Thấy gì qua Tháng an toàn phòng cháy, chữa cháy ?

14/11/2023 | 07:09 GMT+7

Tháng an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC), lực lượng chức năng có nhiều hoạt động thiết thực.

Ngành chức năng tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Nhiều kết quả

Cụ thể, lực lượng tổ chức Lễ mít-tinh ra quân hưởng ứng hoạt động trên tại 3 huyện, có hơn 620 người tham dự. Phối hợp với Ban quản lý Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp thành phố Vị Thanh, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh và cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) được 4 lượt, có 1.740 người tham dự.

“Tại hoạt động trải nghiệm này, chúng tôi thực hành cách sử dụng bình chữa cháy xách tay dập tắt đám cháy do rò rỉ khí ga, rải vòi chữa cháy, kỹ thuật cố định xương gãy, kỹ thuật ép tim ngoài lồng ngực kết hợp hô hấp nhân tạo..., góp phần nâng cao kiến thức về PCCC cho công nhân”, thượng tá Lê Hùng Cường, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh, cho biết.

Đồng thời, tổ chức cho 20.085 hộ gia đình, chủ cơ sở ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC; phát 31.970 tờ rơi, tờ khuyến cáo về PCCC; vận động 10.060 hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy; 132 hộ gia đình có nhà ở mở lối thoát nạn khẩn cấp thứ hai; hướng dẫn 580 cơ sở xây dựng phương án CNCH; 20 cơ sở xây dựng phương án chữa cháy; 480 cơ sở tự tổ chức thực tập phương án chữa cháy và 460 cơ sở tự tổ chức tập phương án CNCH.

Ngoài ra, đơn vị chức năng còn tổ chức kiểm tra công tác an toàn PCCC tại 1.445 cơ sở: 24 trụ sở cơ quan nhà nước, 1.400 cơ sở tư nhân, 8 chợ, 12 trường học và 1 điểm tổ chức hội chợ. Qua đó, phát hiện và xử phạt 20 trường hợp vi phạm hành chính trên lĩnh vực PCCC, với số tiền 62,7 triệu đồng.

Lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH còn tổ chức huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và CNCH cho cán bộ, chiến sĩ được 150 giờ, có 780 lượt đồng chí tham gia; khảo sát lập mới 6 phương án chữa cháy, 28 phương án CNCH; kiểm tra, bổ sung 11 phương án chữa cháy và 5 phương án CNCH. Phối hợp với các lực lượng có liên quan tổ chức thực tập 15 phương án chữa cháy, có 1.250 người tham gia và 23 phương án CNCH, có 910 người tham gia.

“Các hoạt động trên đều tăng so với Tháng an toàn PCCC năm 2022. Qua đó cho thấy, chúng tôi rất quan tâm, chú trọng triển khai, thực hiện các biện pháp PCCC trong mọi tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức và hành động”, thượng tá Lê Hùng Cường cho biết thêm. 

Nâng cao nhận thức PCCC

Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh, ngoài các hoạt động trên, trong quá trình tuyên truyền, vận động, đơn vị còn thông tin tình hình cháy nổ 10 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đến cơ quan, doanh nghiệp, trường học, tiểu thương, người dân để chủ động phòng ngừa.

Cụ thể, 10 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ cháy, thiệt hại tài sản ước tính  hơn 1,1 tỉ đồng, so với cùng kỳ năm 2022 giảm 2 vụ. Nguyên nhân dẫn đến 2 vụ cháy trên do chập điện, tất cả đều hộ kinh doanh ở thành thị.

Mua bán tạp hóa tại chợ phường VII, thành phố Vị Thanh hơn 10 năm qua, với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỉ đồng, nên ông Phạm Thành Lộc, rất quan tâm trong bảo vệ tài sản của mình, nhất là thực hiện các biện pháp PCCC.

Cụ thể, ngoài tham gia tập huấn PCCC, trang bị bình chữa cháy tại cơ sở, thường xuyên kiểm tra thiết bị điện để kịp thời thay thế nếu bị bong tróc, hư hỏng… ông còn sắp xếp hàng hóa cách xa nguồn điện ít nhất 0,5m; không đun nấu tại đây; bố trí cửa thoát nạn thứ hai…

“Hậu quả của cháy nổ không chỉ gây ảnh hưởng đến tính mạng mà còn tài sản của gia đình và những hộ liền kề, do đó tôi phải thực hiện thường xuyên liên tục. Tới đây, ngoài thực hiện nghiêm, tôi sẽ thường xuyên vận động người thân và các hộ xung quanh cùng nâng cao nhận thức và hành động để bảo vệ tài sản chung”, ông Lộc nói.

Ngoài các hộ mua bán, kinh doanh nâng cao nhận thức, hành động phòng ngừa PCCC mà những hộ ở nông thôn cũng chú tâm vấn đề này.

Những năm gần đây, phát triển kinh tế gia đình gặp nhiều thuận lợi, nên hộ ông Lê Văn Tâm, ở khu vực 4, phường VII, thành phố Vị Thanh, mua nhiều trang thiết bị điện về phục vụ sinh hoạt gia đình và công tác PCCC vẫn được ông đặc biệt quan tâm. Đó là ngoài thay hệ thống điện của gia đình cho phù hợp, ông còn không sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện lớn cùng lúc; trang bị 2 bình chữa cháy mini tại gia đình… Ngoài ra, trong quá trình đun nấu, hộ ông luôn có người trông coi; không để củi gần nơi đun nấu…

“Tôi thường xuyên đọc báo, xem đài để nắm thông tin tình hình cháy nổ và các biện pháp phòng ngừa, từ đó áp dụng vào gia đình mình. Theo tôi, tuy ở nông thôn nhưng tình hình cháy nổ vẫn rất tiềm ẩn, bởi nhiều người ít quan tâm đến các thiết bị điện trong gia đình. Tới đây, tôi sẽ cùng với địa phương tuyên truyền, vận động mọi người chủ động hơn trong thực hiện PCCC để bảo vệ tài sản của mình”, Tâm cho biết.

Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh, qua Tháng an toàn PCCC, từ sự chủ động thực hiện các biện pháp PCCC của lực lượng chức năng, nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân về vấn đề này đã được nâng lên. Cụ thể, nhiều hộ gia đình trang bị bình chữa cháy mini tại gia đình; kiểm tra, thay thế hệ thống điện trong cơ quan, trường học, cơ sở kinh doanh; mở cửa thoát nạn thứ hai trong nhà… Do đó, trong Tháng an toàn PCCC toàn tỉnh không xảy ra vụ cháy nổ nào.

“Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì phối hợp với sở, ngành, địa phương tuyên truyền các biện pháp PCCC đến mọi tầng lớp nhân dân; kiểm tra việc thực hiện vấn đề trên tại các chợ, công ty, doanh nghiệp… nhằm phát hiện kịp thời những thiếu sót để nhắc nhở, sửa chữa; tổ chức thực tập phương án chữa cháy và CNCH để mọi người biết cách nếu gặp sự cố… nhằm hạn chế thấp nhất các vụ cháy xảy ra trên địa bàn”, thượng tá Lê Hùng Cường cho biết.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>