Tăng cường thực hiện Đề án Hậu Giang xanh

03/04/2023 | 07:53 GMT+7

Để bảo vệ sức khỏe nhân dân và tạo cho môi trường ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp, các địa phương trong tỉnh đang ra sức thực hiện Đề án Hậu Giang xanh.

Bằng nhiều hình thức như đổi rác thải nhựa lấy quà đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Nhiều mục tiêu phải thực hiện

Theo kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trong năm 2023 của UBND tỉnh thì tỉnh phấn đấu có 70% hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; 90% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở đô thị được thu gom, xử lý theo quy định; 70% lượng rác sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định.

Rà soát, củng cố, thành lập mới và đi vào hoạt động Tổ vệ sinh môi trường ở ấp, khu vực ít nhất 60% trong tổng số ấp, khu vực tại địa phương. Phấn đấu giảm được 60% trong tổng số hộ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tự phát trên sông, kênh, rạch, không phù hợp quy hoạch đã rà soát trong năm 2021; không phát sinh thêm trường hợp mới chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không phù hợp quy hoạch; ít nhất 90% hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phù hợp quy hoạch thực hiện các biện pháp xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Tổ chức thu gom, chuyển giao bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng cho đơn vị chức năng xử lý ít nhất 30% khối lượng phát sinh.

Để đạt được các mục tiêu trên, các địa phương đang tăng cường thực hiện từng chỉ tiêu, cũng như tập trung tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, cho biết: Thời gian qua, xã chỉ đạo các hội, đoàn thể xã cùng với ấp tăng cường tuyên truyền vận động người dân bảo vệ môi trường, tập trung thực hiện Đề án Hậu Giang xanh. Đến nay, việc thực hiện đề án xã đã thành lập được 10 tổ vệ sinh môi trường ở địa bàn 10 ấp, mỗi tổ 3 thành viên. Từ khi có tổ thu gom rác đã giúp người dân giữ gìn môi trường sống tốt hơn. Xã thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia vệ sinh môi trường, trồng và chăm sóc cây xanh, bảo vệ môi trường trong hoạt động sinh hoạt, sản xuất. Việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đối với rác thải sinh hoạt tại chợ và trung tâm xã được đơn vị công trình đô thị huyện thu gom đúng quy định đạt 95%. Số hộ còn lại trên địa bàn, ban vận động xây dựng nông thôn mới vận động xử lý bằng phương pháp thu gom phân loại chôn lấp, đốt ước đạt 97%. Đến thời điểm này trên địa bàn xã không có trường hợp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Căn cứ vào kế hoạch thực hiện Đề án của huyện, Thường trực UBND xã Vĩnh Tường tiếp tục chỉ đạo các ấp, Tổ vệ sinh môi trường thực hiện vận động Nhân dân phân loại rác tại nguồn, tổ chức thu gom đúng quy định. Chỉ đạo phân công các ngành chuyên môn xã vận động thực hiện tiêu chí 17 về môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường chỉ đạo việc quản lý chất thải, rác thải trên địa bàn, từng bước tạo ý thức người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Phối hợp các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi từ trong nội bộ Đảng đến quần chúng nhân dân chung tay xây dựng môi trường nông thôn xanh, sạch, an toàn.

Quan tâm bảo vệ môi trường sống

Bà Lê Thị Búp, ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, cho hay: “Hiện nay Nhà nước rất quan tâm đến bảo vệ môi trường sống. Hiện tại, tôi thấy ở những tuyến đường khó có xe đến thu gom rác trước đây nay đã có xe kéo đến thu gom rác, điều này thấy rất phấn khởi. Với những cách làm linh hoạt của chính quyền đã giúp người dân nông thôn ý thức hơn việc bảo vệ môi trường, bỏ thói quen vứt rác bừa bãi. Riêng gia đình tôi, rác sinh hoạt và thuốc bảo vệ thực vật cũng được thu gom để đúng nơi quy định, nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe cho mọi người trong gia đình và người dân xung quanh”.

Hơn một tháng qua có xe kéo đến thu gom rác ở đường kênh Vị Bình là niềm vui của người dân. Ông Trịnh Duy Hiền, ở khu vực 5, phường V, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Mặc dù là ở gần trung tâm thành phố Vị Thanh nhưng do đường lộ chỉ có 2m nên suốt thời gian qua không có xe đến thu gom rác được. Rác sinh hoạt của gia đình đều phải tự đem ra các thùng chứa rác ở tuyến đường lớn để bỏ. Hôm nay đã có xe kéo đến thu gom rồi, gia đình tôi cảm thấy rất phấn khởi”.

Theo UBND xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy thì trong tiêu chí môi trường (số 17) đến nay xã có 10/12 chỉ tiêu đạt. Cụ thể như tỷ lệ chất thải rắn, sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn được thu gom, xử lý theo quy định; đã có 20 hố rác chứa chất thải rắn không nguy hại, thường xuyên thu gom và vận động người dân xây dựng hố tại nhà tự tiêu đảm bảo môi trường. Tỷ lệ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và chất thải rắn y tế được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Xã có 37 hố đựng vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng, thu gom về trên đúng theo quy định. Tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, đạt tỷ lệ 100%...

Hiện nay xã Vị Đông, huyện Vị Thủy cũng tập trung quyết liệt thực hiện Đề án Hậu Giang xanh. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Hiện xã triển khai thu gom chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại của hộ gia đình để xử lý tập trung đảm bảo môi trường. Tuyến chính được đơn vị công trình đô thị thu gom là 214/3.580 hộ, đạt 5,97%. Các tổ vệ sinh môi trường thu gom theo chương trình Đề án Hậu Giang xanh được 10/10 tổ với tổng số 790 hộ, đạt 22,06%...

Hiện các tổ vệ sinh môi trường xã Vị Đông tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom và xử lý đúng quy định. Các ấp phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tiếp tục phát quang, trồng hoa sinh thái, tạo cảnh quan môi trường các tuyến đường đẹp trên địa bàn xã. Các tổ vệ sinh môi trường nâng cao tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại của hộ gia đình, cá nhân được thu gom và xử lý tập trung đảm bảo môi trường trong năm 2023.

Theo kế hoạch của tỉnh, năm 2023 tỉnh tập trung vào các nhiệm vụ như  quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, bảo vệ cảnh quan môi trường, trồng và chăm sóc cây xanh. Tăng cường công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tiếp tục rà soát, củng cố, thành lập Tổ vệ sinh môi trường đảm bảo hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu theo nội dung đề án. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/2021/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 của HĐND tỉnh Hậu Giang quy định chính sách hỗ trợ cho Tổ vệ sinh môi trường ở địa phương thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Mở rộng mạng lưới, tăng cường tần suất thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực đô thị và nông thôn…

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>