Chủ động phòng chống hạn, mặn

24/02/2022 | 07:44 GMT+7

Để chủ động công tác phòng chống hạn, mặn trên địa bàn, thành phố Vị Thanh đã đề ra nhiều giải pháp ứng phó nhằm góp phần giảm bớt thiệt hại cho người dân.

Đơn vị thi công đang hoàn thiện cống Kênh Ba, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, để bàn giao trong tháng 3 tới.

Theo nhận định, tình hình thời tiết, thủy văn trong những tháng mùa khô năm 2022 diễn biến phức tạp, nhiều tiềm ẩn bất lợi khó lường trước được. Nếu không gì thay đổi lớn về dòng chảy sông Mekong thì khả năng mặn xâm nhập năm nay trên địa bàn thành phố Vị Thanh cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng giảm khoảng 3‰ so với năm 2020 (độ mặn cao nhất vào khoảng từ 11‰ vị trí ngã ba Nước Trong thuộc địa bàn xã Hỏa Tiến).

Căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn, có thể xác định dự báo nguy cơ hạn, mặn trên địa bàn thành phố đối với địa bàn phường I trong tháng 1 và 2 nguồn nước ngọt dồi dào, mặn trên 4‰ có thể ít xảy ra. Đối với địa bàn phường VII, tháng 1 và 2 nước ngọt dồi dào, còn từ tháng 3 đến 4 xâm nhập mặn với nồng độ 4‰ có thể xuất hiện một số đợt.

Đối với địa bàn xã Hỏa Tiến thì trong tháng 1 nguồn nước ngọt vẫn còn dồi dào, vào những lúc đỉnh triều thì độ mặn có thể vượt 4‰. Trong tháng 2, nguồn nước ngọt vẫn có khả năng xuất hiện vào những lúc triều thấp, còn tháng 3 đến tháng 4 xâm nhập mặn với nồng độ cao ngay cả lúc triều thấp.

Theo UBND thành phố Vị Thanh, mùa khô năm 2022 khả năng mặn xâm nhập sẽ xuất hiện sớm hơn và sâu hơn mùa khô năm 2021 và trung bình nhiều năm. Do đó, thành phố đã yêu cầu các đơn vị phường, xã xây dựng các kế hoạch, kịch bản phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn để chủ động ứng phó với diễn biến thực tế trong thời gian tới.

 Ông Nguyễn Bé Sáu, Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, cho biết: Trên cơ sở chỉ đạo của UBND thành phố, phòng triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống hạn, mặn năm 2022 trên địa bàn thành phố Vị Thanh. Theo đó, kiểm tra, rà soát, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống cung cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn, mặn đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho vùng hạn, mặn, bảo vệ diện tích lúa, cây ăn trái, rau màu và thủy sản. Phòng kinh tế đã chỉ đạo Trạm thủy lợi phối hợp với các tổ công nhân vận hành cống, rà soát các cống, đập, vận hành thử, cũng như đo nồng độ mặn hàng ngày. Bên cạnh đó, kết hợp tuyên truyền, vận động người dân chủ động trữ nước ngọt để phục vụ tưới tiêu cho cây trồng, đóng các cống, bọng khi có mặn xâm nhập.

Đối với những vùng có nguy cơ hạn và mặn, thành phố đã triển khai nạo vét kênh mương để đảm bảo về độ sâu đáp ứng yêu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đối với cây lúa tập trung ở xã Vị Tân, Hỏa Lựu và phường III có 8 tổ dùng nước phải xây dựng kế hoạch bơm tưới chặt chẽ trong từng thời điểm, đáp ứng yêu cầu phát triển tốt cho cây lúa. Đối với cây trồng trên cạn, vào mùa khô khi chưa xảy ra mặn xâm nhập thì khuyến cáo nông dân thực hiện tưới thường xuyên cho cây trồng, đảm bảo bề mặt đất được giữ ẩm, đồng thời áp dụng phương pháp tưới tràn khi nồng độ mặn 1‰. Ngoài ra, có thể tưới phun phân sinh học cho cây trồng và áp dụng mô hình tưới tiết kiệm cho cây trồng cạn ở các xã Hỏa Tiến, Vị Tân, Tân Tiến.

Để đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp, thành phố đã huy động mọi nguồn đầu tư cho các công trình thủy lợi. Thành phố cũng đang triển khai xây dựng cho xã Hỏa Tiến 2 cống và 2 trạm bơm điện để phục vụ tưới tiêu ở ấp Thạnh Xuân và Thạnh Thắng. Hiện đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ để trong tháng 3 tới đưa vào sử dụng trạm bơm điện. Đồng thời, thành phố tập trung sửa chữa, nâng cấp kè chống sạt lở tuyến đê bao sông Cái Lớn phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Hỏa Tiến.

Nhờ chủ động kịp thời trong công tác phòng, chống hạn và mặn đã giúp người dân an tâm sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững. Ông Võ Văn Sang, ở ấp Thạnh Thắng, phấn khởi cho biết: “Trên diện tích đất sản xuất của gia đình, tôi trồng được 2 công chanh không hạt, còn lại là khóm. Trong 2 năm nay, được sự quan tâm của Nhà nước đầu tư các cống, trạm bơm điện cho địa bàn xã Hỏa Tiến một cách bài bản đã giúp nông dân yên tâm canh tác. Theo đó, bản thân thường xuyên bám sát khuyến cáo về kỹ thuật, thông báo về độ mặn của ngành nông nghiệp để có giải pháp trồng, trữ nước ngọt, giải pháp phun tưới cho cây trồng đúng lúc, đúng cách. Từ đó, giúp gia đình tôi canh tác chủ động và hiệu quả hơn trước rất nhiều”.

Toàn địa bàn thành phố Vị Thanh có tổng diện tích trồng khóm là 2.206ha, trong đó xã Hỏa Tiến cây khóm chiếm diện tích lớn và là cây chủ lực. Việc đầu tư hệ thống đê bao, cống, trạm bơm hoàn chỉnh đã giúp cho nông dân trên địa bàn yên tâm hơn trong sản xuất, phát triển kinh tế hộ. Theo ông Lâm Trường Thọ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, HTX có 90 thành viên tham gia trồng khóm, với 160ha. Cây khóm là loại cây chịu hạn và mặn cao, tuy nhiên thời gian qua do triều cường dâng cao làm cho diện tích trồng khóm của các thành viên trong hợp tác xã bị ngập úng, làm thiệt hại cho người dân. Hiện nay, hệ thống cống, trạm bơm đã được đầu tư hoàn chỉnh, giúp người trồng khóm yên tâm hơn khi sản xuất.

Ông Nguyễn Bé Sáu, Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, cho biết: Trong năm 2022, thành phố dự kiến đầu tư 9 công trình thủy lợi bằng các nguồn vốn lồng ghép để phục vụ công tác phòng chống hạn và mặn, với tổng kinh phí 8 tỉ đồng. Căn cứ tình hình khí tượng, thủy văn và dự báo của cấp trên, phòng sẽ phối hợp với UBND các xã, phường sẵn sàng ứng phó kịp thời với hạn, mặn xâm nhập vào từng thời điểm của mùa khô năm nay.

Theo Phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, phương án vận hành đóng, mở cống và đập thời vụ tùy vào tình hình diễn biến mặn xâm nhập và theo phương án đóng một chiều, mở luân phiên. Đóng cống khống chế hoàn toàn nước mặn từ phía sông Cái Lớn, sông Nước Đục, mặn xâm nhập vào bên trong hệ thống kênh mương; mở cống luân phiên nhằm giải quyết tiếp ngọt, vệ sinh môi trường và phương tiện vận chuyển nông sản, hàng hóa của Nhân dân trong vùng.

 

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>