Chủ động ứng phó hạn, mặn

26/01/2024 | 08:18 GMT+7

Do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thời tiết, thiên tai ngày càng bất thường. Hiện tại, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang có xu thế tăng theo kỳ triều cường, nhất là từ đầu tháng 2-2024.

Nạo vét kênh để dự trữ cung cấp nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Hạn mặn có xu thế tăng cao

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, tương đương với năm 2020-2021, trong thời kỳ cao điểm (khoảng tháng 2 đến tháng 4-2024) có thể xảy ra thiếu nước ngọt cục bộ, xâm nhập mặn vào sâu các cửa sông. Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên cũng có thể xảy ra hạn hán, thiếu nước ngọt cục bộ, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân trong mùa khô.

Nồng độ mặn đo được vào ngày 25-1-2024 tại UBND xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, cao nhất là 0,4%o.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hậu Giang, hiện tại mặn trên sông Hậu đã áp sát tỉnh khu vực huyện Châu Thành và thành phố Ngã Bảy. Mặn theo triều biển Tây, trên sông Cái Lớn và kênh Chắc Băng cũng đã áp sát khu vực huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh. Dự báo trên sông Hậu biển Đông do triều cường dâng cao những ngày đầu năm âm lịch, mặn ảnh hưởng tới huyện Châu Thành và thành phố Ngã Bảy từ ngày 9 đến 12-2, độ mặn cao nhất từ 1,0-2,2‰. Xâm nhập mặn triều biển Tây trên sông Cái Lớn, kênh Chắc Băng xâm nhập vào các sông, rạch trong tỉnh từ ngày 4 đến 8-2 với nồng độ cao nhất từ 0,5-3,5‰.

Ông Phạm Đức Đoàn, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hậu Giang, cho biết: Lưu lượng dòng chảy từ sông Hậu vào tỉnh từ cuối tháng 1 và đầu tháng 2-2024 ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 4-10%. Lượng nước mặt trên các ao, hồ, kênh, rạch, sông ngòi trong tỉnh còn tương đối nhiều, do đó nguồn nước mặt đủ cung cấp trước, trong và sau Tết Giáp Thìn cho sinh hoạt, công nghiệp dịch vụ, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản các địa phương trong tỉnh.

Theo nhân định của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hàng năm toàn tỉnh có khoảng 28.000-34.000ha có nguy cơ hạn, bao gồm diện tích lúa Đông xuân và Hè thu ảnh hưởng hạn ở một phần của huyện Phụng Hiệp, một phần của huyện Vị Thủy; diện tích vườn cây ăn trái, rau màu ở huyện Châu Thành, Châu Thành A và thành phố Ngã Bảy. Khoảng 12.000-16.000ha vụ lúa Đông xuân và vụ lúa Hè thu có khả năng bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Cụ thể, xâm nhập mặn ảnh hưởng từ biển Tây chủ yếu huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, thành phố Vị Thanh, một phần huyện Vị Thủy và một phần huyện Phụng Hiệp; có khoảng 18.500ha cây ăn trái có khả năng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn từ triều biển Đông chủ yếu huyện Châu Thành, thành phố Ngã Bảy và một phần huyện Phụng Hiệp. Vùng có khả năng bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt cho người dân chủ yếu huyện Long Mỹ, huyện Vị Thủy, huyện Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ, thành phố Vị Thanh.

Tăng cường ứng phó

Khi vào mùa khô, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã tăng cường công tác dự báo dài hạn để có các phương án phòng tránh; thông tin, truyền thông xuống cộng đồng để người dân chuẩn bị trữ nước sinh hoạt. Đồng thời, có biện pháp điều chỉnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng địa phương. Xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn, xâm nhập mặn mùa khô để chủ động các giải pháp ứng phó; xây dựng kế hoạch nạo vét các tuyến kênh, rạch nội đồng, trục vớt lục bình khơi thông dòng chảy, không làm ô nhiễm các tuyến kênh, rạch đảm bảo khả năng trữ nước tối ưu nhất. Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị, cơ quan hữu quan trong việc quan trắc độ mặn; có kế hoạch vận hành, điều tiết các cống đầu mối hợp lý đảm bảo tích trữ đủ nguồn nước bên trong nội đồng một cách tốt nhất để phục vụ sản xuất. Có các giải pháp tốt nhất thực hiện ngăn mặn bảo vệ sản xuất cho các khu vực chưa có cống điều tiết ngăn mặn.

Sở NN&PTNT tỉnh cũng đã đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cấp nước tập trung đã có chủ trương, nguồn vốn, nhất là các công trình cấp nước tại khu vực khan hiếm nguồn nước ngọt; tổ chức nạo vét các công trình kênh trục, kênh tạo nguồn và hệ thống kênh cấp I, II, III do tỉnh và cấp huyện quản lý đầu tư. Vận hành linh hoạt các cống do tỉnh quản lý như vận hành đóng, mở các cửa cống từ 3 Voi đến cống 8.000 thuộc Tiểu dự án Ô Môn - Xà No; Đê bao Long Mỹ - Vị Thanh. Khi mặn ngoài kênh đạt mức 1,5‰ phải đóng các cửa cống theo diễn biến của mặn.

Đối với vùng thiếu nước sinh hoạt khi có hạn mặn xảy ra (huyện Vị Thủy, thành phố Vị Thanh, huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ) các đơn vị chức năng cũng đã xây dựng phương án đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân khi có mặn xâm nhập. Đối với khu vực ảnh hưởng thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn không có hệ thống cấp nước tập trung, phối hợp với các cơ quan chức năng, vận động các nhà tài trợ, mạnh thường quân tổ chức cung cấp nước sạch sinh hoạt, hỗ trợ bồn chứa nước…

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, trong mùa khô này sẽ vận hành có hiệu quả để giữ ngọt, ngăn mặn xâm nhập sâu các hệ thống cống ngăn mặn, đảm bảo cung cấp nước ngọt cho nhà máy nước trên địa bàn. Thổi rửa các giếng khoan sẵn có; khoan thêm giếng để dự phòng và bổ sung nguồn cho các trạm cấp nước. Thay thế một số tuyến ống đầu tư quá lâu hiện đang xuống cấp. Kéo dài tuyến ống và lắp đặt đồng hồ nước nhà dân để tăng số hộ phục vụ cấp nước. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình sớm đưa vào hoạt động phục vụ cấp nước cho người dân. Xây dựng hệ thống tưới tự động, tưới tiết kiệm nước. Thực hiện nạo vét kênh, mương để tăng cường khả năng trữ nước ngọt, sử dụng trong mùa khô. Triển khai gia cố, đắp mới các đập ngăn mặn theo thời vụ, làm bờ bao để tăng cường bảo vệ. Đầu tư xây dựng các hồ chứa nước ngọt.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã  ký Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15/1/2024 về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Để chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước cục bộ, xâm nhập mặn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức theo dõi, chủ động triển khai công tác ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong những tháng cao điểm mùa khô tới.

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi sát ảnh hưởng của El Nino, diễn biến thời tiết, nguồn nước, kịp thời cung cấp thông tin về tình hình, dự báo ngắn hạn, dài hạn về thủy văn, nguồn nước, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên cả nước, nhất là tại ĐBSCL và khu vực miền Trung, Tây Nguyên để các cơ quan chức năng, các địa phương và người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, kiên quyết không để xảy ra bị động, bất ngờ. Tổ chức thu thập thông tin về tình hình nguồn nước, vận hành điều tiết của các hồ chứa thủy điện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, khai thác sử dụng nước của các nước ở thượng nguồn các sông xuyên biên giới để phục vụ công tác dự báo nguồn nước, nguy cơ thiếu nước về một số hồ chứa lớn ở Bắc Bộ và xâm nhập mặn ở ĐBSCL.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức theo dõi sát diễn biến và có dự báo chuyên ngành về nguồn nước, chất lượng nước và nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn để cung cấp thông tin cho các địa phương và người dân. Đồng thời chủ động chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với diễn biến thực tế tại từng thời điểm, từng khu vực; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức sản xuất để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là thời kỳ cao điểm thường xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương và UBND cấp tỉnh có liên quan chỉ đạo vận hành linh hoạt, hiệu quả các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, các hệ thống thủy lợi nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả, tối ưu nguồn tài nguyên nước, vừa bảo đảm nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, vừa bảo đảm nước cho phát điện, nhất là thời kỳ xảy ra nắng nóng cao điểm.

Thủ tướng cũng giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các địa phương ĐBSCL, khu vực miền Trung và Tây Nguyên tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn; xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, trong đó hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, các cơ sở y tế, giáo dục và các nhu cầu thiết yếu khác, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt...

Bài, ảnh: HOÀI THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>