Khoa học và công nghệ giải quyết các vấn đề thực tiễn: Vào cuộc nhưng chưa đi tới cùng

10/01/2024 | 16:57 GMT+7

Khoa học và công nghệ (KH&CN) phải gắn với thực tiễn và tập trung giải quyết những vấn đề từ thực tiễn. Nhưng khi triển khai, KH&CN không chỉ tiếp cận với những vấn đề cần giải quyết, mà còn gặp nhiều vấn đề khác.

Bài 3: Những rào cản

KH&CN đang rất cần được “cởi trói” cơ chế, chính sách và triển khai một cách thiết thực, hiệu quả, để có thể trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội như kỳ vọng.

Thực tế… không như mơ

Có không ít đề tài nghiên cứu, định hướng nghiên cứu giảm ô nhiễm ở các lò than xã Phú Tân, huyện Châu Thành, nhưng thực tế ô nhiễm không giảm mà tình hình ngày một nghiêm trọng hơn.

Xã Phú Tân, huyện Châu Thành và xã Tân Thành, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, hiện có khoảng 1.300 lò than củi đang hoạt động. Suốt mấy thập kỷ qua, nghề làm than củi đã trở thành công việc mưu sinh, là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân nơi đây.

 Đến khu vực này, hình ảnh dễ bắt gặp nhất là những cây cối, nhà cửa, đồ vật bị bám đầy tro bụi đen nhẻm. Kèm theo đó là những tàn tro bay và mùi khét từ củi cháy lẫn trong không khí.

Gắn bó với nghề sản xuất than củi gần 30 năm nay, ông Nguyễn Thanh Hiền, ở ấp Phú Tân, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, có nhiều kinh nghiệm và cũng thấm thía những nỗi vất vả của người làm nghề. “Công việc của tôi chủ yếu là làm đốt lò thuê cho người ta nên tôi hiểu nó ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào. Mỗi lần đốt lò là mệt dữ lắm, buông ra là thở không nổi luôn. Khói bụi làm con mắt nó cay, chảy nước mắt hết trơn”, ông Hiền chia sẻ.

Trước nguy cơ mà nghề làm than củi mang lại cho sức khỏe con người và môi trường, nhiều năm qua, ngành chức năng địa phương đã triển khai nhiều biện pháp để giảm thiểu sự ảnh hưởng này.

Bên cạnh việc vận động người dân chuyển đổi sang hoạt động kinh tế khác, ngành KH&CN cũng đã vào cuộc để làm giảm khói, bụi từ lò than, tiêu biểu là sử dụng các hệ thống thu gom, lắng lọc khí thải. Thế nhưng, hầu hết giải pháp đều chỉ áp dụng được trong thời gian ngắn, do tốn kém chi phí vận hành, hoặc gây bất tiện cho quá trình sản xuất của người dân.

Đáng buồn thay, thực tiễn cho thấy, dù KH&CN muốn được áp dụng và mang lại hiệu quả cho người dân, nhưng không phải lúc nào cũng được người dân đón nhận và duy trì, nhân rộng. Với một số người dân đã quen sản xuất theo hướng truyền thống, việc áp dụng KH&CN đôi khi tạo cho họ nhiều sự bất tiện hơn hiệu quả.

Dường như gánh nặng kinh tế khiến họ không đủ sự kiên nhẫn để đợi KH&CN thử nghiệm, ứng dụng có khi lại chẳng thành công. Hoặc nếu có thành công thì họ cũng không mặn mà với việc áp dụng lâu dài.

Những năm gần đây, có khá nhiều nhiệm vụ KH&CN xây dựng chuẩn VietGAP, GlobalGAP cho các diện tích trồng trọt, chăn nuôi. Các dự án không chỉ giúp người nông dân làm quen với việc canh tác theo tiêu chuẩn, mà còn nâng tầm chất lượng, giúp nông sản đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy hiểu được tầm quan trọng của việc thực hành nông nghiệp tốt, nhưng khi giấy chứng nhận được hỗ trợ đã hết hạn, có khá ít nông hộ chủ động thực hiện việc tái chứng nhận. Bởi lẽ, lợi ích kinh tế mà nó mang lại đôi khi chưa tương xứng với chi phí mà họ phải tự bỏ ra.

Có thể thấy, bên cạnh những người nông dân hiện đại, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, thì vẫn còn đâu đó một số nông dân chưa mặn mà, chưa mạnh dạn thử nghiệm và chấp nhận rủi ro mà KH&CN mang lại. Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố khách quan khác khiến cho việc đưa KH&CN vào thực tiễn trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, đây cũng là động lực để các nhà khoa học tiếp tục vượt khó, nâng cao khả năng nghiên cứu và ứng dụng ngày càng sát hợp hơn.

Rào cản cơ chế

Các nhà khoa học cần được gỡ khó về cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ KH&CN.

Mục tiêu của KH&CN là nghiên cứu, tìm ra những kiến thức mới để tạo cơ sở ứng dụng vào thực tế, mang lại hiệu quả cao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và đất nước. Thời gian qua, việc triển khai nhiệm vụ KH&CN các cấp đã tạo ra “sân chơi” cho các nhà khoa học nghiên cứu, tìm tòi và thử nghiệm. Thế nhưng, khi bước vào “sân chơi” này, các nhà khoa học không chỉ tập trung làm chuyên môn, mà còn phải đối mặt với nhiều vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách và chịu trách nhiệm trước rủi ro từ nhiệm vụ mà mình được giao.

Mỗi khi triển khai một nhiệm vụ KH&CN, các nhà khoa học đều phải trải qua các bước: xác định nội dung nghiên cứu, tuyển chọn, thẩm định, tổ chức triển khai và kiểm tra tình hình thực hiện, đánh giá và nghiệm thu kết quả.

Tùy vào quy mô của từng nhiệm vụ, quá trình này có thể kéo dài trong vài tháng đến vài năm trời. Bên cạnh kinh phí, nhân lực và thời gian dành cho nghiên cứu, các nhà khoa học còn phải thực hiện nhiều phần việc liên quan. Trong khi các chính sách, pháp luật về lĩnh vực KH&CN còn nhiều bất cập.

Cụ thể thời gian qua, các nhà khoa học phải thực hiện nhiệm vụ KH&CN trong bối cảnh một số quy định về đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN rõ ràng, hoặc không còn phù hợp với thực tiễn. Quy định về khoán chi trong thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước đã được ban hành nhưng không triển khai trong thực tế.

Chưa có quy định cụ thể phù hợp cho việc mua sắm trong nhiệm vụ KH&CN. Việc xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước có rất nhiều vướng mắc,… Những vấn đề này đã tạo ra hạn chế nhất định khi đưa KH&CN vào thực tiễn.

Trước những bất cập đó, ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN, nhìn nhận: “Nghiên cứu khoa học không thể tính toán một cách định lượng chính xác như các hoạt động sản xuất khác. Rất khó để chúng ta xây dựng các định mức cũng như tính toán hiệu quả, lợi nhuận. Trong quá trình xây dựng thuyết minh, quá trình quản lý đề tài, ngay cả việc nghiệm thu đề tài, việc xác lập lợi nhuận hiệu quả kinh tế nó phải ở trong tương lai”.

Do đó, bên cạnh việc chấp nhận rủi ro, tính đặc thù và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, nước ta đang khẩn trương tháo gỡ rào cản về cơ chế, chính sách để tạo sự thông thoáng cho hoạt động này trong thời gian tới.

Chưa bao giờ KH&CN được quan tâm như hiện nay: Cơ hội bứt phá

KH&CN được kỳ vọng giải quyết tốt hơn nữa những vấn đề mà sản xuất và đời sống đặt ra.

Cuối năm 2023, Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định số 3289 Phê duyệt Chương trình KH&CN cấp quốc gia “KH&CN ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL”, mã số: KC.15/21-30, do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì. Qua đó, cung cấp luận cứ khoa học, giải pháp, mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhằm ứng phó chủ động, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thích ứng với tác động của thượng nguồn sông Mê Kông, phát triển bền vững.

Theo GS.TS Trần Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ KH&CN: “Chương trình KC.15/21-30 có định hướng lớn là chương trình liên kết vùng nhưng giải quyết những vấn đề cấp thiết của từng địa phương. Phải làm sao để các nhiệm vụ của chương trình không chồng chéo với các chương trình cấp tỉnh, cấp bộ, cấp quốc gia khác. Đồng thời, kế thừa được sản phẩm từ các nhiệm vụ khác. Qua đó, góp phần đưa ĐBSCL trở thành vùng kinh tế trọng điểm, văn minh sinh thái và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước của cả nước, hội nhập khu vực và quốc tế”.

Việc triển khai Chương trình KC.15/21-30 một lần nữa thể hiện sự quan tâm, nỗ lực đóng góp của ngành KH&CN đối với sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL. Hiện nay, Bộ KH&CN đang ghi nhận những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học cho chương trình này, nhất là các nhà khoa học hiện đang công tác tại ĐBSCL, chịu tác động trực tiếp cũng như am hiểu sâu về vùng đất này. Đây sẽ tiếp tục là một trong những “sân chơi” lớn cho để đưa KH&CN vào thực tiễn ĐBSCL, mang lại lợi ích thiết thực và rõ nét.

Để các nhiệm vụ KH&CN được triển khai hiệu quả hơn, trong năm 2023, nước ta đã có nhiều điểm nhấn về cơ chế, chính sách phát triển KH&CN. Tiêu biểu là Nghị quyết số 36 ngày 30-1-2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới; Văn bản số 690 ngày 31-7-2023 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo,… Đây là những nền tảng quan trọng để Bộ KH&CN tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về KH&CN, tạo điều kiện cho các nhà khoa học hoạt động hiệu quả hơn.

Tại Hội nghị toàn quốc ngành KH&CN năm 2023, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, khẳng định: “Phát triển KH&CN phải phục vụ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. KH&CN, đổi mới sáng tạo phải gắn liền với thực tiễn, tập trung giải quyết những vấn đề thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo của sự thành công”.

Với những định hướng đó, kỳ vọng ngành KH&CN sẽ tiếp tục có nhiều nghiên cứu mới, có giá trị, áp dụng hiệu quả vào thực tiễn và mang lại lợi ích thiết thực cho ĐBSCL, giúp vùng ngày càng vươn tầm phát triển mạnh mẽ hơn.

ĐANG THƯ – HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>