Phát huy vai trò “bệ đỡ” cho công nghiệp nông thôn

24/10/2023 | 07:45 GMT+7

Thời gian qua, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ khuyến công trên địa bàn 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã bám sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước, thực trạng và nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn, nỗ lực phấn đấu để đạt được những thành tựu nổi bật.

Công tác khuyến công của tỉnh Hậu Giang thời gian qua đã phát huy được vai trò hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Những con số đáng ghi nhận

Theo báo cáo, năm 2022, tổng kinh phí khuyến công thực hiện của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là 79,07 tỉ đồng, đạt 85,23% kế hoạch năm. Trong đó, tổng kinh phí khuyến công quốc gia là 28,99 tỉ đồng, đạt 97,18%. Tổng kinh phí khuyến công địa phương thực hiện là 50,08 tỉ đồng, đạt 79,56%. Một số địa phương trong khu vực tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương cho hoạt động khuyến công.

Hoạt động khuyến công của vùng đã hỗ trợ xây dựng 4 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới và mô hình thí điểm áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ 220 cơ sở ứng dụng máy móc tiên tiến và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường. Đây là chương trình thu hút một lượng lớn vốn đối ứng của doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trong việc đầu tư xây dựng mô hình, đầu tư mua sắm máy móc thiết bị vào sản xuất với số vốn đầu tư hơn 151,97 tỉ đồng.

Nhằm hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển sản phẩm, hoạt động khuyến công đã hỗ trợ 593 gian hàng tiêu chuẩn cho 468 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia các hội chợ triển lãm trong nước; hỗ trợ bình chọn 400 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp cho 323 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn; 126 cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ in, dán nhãn logo chương trình bình chọn; hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu cho 1 cơ sở công nghiệp nông thôn và 15 cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo nghề cho 127 lao động, trên 80% lao động có việc làm sau đào tạo; đào tạo khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn cho 1.228 đối tượng là cán bộ quản lý điều hành của các cơ sở công nghiệp nông thôn; tổ chức được 9 hội thảo, tập huấn chuyên đề cho 492 đại biểu tham dự...

Năm 2023, theo báo cáo, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công được duyệt của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là 101,65 tỉ đồng, tăng 9,57% so với kế hoạch năm 2022. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia theo kế hoạch là 34,5 tỉ đồng, tăng 15,8% so với năm 2022; kinh phí khuyến công địa phương là 67,15 tỉ đồng, tăng 6,68% so với năm 2022. Tám tháng đầu năm 2023, kinh phí toàn vùng thực hiện đạt 42,48 tỉ đồng, đạt 41,8% kế hoạch năm. 

Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp được các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công thương tích cực thực hiện trong năm 2022. Cả vùng có 18/20 đơn vị triển khai hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp, đạt doanh thu 12,5 tỉ đồng với 419 dự án, tăng gấp 2 lần so với kế hoạch năm. Nội dung tư vấn phát triển công nghiệp chủ yếu trong các lĩnh vực như: Tư vấn xây lắp điện, năng lượng; tư vấn thiết kế, giám sát công trình xây lắp; tư vấn các dịch vụ khác. Theo kế hoạch năm 2023, các đơn vị đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện tư vấn phát triển công nghiệp với dự kiến 369 dự án. Thực hiện 8 tháng đầu năm 2023, đã tư vấn cho 190 dự án, với doanh thu đạt 4,163 tỉ đồng, đạt 65,54% kế hoạch năm, bằng 67,56% so với cùng kỳ năm 2022.

Trợ lực cho công nghiệp nông thôn phát triển

Thời gian qua, các hoạt động khuyến công được triển khai đa dạng, trong đó các nội dung về hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn... được các địa phương quan tâm đẩy mạnh; nhiều địa phương đã xây dựng được các đề án khuyến công quốc gia điểm tập hợp nhiều nội dung hoạt động khuyến công, cơ bản có chất lượng và tập trung trọng tâm, trọng điểm trong chế biến nông, thủy sản, phát huy các lợi thế so sánh về nguồn nguyên liệu sẵn có để thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển bền vững. Nhiều địa phương trong khu vực đã quan tâm đầu tư nhiều nguồn lực để xây dựng và phát triển mạng lưới cộng tác viên khuyến công cấp huyện, cấp xã, để chủ động và nâng cao chất lượng đề án, bám sát nhu cầu thực tế từ cấp cơ sở.

Là một trong những cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang nhận được sự hỗ trợ từ kinh phí khuyến công quốc gia năm 2015 và năm 2023, đồng thời có 1 sản phẩm “Bún tươi” đạt bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2022, Cơ sở sản xuất thực phẩm Huỳnh Đức (thành phố Ngã Bảy) không ngừng nỗ lực, tiếp tục phát triển sản phẩm chủ lực của cơ sở, nâng cao cả về năng suất sản xuất và chất lượng sản phẩm bún nhằm mục tiêu tăng doanh thu cho cơ sở, mở rộng thị trường và tạo thêm việc làm ổn định cho người dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

“Vào tháng 8 vừa qua, với nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng, cơ sở chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư mới 1 máy sấy bún, hủ tiếu, bánh tráng sử dụng năng lượng mặt trời trong sản xuất thực phẩm. Nếu trước đây, với mô hình sản xuất phơi, sấy truyền thống với năng suất sản xuất hơn 200kg/ngày, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường thì từ khi áp dụng máy móc thiết bị mới sử dụng năng lượng mặt trời vào quy trình sản xuất sản phẩm, cơ sở chúng tôi đã cải thiện rõ rệt giai đoạn sấy một cách rất hiệu quả, rút ngắn thời gian sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lên 1 tấn/ngày, giải quyết việc làm ổn định cho trên 10 lao động nữ tại địa phương”, ông Trương Huỳnh Đức, chủ cơ sở cho hay.

Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc Hợp tác xã Kỳ Như, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Năm 2019, chúng tôi được Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ lò sấy năng lượng mặt trời, từ nguồn kinh phí khuyến công là 200 triệu đồng để phục vụ sản xuất. Nếu trước đây, với mô hình sản xuất phơi, sấy truyền thống chưa đáp ứng yêu cầu của cơ sở đặt ra thì từ khi áp dụng máy móc thiết bị mới sử dụng năng lượng mặt trời, công suất lớn vào quy trình sản xuất sản phẩm thì rút ngắn thời gian sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, tăng năng suất, tối ưu sử dụng nguyên liệu, giảm giá thành sản phẩm; giải quyết việc làm ổn định cho trên 60 lao động nữ tại địa phương”.

Đồng thời, HTX còn được hỗ trợ tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Kết quả đến nay, HTX Kỳ Như có 4 sản phẩm đạt cấp tỉnh, 3 sản phẩm đạt cấp khu vực và 1 sản phẩm đạt cấp quốc gia.

Có thể thấy, việc hỗ trợ nguồn kinh phí khuyến công cho các cơ sở giúp các cơ sở mạnh dạn đầu tư, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm đã giúp tăng hiệu quả sản xuất, tăng lợi nhuận cho cơ sở, bảo vệ môi trường, tạo việc làm ổn định cho lao động, góp phần phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cho địa phương.

Bài, ảnh: Y.LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>