Quyết liệt ứng phó xâm nhập mặn

26/04/2024 | 08:10 GMT+7

Trước tình hình xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, ngành chức năng tỉnh đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp cấp bách để ứng phó, đặc biệt khuyến cáo người dân cần kiểm tra độ mặn trong nước trước khi sử dụng vào sản xuất nông nghiệp.

Tình hình xâm nhập mặn trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh diễn ra gay gắt, với độ mặn cao nhất đạt 13,3‰.

Nồng độ mặn đang duy trì ở mức cao

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết từ ngày 20-4 đến nay, nồng độ mặn tại các sông chịu ảnh hưởng bởi thủy triều từ biển Tây trên địa bàn huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh liên tục tăng. Trong đó, độ mặn tại một số điểm chính của 2 địa phương trên trong các ngày vừa qua dao động từ 6,5‰ đến hơn 13‰. Cụ thể, độ mặn đo vào sáng ngày 25-4 tại một số điểm chính trên địa bàn huyện Long Mỹ, gồm: hướng mặn từ huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu xâm nhập theo sông Ngan Dừa đến tại ngã ba sông Nước Trong là 10,5‰, còn tại UBND xã Lương Nghĩa 9,9‰, cống Hóc Pó 9,8‰, bến phà Ngan Dừa 9,3‰; còn hướng mặn từ huyện Gò Quao tỉnh Kiên Giang xâm nhập theo sông Nước Đục tại một số điểm chính của thành phố Vị Thanh như ở kênh Lầu là 10‰, kênh Năm 5,7‰, kênh Mới 6,5‰…

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, chia sẻ: So với cùng kỳ thì độ mặn tại một số điểm chính trên địa bàn huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh đang cao hơn từ 3-6,7‰. Điều đáng quan ngại lúc này là nồng độ mặn ở mức cao đã lấn sâu vào một số kênh nội đồng của huyện Long Mỹ. Hiện tại, lượng nước ngọt từ sông Hậu đổ về tỉnh rất thấp nên khả năng ranh mặn sẽ tiếp tục lấn sâu vào nội đồng trong vài ngày tới. Mặc dù hiện chưa ghi nhận thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra, tuy nhiên với tình hình xâm nhập mặn gay gắt như lúc này thì khả năng ảnh hưởng đến sản xuất của người dân trong những ngày tới là rất cao. Do đó, các cấp, các ngành và người dân cần hết sức cảnh giác, chủ động theo dõi thông tin từ ngành chuyên môn để ứng phó mặn được hiệu quả, kịp thời.

Thông tin nhanh về tình hình xâm nhập mặn tại địa phương, ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, cho hay: Ngoài các điểm chính đang có nồng độ mặn cao thì điều lo lắng của ngành chức năng địa phương là độ mặn tại UBND xã Thuận Hòa trong những ngày vừa qua đã vượt mức 6‰ và đang còn lấn sâu vào nội đồng. Trong khi nhiều cánh đồng nơi đây đã được nông dân xuống giống lúa Hè thu và lúa đang ở giai đoạn mạ đến đẻ nhánh nên cây lúa cần nguồn nước để phát triển. Do đó, nếu người dân chủ quan trong việc lấy nước vào đồng sẽ rất dễ bị ảnh hưởng cho cây lúa do nước mặn.

Theo nhận định của ngành chức năng tỉnh, nguyên nhân làm cho nồng độ mặn xuất hiện cao tại nhiều điểm trên địa bàn huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh trong những ngày gần đây là việc quản lý, vận hành hệ thống các công trình ngăn mặn tại một số tỉnh giáp ranh với Hậu Giang vẫn còn những bất cập, từ đó nước mặn từ các cửa biển lấn sâu vào nội đồng, trong đó có tỉnh Hậu Giang. Mặt khác, lượng nước ngọt từ sông Hậu đổ về tỉnh vào những ngày gần đây rất thấp, đồng thời trên địa bàn tỉnh không xuất hiện mưa trái mùa nên lượng nước ngọt từ các sông, kênh bị xuống thấp, từ đó tạo điều kiện cho nước mặn lấn sâu vào nội đồng với nồng độ cao.

Ông Phạm Đức Đoàn, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh, thông tin: Mực nước tại các sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức thấp, đồng thời kết hợp với nắng nóng gay gắt nên nồng độ mặn vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao. Dự báo vào ngày 25-4 (ngày 17-3 âm lịch), trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện đợt thủy triều dâng cao đưa nước ngọt từ sông Hậu về. Hy vọng rằng, đợt thủy triều lần này sẽ phần nào làm giảm nồng độ mặn tại các sông, kênh trên địa bàn huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh, đồng thời cung cấp nguồn nước ngọt đủ lớn cho người dân phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Cấp bách ứng phó mặn

Trước tình hình xâm nhập mặn với nồng độ cao đang diễn ra gay gắt trên địa bàn tỉnh và dự báo còn kéo dài trong những ngày tới, ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở đã và đang triển khai nhiều giải pháp cấp bách để ứng phó nhằm hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Theo đó, một trong những nhiệm vụ được ngành chức năng tỉnh triển khai quyết liệt trong lúc này là tập trung vận hành có hiệu quả, kịp thời các công trình thủy lợi ngăn mặn, đảm bảo nước mặn không xâm nhập vào nội đồng. Qua rà soát thì đến nay toàn tỉnh đã đóng 59 cống tròn và cống hở để ngăn mặn, trong đó tập trung tại huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh.

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, chia sẻ thêm: Ngoài vận hành tốt các công trình ngăn mặn trong tỉnh, hiện đơn vị còn phối hợp với nhiều đơn vị vận hành công trình thủy lợi ở các tỉnh trong vùng, nhất là tỉnh Bạc Liêu và Kiên Giang để có giải pháp tháo nước mặn khi thủy triều rút để tỉnh lấy nước ngọt từ thượng nguồn sông Hậu đổ về thông qua các sông trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đơn vị còn phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn tỉnh và ngành chức năng huyện Long Mỹ đi khảo sát tại một số tuyến kênh và công trình ngăn mặn ngoài tỉnh như cống Cái Lớn - Cái Bé thuộc tỉnh Kiên Giang và cống Âu Thuyền Ninh Quới, cống Giá Rai,… thuộc tỉnh Bạc Liêu. Qua khảo sát nhằm nắm nguyên nhân tình hình xâm nhập mặn với nồng độ cao bất thường vào địa bàn tỉnh như những ngày qua, từ đó có giải pháp ứng phó hiệu quả từ xa.

Bên cạnh giải pháp công trình thì một trong những nhiệm vụ được xem là quan trọng trong lúc này là ngành chức năng đang tăng cường đi đo nồng độ mặn hàng ngày tại các điểm chính, sau đó thông tin nhanh để người dân biết và có giải pháp ứng phó hiệu quả. Đặc biệt là đẩy mạnh việc khuyến cáo người dân cần kiểm tra độ mặn trong nước trước khi sử dụng vào sản xuất nông nghiệp.

Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, thông tin: Hiện ngành chức năng của huyện và các xã, thị trấn đã tiến hành làm việc với các chủ trạm bơm tại các vùng đã xuống giống lúa Hè thu trên địa bàn huyện về việc tuân thủ nghiêm khuyến cáo của chính quyền địa phương về vấn đề lấy nước ngọt vào đồng ruộng trong điều kiện xâm nhập mặn gay gắt như hiện nay. Đối với các vùng chưa bị nước mặn xâm nhập vận động bà con cần điều tiết và sử dụng nguồn nước khoa học, hợp lý, tiết kiệm ngay từ đầu vụ, đảm bảo đủ nước theo nhu cầu từng giai đoạn phát triển của cây lúa, rau màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản; đồng thời thường xuyên theo dõi, cập nhật nguồn nước, chất lượng nước phục vụ sản xuất để ngăn ngừa nước mặn xâm nhập làm thiệt hại cây trồng, vật nuôi. Riêng các vùng đang bị ảnh hưởng nặng của tình hình xâm nhập mặn như xã Vĩnh Viễn A, Lương Tâm, Xà Phiên, Lương Nghĩa,… nông dân nên xuống giống lúa Hè thu khi mùa mưa bắt đầu.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>