“Phủ xanh” những bờ kênh

21/11/2022 | 20:01 GMT+7

Xây dựng kè sinh thái chống sạt lở được triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 120 của Chính phủ (Về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu) và góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng. Mô hình này ngày càng nhận được sự hưởng ứng từ người dân.

Sau gần 6 tháng triển khai và chăm sóc, điểm kè sinh thái tại tuyến kênh Một Ngàn, huyện Châu Thành A, phát triển tốt.

Mô hình kè sinh thái bằng vật liệu địa phương chống sạt lở là giải pháp đúng và sáng tạo phù hợp với địa bàn tỉnh Hậu Giang, đã được nhân rộng bởi những lợi ích thiết thực mà nó mang lại. Kè sinh thái bằng cây xanh có chi phí thấp, dễ làm, là giải pháp bảo vệ hiệu quả công trình giao thông, thủy lợi, mang lại lợi ích cả kinh tế và môi trường. Về lâu dài tạo mặt bằng gia cố mái kênh, thuận tiện trong việc nạo vét lòng kênh. Đặc biệt, giải pháp này có tính xã hội hóa rất cao. Riêng người dân sẽ có thêm thu nhập khi tham gia mô hình, bởi thu lợi từ cây trồng, ước tính thu nhập tăng gấp đôi, gấp ba lần so với chi phí đầu tư ban đầu.

Sau mấy năm chăm sóc, đoạn kè tràm sinh thái trước nhà ông Cao Văn Bồi, ở thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp, phát triển xanh tốt, cho thấy hiệu quả rõ ràng trong việc chắn sóng, giúp ổn định đất bờ sông và bảo vệ con lộ bê tông nông thôn bên trên.

Ông Bồi cho biết: “Tuyến kênh Búng Tàu rộng, phương tiện thủy tải trọng lớn lưu thông nhiều mà không có cách hạn chế sóng đánh vào bờ thì lâu ngày dễ bị hàm ếch, sạt lở. Trước nhà, tôi làm đoạn kè sinh thái, gia số cừ bên ngoài, bỏ đất vào trong, trên mặt kè trồng cây giữ đất. Tôi không chỉ trồng tràm, mà còn kết hợp trồng thêm cây bần, vì loại cây này bám rễ và giữ đất rất tốt. Giờ đây đã tạm yên tâm vì phần đất ven bờ đã ổn định, cây tràm bên trên đã lớn tạo bóng mát. Nếu trên tuyến sông này ai cũng làm kè sinh thái nối liền nhau thì quá tốt, hai bên bờ sông sẽ phủ một màu xanh mướt đẹp mắt”.

Ba ưu điểm chính mà kè sinh thái chống sạt lở mang lại là hạn chế xói mòn, sạt lở đất bờ sông, góp phần vào tỷ lệ che phủ rừng, thân thiện với môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Khi triển khai đúng hướng dẫn, kè sinh thái giúp chống sạt lở, đặc biệt trên các tuyến sông, kênh có trục giao thông chính, góp phần giảm kinh phí duy tu bảo vệ đường, xử lý các điểm đã sạt lở. Môi trường nông thôn được bảo vệ do diện tích cây xanh tăng lên. Mặt khác, kè sinh thái còn góp phần xây dựng nông thôn mới, tạo điểm nhấn trong cách làm du lịch nông nghiệp. Về lâu dài, tạo mặt bằng gia cố mái kênh, thuận tiện trong việc nạo vét lòng kênh, vì đa số các tuyến kênh đã bồi lắng nhưng không có mặt bằng thi công. Quá trình triển khai cho thấy, những nơi có sự tham gia của người dân vào khâu chăm sóc, vệ sinh kè mé, cây cối, những đoạn kè nơi đó phát triển tốt và nhanh chóng mang lại hiệu quả.

Bà Lê Thị Phượng, ở ấp 1B, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, cho rằng: “Để cây trồng xanh tốt, tất nhiên mỗi gia đình phải dành chút thời gian để chăm sóc, phát quang, dọn dẹp thường xuyên. Việc trồng những loại cây như tràm, bần, dừa nước để giữ đất bờ sông là cách làm được áp dụng từ lâu. Nhưng để giữ phù sa, chống xói mòn đất một cách hiệu quả thì giải pháp ngành chức năng triển khai cho thấy hiệu quả rõ hơn. Tức là làm có bài bản, có kè mé bên ngoài và có vật liệu che chắn. Cách làm này giảm tối thiểu việc hao hụt cây trồng, ổn định bờ sông, hạn chế sóng ghe tàu tạt vào. Tôi cho rằng những mô hình như thế này ngày càng được nhân rộng hơn nữa”.

Vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 65 năm truyền thống lực lượng Quản lý thị trường (3/7/1957 - 3/7/2022) gắn với kế hoạch hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai, mô hình kè sinh thái đã được triển khai tại ấp 1B, thị trấn Một Ngàn. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 170 triệu đồng từ nguồn vận động xã hội hóa. Từ mô hình thí điểm ban đầu, nay chính quyền địa phương đã tiếp tục vận động người dân kè mé, trồng cây, làm kè sinh thái dọc tuyến để xây dựng tuyến kênh xanh, chống xói mòn đất bờ sông, hạn chế tác động của sóng vào bờ.

Ông Nguyễn Vĩnh Thọ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành A, cho biết: Châu Thành A có nhiều tuyến kênh, rạch, nền đất tương đối mềm, cộng với phương tiện thủy di chuyển nhiều tác động gây nguy cơ xói mòn, sạt lở. Do đó, mô hình kè sinh thái được triển khai đã mang lại hiệu quả bước đầu trong bảo vệ bờ kênh. Từ mô hình triển khai thí điểm của tỉnh và huyện tại tuyến kênh Một Ngàn vào tháng 5 vừa qua, trong năm 2022, người dân đã hưởng ứng triển khai ra toàn tuyến kênh Một Ngàn. Trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu UBND huyện tiếp tục phát động các xã, thị trấn nhân rộng theo các mô hình mẫu, thực hiện đồng bộ các tuyến kênh, rạch.

Đánh giá sau 6 tháng triển khai, ông Trần Thanh Toàn, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho rằng mô hình kè sinh thái tại ấp 1B, thị trấn Một Ngàn cho thấy hiệu quả cao trong việc bảo vệ bờ kênh, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu. Thời gian tới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng nhiều mô hình để góp phần phòng ngừa sạt lở trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ môi trường sống, môi trường nông thôn xanh, trong lành.

Bài, ảnh: NGỌC ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>