Góp phần xử lý ô nhiễm khói lò than

03/01/2024 | 04:47 GMT+7

Tại một số địa phương ở Hậu Giang, khói từ các lò đốt củi sản xuất than đã và đang gây ra nhiều tác động tiêu cực tới sức khỏe người dân và môi trường, nên việc ứng dụng khoa học và công nghệ để xử lý ô nhiễm khói lò than là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Hướng dẫn người dân vận hành hệ thống xử lý ô nhiễm khói lò than tích hợp giám sát và điều khiển từ xa sử dụng công nghệ IoT.

Khói lò than và những hệ lụy

Từ những năm 80 của thế kỷ trước, nghề sản xuất than củi đã bắt đầu hình thành trên địa bàn tỉnh. Xã Phú Tân, huyện Châu Thành và xã Tân Thành, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy là những địa phương tập trung nhiều lò than củi nhất tỉnh. Số lượng lò than liên tục gia tăng theo thời gian. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 1.300 lò than củi. Nghề sản xuất than củi đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân. Tuy nhiên, sự phát triển của nghề này cũng kèm theo nhiều hệ lụy.

Tại các làng nghề sản xuất than củi, nhà dân và lò hầm than thường được đặt sát vách nhau. Mỗi khi đốt lò, khói từ lò than thải ra nồng nặc trong không khí, bụi bẩn bám đen vách tường và các dụng cụ trong nhà. Khói bụi từ các lò than không chỉ gây ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường mà còn tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, nơi tập trung nhiều lò than củi nhất tỉnh, có khoảng 300ha đất trồng cây ăn trái bị ảnh hưởng.

Sức khỏe của người dân ở những làng nghề sản xuất than củi cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Bởi trong quá trình nhiệt phân than củi, đặc biệt là với các công nghệ truyền thống, dễ sản sinh ra nhiều khói bụi và các khí độc hại như CO, CO2, SO2, SO3, NOx,... Các thành phần này khi phát tán ra ngoài môi trường có thể gây tổn thương mắt, gây ra các bệnh về đường hô hấp, về da và hệ tiêu hóa. Nếu hít phải một lượng khí CO quá lớn, có thể bị đau đầu, chóng mặt, bất tỉnh và thậm chí là tử vong.

Gắn bó với nghề sản xuất than củi gần 30 năm nay, ông Nguyễn Thanh Hiền, ở ấp Phú Tân, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, có nhiều kinh nghiệm và cũng thấm thía những nỗi vất vả của người làm nghề. “Công việc của tôi chủ yếu là làm đốt lò thuê cho người ta nên tôi hiểu nó ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào. Mỗi lần đốt lò là mệt dữ lắm, buông ra là thở không nổi luôn. Khói bụi làm con mắt nó cay, chảy nước mắt hết trơn”, ông Hiền chia sẻ.

Cần giải pháp phát triển bền vững

Dù có nhiều hệ lụy như thế, nhưng việc yêu cầu người dân di dời hoặc ngưng sản xuất là hết sức khó khăn. Bởi lẽ, nhiều năm qua, nghề sản xuất than củi đã gắn bó, giải quyết việc làm và mang lại thu nhập khá cho người dân nơi đây. Vì vậy, việc tìm ra một giải pháp vừa hài hòa giữa lợi ích của người dân, vừa xử lý được vấn đề ô nhiễm khói lò than, là điều hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Trong năm 2023, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, đã phối hợp với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, triển khai thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu phát triển hệ thống xử lý ô nhiễm khói lò than tích hợp giám sát và điều khiển từ xa sử dụng công nghệ IoT cho làng nghề truyền thống sản xuất than củi”, ứng dụng trực tiếp tại lò sản xuất than củi ở ấp Phú Tân A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành.

Quy trình công nghệ xử lý của hệ thống áp dụng phương pháp hấp thụ kết hợp hấp phụ. Khi đốt lò, khói than sẽ được dẫn qua chụp hút để đi vào tháp xử lý khí thải. Hệ thống có gắn các nút cảm biến cho phép đo mức ô nhiễm khí thải và điều khiển tự động. Thông qua ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh, người quản lý hệ thống có thể giám sát và điều khiển từ xa các thiết bị điện trong hệ thống lò và theo dõi, thống kê các thông số ô nhiễm của lò theo thời gian thực một các dễ dàng.

Theo PGS.TS. Đinh Văn Phúc, Phó Viện trưởng Thường trực Viện Khoa học xã hội liên ngành, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành: “Hậu Giang là địa phương đầu tiên mà chúng tôi áp dụng, thử nghiệm hệ thống này. Chúng tôi luôn cố gắng để không làm thay đổi thói quen của người dân, tạo ra sản phẩm than chất lượng và xử lý được vấn đề ô nhiễm môi trường để giúp người dân duy trì được làng nghề truyền thống. Ngoài ra, chúng tôi nỗ lực xây dựng hệ thống với mức chi phí thấp nhất, giúp cho người dân dễ tiếp cận và sử dụng lâu dài”.

Ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân, huyện Châu Thành, cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có 265 hộ sản xuất than củi, với 910 lò. Qua thử nghiệm, chúng tôi nhận thấy hệ thống giảm được sự ảnh hưởng của lò than tới môi trường. Trong thời gian tới, nếu hệ thống thực sự có hiệu quả, ở góc độ địa phương, chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động người dân áp dụng hệ thống để đảm bảo cho môi trường và ít ảnh hưởng tới sức khỏe bà con tại làng nghề”. Qua đó, tạo ra một giải pháp hài hòa giữa lợi ích của người dân và bảo vệ môi trường.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>