HẬU GIANG “ĐI SAU” NHƯNG CÓ THỂ “VỀ TRƯỚC” NHỜ CHUYỂN ĐỔI SỐ

25/05/2023 | 11:44 GMT+7

Chuyển đổi số (CĐS) không chỉ là câu chuyện của riêng tỉnh Hậu Giang, mà là câu chuyện lớn của vùng và cả nước. Tuy nhiên, để có bước tiến mạnh mẽ hơn về CĐS ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, cần có những liên kết chặt chẽ hơn, để tạo một điểm nhấn riêng, không thể mỗi địa phương làm mỗi kiểu

Bài 3. Cần “Nhạc trưởng” liên kết “Bản giao hưởng” chuyển đổi số vùng

CĐS ở đồng bằng sông Cửu Long nên bắt đầu từ đâu?, theo các chuyên gia công nghệ: Nên bắt đầu từ những thế mạnh hiện có và rất tiềm năng của vùng, nhưng quá trình đi đến thành công không phải một ngày, một bữa.

Chuyển đổi số từ thế mạnh của vùng

Để có bước tiến mạnh mẽ hơn về CĐS, vùng đồng bằng sông Cửu Long cần có sự liên kết chặt chẽ để thúc đẩy sự phát triển chung của vùng, nhất là về nông nghiệp.

Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước, là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây chủ lực. Hiện tại, sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm tỷ trọng rất lớn. Không nằm ngoài xu thế tất yếu phải CĐS, ngành nông nghiệp ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng tập trung đẩy mạnh công tác CĐS, nhằm hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp sạch và hiện đại, giúp nông dân vươn xa và có trách nhiệm với người tiêu dùng. Tuy nhiên, đến nay việc CĐS trong nông nghiệp vẫn còn nhiều điểm nghẽn, cần được khơi thông.

Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, nêu một vấn đề thực tế: Ở đồng bằng sông Cửu Long có một câu chuyện năm nào cũng xảy ra, đó là điệp khúc được mùa mất giá, có những nông dân ở làng hoa Sa Đéc mỗi năm đem hoa lên Thành phố Hồ Chí Minh bán, đến gần giao thừa lại chính tay mình đập bỏ những chậu hoa mà mình từng chăm chút… như vậy, công nghệ nói chung, CĐS nói riêng phải góp phần giải quyết vấn đề tiêu thụ, đầu ra, sau đó nói đến những chuyện lớn hơn như xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, dữ liệu về an toàn thực phẩm trên nền tảng ứng dụng công nghệ số.

Đồng tình với ông Tuấn, theo ông Phạm Ngọc Hoàng Nam, Trưởng phòng Dịch vụ Phần mềm, Công ty Cổ phần Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT: “Để CĐS trong ngành nông nghiệp trước hết, cần xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin ngành, cung cấp nhiều giải pháp hiện đại trong nông nghiệp để nông dân tiếp cận. Mặt khác, việc thay đổi nhận thức cho người nông dân về CĐS cũng cần được tập trung thực hiện, bởi muốn CĐS nông nghiệp, thì trước hết nông dân phải hiểu CĐS là nhu cầu tất yếu sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn so với việc canh tác truyền thống. Ngoài những yếu tố trên, thì chính sách của tỉnh để khuyến khích các cá nhân, hợp tác xã ứng dụng công nghệ đưa thương hiệu tiến xa cũng là yếu tố rất quan trọng”.

Bên cạnh tập trung thúc đẩy CĐS lĩnh vực nông nghiệp theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm, để người dân Đồng bằng sông Cửu Long được nâng cao chất lượng cuộc sống, phải giúp người dân thoát nghèo, giúp người nông dân tránh được thực tế được mùa mất giá, phụ thuộc vào thương lái trung gian. Muốn vậy cần CĐS để tạo thương hiệu gia đình cho sản phẩm bằng cách cá thể hoá sản vật với mảnh vườn nhà mình.

Bên cạnh đó, phải CĐS giáo dục, y tế và các ngành mũi nhọn. Về y tế, nên CĐS bằng cách ứng dụng "Bác sĩ AI" có thuật toán khám, chẩn đoán bệnh nhanh, chính xác, hoàn toàn tự động; triển khai nền tảng tư vấn, khám chữa bệnh từ xa để mỗi người dân có một bác sĩ riêng, được kết nối các bệnh viện Trung ương và địa phương, sử dụng bác sỹ tốt nhất cho người dân trong Vùng; Mỗi người dân một sổ sức khỏe điện tử theo suốt cuộc đời.

Về giáo dục, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm gợi mở: “Vùng nên cân nhắc chọn CĐS lĩnh vực giáo dục, đào tạo là ưu tiên số 1 để phát triển nhanh nhân lực số. Cho phép, thúc đẩy đại học số. Đại học số không cần nhiều giảng đường, giáo viên. Đại học số thì sinh viên vẫn ở nhà, vẫn cày cấy giúp bố mẹ và vẫn học đại học. Đại học số thì nhiều người có thể học đại học. Đại học số có thể giúp giải quyết bài toán thiếu nhân lực số…”

Điểm nhấn Hậu Giang và kinh nghiệm cho vùng

Tháng 7-2021, lần đầu tiên tỉnh Hậu Giang phối hợp cùng Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HCA) tổ chức một sự kiện lớn về CĐS, đó là Tuần lễ thúc đẩy CĐS phát triển kinh tế vùng - Hậu Giang 2022. Tuần lễ CĐS trong năm 2022, được xem là tiền đề cho hoạt động đẩy mạnh công tác CĐS, thu hút nhà đầu tư công nghệ và mở rộng quan hệ hợp tác giữa các tỉnh, thành với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong tương lai. Tiếp nối thành công của năm 2022 mới đây, HCA đã phối hợp cùng tỉnh Hậu Giang tiếp tục triển khai Tuần lễ CĐS và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong delta 2023,  quy mô tổ chức tăng gấp 4 lần so với năm trước.

Học sinh, sinh viên và đoàn viên trong tỉnh tiếp cận và trải nghiệm các ứng dụng công nghệ.

Đánh giá về CĐS tại Hậu Giang sau các hoạt thúc đẩy từ tuần lễ CĐS ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung, cho biết: Đồng hành cùng tỉnh trong nhiều hoạt động thúc đẩy CĐS đặc biệt là tổ chức tuần lễ CĐS, HCA hiểu thêm và thấy được sự quyết tâm, khát vọng của lãnh đạo tỉnh trong việc thúc đẩy các hoạt động CĐS nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Qua tiếp xúc, chúng tôi thấy nhận thức về CĐS của cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân đã chuyển biến tích cực về mặt nhận thức, tư tưởng. Đặc biệt là doanh nghiệp, người dân đã bắt đầu có ý thức và mong muốn được tham gia vào quá trình CĐS. Chính những kết quả bước đầu của hoạt động CĐS đã góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế của tỉnh nhà.

 “Hậu Giang là một tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng đã đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng thông qua tăng trưởng vượt bậc về GRDP và các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI. Điểm nổi bật là tỉnh Hậu Giang trong hoạt động CĐS và ứng dụng CNTT đó chính là hiệu quả của tổ CĐS cộng đồng; mô hình CĐS tiêu biểu cấp huyện; tỉnh có cách làm hay là bố trí nguồn kinh phí CĐS đến cấp xã… Đặc biệt, điểm ấn tượng nhất đối với cá nhân tôi chính là việc hình thành Khu Công nghệ số Hậu Giang trong năm 2023 này. Có thể nói sự kiện lần này, đã mang tầm vóc của quốc gia, được cộng đồng doanh nghiệp công nghệ đón nhận rất tích cực và được sự ủng hộ mạnh mẽ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ. Không phải địa phương lớn nào trong cả nước đều có thể triển khai được những hoạt động tương tự như ở Hậu Giang”, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung, chia sẻ thêm.

Đánh giá về Tuần lễ CĐS đã được UBND tỉnh Hậu Giang và HCA phối hợp tổ chức, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá: Hậu Giang là vùng đất rất đặc biệt, là nơi có điểm hội tụ của 7 tuyến sông vô cùng độc đáo. Hy vọng Hậu Giang sẽ trở thành điểm hội tụ của CĐS, của công nghiệp công nghệ số, của đổi mới sáng tạo, để kết nối với các địa phương trong khu vực trở thành trung tâm mới về công nghệ trên cả nước. Sự kiện Tuần lễ CĐS được tỉnh tổ chức cũng là cách để nâng cao nhận thức về CĐS. Đây sẽ tiếp tục là hoạt động thường niên để khu vực thúc đẩy việc nâng cao nhận thức và thói quen của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về CĐS. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng và các tỉnh miền tây trong hành trình CĐS, thúc đẩy công nghiệp công nghệ số thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm: CĐS là một việc khó nhưng là xu hướng tất yếu, khách quan

CĐS là một việc khó nhưng là xu hướng tất yếu, khách quan; là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; vì thế phải tiến hành khẩn trương, kiên trì, liên tục; kế thừa những thành tựu phát triển công nghệ, các ứng dụng và dữ liệu số đã có, đi đôi với đổi mới sáng tạo, thường xuyên tổng kết, đánh giá để có những bước đi phù hợp tiếp theo.

Bên cạnh tập trung thúc đẩy CĐS lĩnh vực nông nghiệp theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm, để người dân Đồng bằng sông Cửu Long được nâng cao chất lượng cuộc sống, phải giúp người dân thoát nghèo, giúp người nông dân tránh được thực tế được mùa mất giá, phụ thuộc vào thương lái trung gian. Muốn vậy cần CĐS để tạo thương hiệu gia đình cho sản phẩm bằng cách cá thể hoá sản vật trên chính mảnh vườn nhà mình.

HOÀNG NGUYÊN - MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>