Ứng dụng công nghệ số trong phòng, chống thiên tai

02/02/2022 | 06:25 GMT+7

Để cập nhật thông tin nhanh, giảm công sức và tăng tính chủ động trong ứng phó các loại hình thiên tai, Chi cục Thủy lợi tỉnh đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong thực hiện nhiệm vụ.

Hệ thống thủy lợi, cống, đập được đầu tư theo công nghệ 4.0 tại huyện Châu Thành đã góp phần ngăn mặn, trữ ngọt hiệu quả cho người dân.

Một trong những cách làm đã mang lại hiệu quả ở nhiều năm qua trong việc ứng dụng công nghệ số vào phòng, chống thiên tai là Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh đã tạo Group trên Zalo với các thành viên. Từ Group Zalo này, khi có thông báo gì hoặc có tình huống thiên tai xảy ra thì đăng lên để các thành viên nhanh chóng được tiếp cận và Ban Chỉ huy tỉnh sẽ chỉ đạo giải quyết các vấn đề kịp thời hơn. Mặt khác, trong những năm gần đây, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh thường xuyên diễn ra gay gắt vào mùa khô; do đó, nhằm có thông tin dự báo nhanh, chính xác để người dân ứng phó kịp thời và giảm áp lực cho cán bộ đi đo mặn, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư 10 trạm đo mặn tự động và phân bổ chủ yếu ở hai địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng của xâm nhập mặn vào mùa khô hàng năm là thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Từ những thiết bị đo mặn tự động sẽ được kết nối với điện thoại thông minh để gửi kết quả đo mặn hàng ngày vào khung giờ cố định được cài đặt từ trước. 

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, cho hay: Cùng với các công trình và phi công trình ngăn mặn thì từ khi các trạm đo mặn tự động trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động đã giúp cho cơ quan chuyên môn của tỉnh và địa phương cập nhật được nhanh và thường xuyên về nồng độ mặn ở các thời điểm; từ đó giúp các ngành chức năng và người dân chủ động, cũng như ứng phó kịp thời trước diễn biến gay gắt, khó lường của tình hình xâm nhập mặn. Điển hình như trong mùa khô năm 2021 vừa qua, dù độ mặn đạt đỉnh điểm đến 11,8‰ nhưng không gây thiệt hại lớn.

Bên cạnh 10 trạm đo mặn tự động thì trong năm 2021, Hậu Giang còn lắp đặt và đưa vào vận hành 10 trạm đo mưa tự động được phân bổ tại nhiều địa phương trong tỉnh. Thông qua thiết bị đo mưa tự động sẽ cung cấp số liệu chính xác về lượng mưa cho từng vùng vào những thời điểm cụ thể, từ đó giúp ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh cảnh báo, cũng như khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống ngập úng hiệu quả và bảo vệ tốt mùa màng.  

Ngoài ra, từ nguồn vốn viện trợ của Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ, Chi cục Thủy lợi tỉnh đã phối hợp với huyện Châu Thành thực hiện mô hình thủy lợi, tưới tiên tiến tiết kiệm nước, áp dụng công nghệ 4.0 trong phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn cho vườn cây ăn trái. Theo đó, dự án đã tập trung đầu tư xây dựng cống, đập kết hợp với nạo vét kênh mương trữ ngọt, thực hiện vận hành đóng, mở cống bằng hệ thống tự động hóa. Cụ thể, tại miệng cống có gắn hệ thống cảm biến đo mặn tự động, khi độ mặn xuất hiện ở mức 1,5‰ thì nắp cống sẽ tự đóng lại để ngăn nước mặn tràn vào bên trong nội đồng, đồng thời trữ nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất cho nhà vườn. Ngoài ra, đi kèm với dự án là việc vận động người dân áp dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước kết hợp với công nghệ 4.0 (thiết kế hệ thống tưới nhỏ giọt Dripnet PC với mỗi hàng cây được lắp 2 hàng dây nhỏ giọt hai bên) trên diện tích đang thực hiện thí điểm rất hiệu quả là hơn 8ha.

Ông Trần Thanh Toàn Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, cho biết thêm: Những mô hình ứng dụng công nghệ số trong phòng, chống thiên tai như trên đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho địa phương và người dân trong tỉnh, từ đó góp phần làm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Tới đây, đơn vị tiếp tục phối hợp với các địa phương trong việc phát huy hơn nữa tính hiệu quả của từng mô hình, đồng thời xây dựng một số trạm đo và đưa ra sự cảnh báo về ngập úng, sét đánh bằng hình thức tự động hóa theo công nghệ số…

HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>