cuối đến giữa tháng 6".

Bộ Y tế Singapore ước lượng trong khoảng ngày 5 đến 11-5, số ca Covid-19 được phát hiện đã tăng lên thành 25.900 ca, so với 13.700 của một tuần trước đó.

Trung bình mỗi ngày, số ca điều trị tại bệnh viện đã tăng lên thành 250 ca, so với chỉ 181 ca của hồi đầu tháng 5. Trung bình số ca phải đến các đơn vị hồi sức tích cực (ICU) nhìn chung vẫn ở mức thấp với ba ca.

Quốc đảo này đã xem Covid-19 là bệnh lưu hành (endemic disease), tức nhóm bệnh xuất hiện một cách ổn định trong một nhóm đối tượng hoặc quần thể nhất định. Bệnh lưu hành có tác nhân gây bệnh tồn tại thường xuyên, tỉ lệ mắc bệnh có tính ổn định hoặc có thể dự báo được.

Do đó Singapore chỉ xem ban hành biện pháp phòng chống Covid-19 bổ sung là biện pháp cuối cùng.

Lý giải về làn sóng dịch mới, ông Ong cho rằng Singapore là trung tâm vận tải và liên lạc của khu vực và thế giới. Do đó, đây sẽ là một trong những nơi đón làn sóng Covid-19 sớm hơn các nước khác.

Bảo Nam tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>