HẬU GIANG “ĐI SAU” NHƯNG CÓ THỂ “VỀ TRƯỚC” NHỜ CHUYỂN ĐỔI SỐ

23/05/2023 | 11:38 GMT+7

Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xác định đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số (CĐS) là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và là cơ hội để một địa phương còn nhiều khó khăn như Hậu Giang dù “đi sau”, nhưng có thể “đuổi kịp”, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Bài 1. Biến thách thức thành cơ hội

CĐS đang dần trở thành xu thế tất yếu, mang lại nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức, tác động không nhỏ đến các ngành, lĩnh vực, đời sống kinh tế - xã hội…

Khi chuyển đổi số đi vào cuộc sống

Ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp được tỉnh từng bước xây dựng và hoàn thiện.

Đi đám cưới, nhưng tiền mừng được gửi bằng cách quét mã QR code để chuyển vào ví điện tử của cô dâu nghe có vẻ lạ, nhưng ai cũng cảm thấy cách nhận tiền mừng kiểu này rất tiện lợi. Đây là câu chuyện về đám cưới có 1-0-2 ở vùng quê thuộc xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A của chị Kim Quyến và anh Phong, hưởng ứng theo mô hình đám tiệc không dùng tiền mặt của địa phương. Anh Châu Văn Hóa, người dân địa phương chia sẻ: “Ban đầu, thấy trên thiệp cưới ghi sẽ nhận tiền mừng bằng cách quét mã QR code, bà con quanh đây ai cũng bỡ ngỡ. Tuy nhiên, khi đã qua một vài lần được hướng dẫn và biết sử dụng ví điện tử, mọi người khá thích thú với hình thức nhận tiền mừng kiểu này bởi vừa nhanh, lại tiện lợi. Dù là vùng nông thôn, nhưng giờ người dân ở xã gần như đã thông dụng việc sử dụng ví điện tử khi đi chợ, thanh toán các chi phí sinh hoạt”.

Không riêng gì vùng quê xã Trường Long Tây, mà ở vùng nông thôn sâu còn nhiều khó khăn như xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, người dân đã được làm quen và bắt đầu tiếp cận được với việc sử dụng ví điện tử. Ông Danh Nghĩa, ở ấp 10, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, bộc bạch: “Từ hồi xài điện thoại thông minh thay cho điện thoại cùi bắp, rồi cài cái ví điện tử thấy cũng hay hay. Giờ chỉ cần ngồi nhà quẹt quẹt là đóng được hóa đơn tiền điện, tiền internet các thứ, chứ hồi trước, mỗi lần tới tháng thanh toán hóa đơn này kia, vợ chồng tôi phải ra gần xã mới đóng được tốn thời gian giữ lắm”.

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749 phê duyệt Chương trình CĐS Quốc gia đến 2025 định hướng 2030. Là một trong những tỉnh ở vùng ĐBSCL chủ động khá sớm trong công cuộc CĐS, ngày 2-12-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) ban hành Nghị quyết số 02 về xây dựng Chính quyền điện tử và CĐS tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; tiếp đó, ngày 4-12-2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 25, thông qua Đề án Xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020-2025. Đây là các văn bản quan trọng, xác định mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Chính quyền điện tử, CĐS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về xây dựng Chính quyền điện tử, CĐS, trong giai đoạn 2021- 2022, các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp. Nếu năm 2021, được xem là năm bản lề của tỉnh trong thực hiện CĐS, thì năm 2022 vừa qua cùng với các hoạt động từng chủ trương, chính sách, kế hoạch và văn bản về công tác chuyển đổi số được tỉnh ban hành đã thực sự đi vào đời sống. Các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt về CĐS. Cụ thể, trong năm qua, tổ công nghệ số cộng đồng ở các địa phương đã hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến (tiếp nhận và xử lý trực tuyến hơn 369.000 hồ sơ), thanh toán không dùng tiền mặt (44% hộ gia đình đã cài đặt ví điện tử, tài khoản ngân hàng…), sử dụng app Haugiang (34% hộ gia đình đã cài đặt app)… Nhờ đó, cả 3 trụ cột về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực.

Đến hết năm 2022, cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã cập nhật 1.851 thủ tục hành chính của các đơn vị trong tỉnh. Trong đó, cung cấp 395 dịch vụ mức 2, 140 dịch vụ mức 3 và 1.316 dịch vụ mức 4. 100% cơ quan nhà nước tham gia Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; 100% văn bản giữa các đơn vị được ký số và chuyển hoàn toàn trên hệ thống; 100% xã, phường, thị trấn được trang bị hệ thống phòng họp trực tuyến, đảm bảo chất lượng họp trực tuyến ổn định.

Trong năm qua, Hậu Giang đã đưa 105 sản phẩm OCOP và 904 sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử Vỏ sò và Postmart, tham gia giao dịch điện tử trên 2 sàn này. Đến cuối năm 2022, số người dân cài ứng dụng di động Hậu Giang (HauGiang app) gần 68.595 lượt người. Ứng dụng di động này cho phép người dân tra cứu thông tin về lịch công tác, thời tiết, thị trường và tương tác với các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Đến nay, chúng ta đã đạt những kết quả tích cực bước đầu của quá trình CĐS. Cụ thể, nhận thức về CĐS của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và Nhân dân đã chuyển biến tích cực. Hạ tầng công nghệ thông tin thiết yếu phục vụ cho chính quyền số cơ bản đáp ứng như: Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh; nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP; Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, Ứng dụng di động Hậu Giang, Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống quản lý văn bản… Kinh tế số, xã hội số của tỉnh bắt đầu được hình thành.

Tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn

Chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội để thúc đẩy sự phát triển toàn diện.

Xác định hạ tầng là tiền đề quan trọng để thực hiện CĐS hiệu quả, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã dành nguồn lực khá lớn để từng bước hoàn thiện về hạ tầng công nghệ. So với trước đây, hiện nay hạ tầng công nghệ thông tin và CĐS của tỉnh đã có những tiến bộ đáng kể. Về hạ tầng kỹ thuật, tỉnh có hạ tầng Cloud phục vụ các ứng dụng dùng chung của tỉnh; Trung tâm dữ liệu tỉnh phục vụ việc sao lưu dữ liệu và dự phòng các ứng dụng; tỉnh đã bố trí máy tính, máy in cho công chức, viên chức từ tỉnh đến cấp xã;

Cùng với đó, các ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp cũng được xây dựng và hoàn thiện. Điển hình là cổng thông tin điện tử tỉnh được cập nhật thường xuyên, nội dung thông tin luôn bám sát định hướng tuyên truyền của Đảng và Nhà nước. Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống một cửa điện tử đã được triển khai tại 100% cơ quan cấp tỉnh, huyện, xã. Mạng 4G đã phủ sóng toàn tỉnh, mạng 5G đang được triển khai thí điểm ở một số khu vực, địa bàn trong tỉnh.

Để thu hút các nhà đầu tư ở lĩnh vực công nghệ thông tin hiện tại, tỉnh đang áp dụng các chính sách chung về ưu đãi đầu tư công nghệ thông tin của Trung ương. Mới đây, đã ban hành Đề án thành lập Khu công nghệ số Hậu Giang đặt tại thành phố Vị Thanh. Qua đây, thu hút các doanh nghiệp công nghệ thông tin từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận vào đầu tư kinh doanh với các chính sách, chế độ ưu đãi dành cho các khu công nghệ thông tin tập trung theo quy định của Chính phủ.

Khu Công nghệ số Hậu Giang được kỳ vọng sẽ góp phần tạo bước đột phá lớn của tỉnh trong phát triển công nghiệp công nghệ số.

Mới đây, UBND tỉnh đã bảo vệ thành công Đề án Khu Công nghệ số Hậu Giang gia nhập vào chuỗi Công viên Phần mềm Quang Trung.

Việc thành lập Khu Công nghệ số Hậu Giang, được tỉnh kỳ vọng sẽ tạo nên bước đột phá mới của địa phương về phát triển công nghiệp công nghệ số. Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Hiện nay, đã có 4 nhà đầu tư khá lớn đầu tư vào Khu Công nghệ số của tỉnh. Trong đó, có một doanh nghiệp đang triển khai xây dựng tiếp theo, các doanh nghiệp còn lại sẽ bắt đầu khởi công. Ngay trong hội thảo xúc tiến đầu tư trong Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Mekong Delta 2023, đã ký kết với 2 nhà đầu tư nữa. Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã có những chuyến đi xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, gặp gỡ các doanh nghiệp về công nghệ để kêu gọi đầu tư. Về chính sách, UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Riêng khu công nghệ số, doanh nghiệp được hỗ trợ miễn phí về sử dụng mặt bằng, internet, những hoạt động thực hành…”

Mặc dù, không có lợi thế sẵn có về công nghệ nhưng Hậu Giang đã nỗ lực giữ vững thứ hạng CĐS cấp tỉnh cụ thể, năm 2022 tỉnh tiếp tục đứng vị trí thứ 17 cả nước về chỉ số đánh giá CĐS (DTI), xếp hạng 3/13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long về chuyển đổi số.

Ngoài ra, Hậu Giang còn nằm trong top 10 địa phương dẫn đầu về hạ tầng số. Kết quả này có được từ sự quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ có trọng tâm, trọng điểm theo lộ trình của tỉnh.

HOÀNG NGUYÊN - MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>