Hoa thơm trong vườn Bác

07/02/2018 | 08:57 GMT+7

Học tập và làm theo gương Bác nhiều năm qua giúp xây dựng con người Hậu Giang thêm nhân văn, biết sống tích cực hơn, vì người khác, vì cộng đồng !

Nhờ học và làm theo Bác ở đức tính cần cù lao động mà bà Trương Thị Bé Hai, ở ấp So Đũa Lớn, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, có được cuộc sống tốt hơn.

Mỗi ngày làm một việc tốt

Tết Mậu Tuất 2018 đang đến gần nhưng không khí làm việc tại UBND xã Phú Tân, huyện Châu Thành vẫn rất khẩn trương, nhất là ở bộ phận một cửa vẫn nhộn nhịp người ra vào. Tất bật là thế nhưng cán bộ nơi đây vẫn nở nụ cười thân thiện khi tiếp xúc với Nhân dân.

- Anh cần giải quyết thủ tục gì ạ ?

- Tôi đến đây để công chứng một số loại giấy tờ.

- Vậy anh qua đây, tụi em hướng dẫn cho…

Đó là cuộc trao đổi giữa chị Nguyễn Thị Diệu Hiền, cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Phú Tân, với anh Trần Văn Tuấn, ở ấp Phú Trí A. Sau đó, chị Hiền đã tận tình hướng dẫn thủ tục cho anh Tuấn; chưa đầy 20 phút, giấy tờ anh Tuấn cần được giải quyết xong.

Cầm trên tay hồ sơ, anh Tuấn phấn khởi nói: “Lần nào đến đây làm giấy tờ tôi cũng được cán bộ hướng dẫn tận tình với thái độ niềm nở, giải quyết lại nhanh nên người dân khỏi phải đợi lâu”.

Xong trường hợp của anh Tuấn, chị Hiền lại nhanh nhảu tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ khác. Chị cho biết, từ trước tới nay, cán bộ bộ phận một cửa của xã đều giữ thái độ ân cần, hòa nhã khi tiếp xúc với dân. Đặc biệt là khi mô hình “Mỗi ngày làm một việc tốt vì Nhân dân” được Đảng ủy xã triển khai thực hiện thì cán bộ nơi đây càng quyết tâm thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.

Về phần mình, chị Hiền chọn thực hiện theo mô hình bằng cách hướng dẫn tận tình và giải quyết nhanh nhất có thể khi người dân đến làm hồ sơ. “Dù có một hồ sơ tôi cũng trình cho lãnh đạo ký để người dân không phải đợi lâu. Khi người dân có điều gì chưa rõ thì tôi hướng dẫn chi tiết để bà con khỏi phải đi lại nhiều lần”, chị Hiền nói.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Phú Tân Đỗ Trung Nam, đây là mô hình để cán bộ, đảng viên học tập và làm theo gương Bác một cách thiết thực, bằng hành động chứ không nói… suông. Để nêu gương, mỗi ngày ông Nam cũng cố gắng làm một việc có lợi cho dân.

“Khi đi làm từ nhà (ở thành phố Cần Thơ - PV) đến cơ quan, tôi luôn cố gắng đi nhiều đường khác nhau để “thám thính” tình hình ở địa phương. Chỉ cần nhìn thấy đoạn đường, cây cầu nào hư hỏng, hay có cây xanh che khuất tầm nhìn là chỉ đạo khắc phục ngay. Trong công việc, hễ người dân cần đến sự giúp đỡ thì tôi luôn sẵn lòng. Mỗi lần làm được việc gì đó có lợi cho Nhân dân là lòng tôi cảm thấy vui và muốn làm thêm thật nhiều nữa”, ông Nam nói.

Ý chí vươn lên

Khi đàn én… đã về và những cơn gió đầu mùa thổi nhẹ thì nhiều người trông đến những ngày xuân, tuy nhiên, với bà Bé Hai (Trương Thị Bé Hai), ở ấp So Đũa Lớn, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, vẫn tận dụng thời gian để chăm sóc cho đám dưa leo đang chuẩn bị thu hoạch bán vào dịp tết. Làm xong cũng đã gần 6 giờ tối, nhưng về đến nhà bà lại còn phải cho 1.000 con ba ba, cua đinh ăn. Lúc mọi thứ đã đâu vào đấy bà mới nấu vội nồi cơm, làm vài món ăn đạm bạc cho buổi cơm… tối.

Cực nhọc là vậy nhưng thành quả bà nhận được cũng rất xứng đáng. Căn nhà của gia đình bà đang ở tuy đơn sơ nhưng xóm giềng ai cũng biết vợ chồng bà là… đại gia “ngầm”. Bởi từ việc nuôi ba ba, cua đinh và trồng rau màu đã mang về cho gia đình lợi nhuận ngót nghét hơn 200 triệu đồng/năm. Sau nhiều năm lam lũ, tích góp, vợ chồng bà thống nhất 2 năm nữa sẽ xây nhà mới, to đẹp trị giá vài trăm triệu đồng. Bà Bé Hai quả quyết: “Nếu không biết chí thú làm ăn, chi xài tiết kiệm theo lời Bác Hồ dạy chắc cuộc sống của tôi không được như bây giờ”.

Bà kể, hai vợ chồng lấy nhau cách đây hơn 30 năm, lúc đó chỉ có 1,5 công đất do cha mẹ bà cho. Hai đứa con lần lượt ra đời khiến gia đình nhiều lúc lâm vào cảnh túng quẩn. Có lần được chi hội phụ nữ ấp tuyên truyền về việc học tập và làm theo gương Bác, bà cảm thấy rất hay. Nhưng tấm gương đạo đức của Bác Hồ vĩ đại, rộng lớn bao la như trời biển, có học cả đời cũng không thể hết. Thế nên, bà chọn học và làm theo những điều gần gũi, thân quen với… nghề nghiệp của mình. Suy đi nghĩ lại, bà quyết định noi theo gương Bác ở đức tính cần cù lao động…

Và rồi, hơn 10 năm trước, khi con ba ba bắt đầu được thị trường ưa chuộng, hai vợ chồng này nắm bắt ngay cơ hội và mua con giống về nuôi trên diện tích 1,5 công đất hiện có. Chưa hết, họ còn mướn thêm đất của xóm giềng để trồng thêm rau màu. Cứ thế, đến nay tài sản của gia đình này là hơn 1.000 con ba ba, cua đinh và 7 công đất thuê trồng dưa leo, rau cải. Đặc biệt là tất cả con giống ba ba, cua đinh đang nuôi đều do ông bà tự tạo nên đồng lời kiếm được khá nhiều. Cứ thế, từ hai bàn tay trắng, gia đình bà Bé Hai đã gầy dựng được cơ ngơi mà nhiều người trong xóm phải ngưỡng mộ.

Dù đang phải “đầu tắt mặt tối” với chuyện làm ăn hiện tại, nhưng bà tính với chồng sẽ tăng số lượng nuôi cua đinh, ba ba thêm 1.000 con nữa. Quả thật, lao động, cần cù đối với phụ nữ này là vinh quang.

Sống là phải yêu thương nhau

Vượt quãng đường hàng ngàn cây số, chị Nguyễn Ngọc Thảo vừa từ thành phố Hà Nội về thăm lại chùa Long Khánh, ở ấp 2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy. Lấy chồng và sinh sống ở xa nhưng chị luôn nhớ về các sư cô chùa Long Khánh, nhất là sư cô Nghiêm Anh, Trụ trì chùa - người mà chị Thảo coi là ân nhân lớn nhất đời mình.

Bị người cha ruột bỏ lúc 6 tuổi, hai mẹ con chị Thảo đã đến nương nhờ tại chùa Long Khánh. Rồi từ đó đến khi vào học ở một trường trung cấp tại thành phố Cần Thơ, chị đều được tình yêu thương và vòng tay ấm áp của sư cô Nghiêm Anh chở che, đùm bọc. Đến khi lấy chồng và sinh sống ở tận đất Bắc, chị vẫn không quên ơn và hàng năm đều thu xếp công việc về thăm chùa.

Lần nào về thăm, chị Thảo cũng mua ít quà cho mấy đứa nhỏ đang được nuôi dưỡng tại chùa, bởi nhìn thấy chúng chị lại nhớ về hoàn cảnh của mình ngày trước.

Ngoài chị Thảo, còn có một số trường hợp khác cũng được sư cô Nghiêm Anh nhận nuôi dưỡng từ bé đến khi trưởng thành. Ra đời mỗi người một hướng, nhưng họ vẫn nhớ về vị Trụ trì chùa Long Khánh với sự kính trọng, yêu thương hết mực.

Hiện chùa Long Khánh vẫn đang cưu mang nhiều em có hoàn cảnh bất hạnh. Đang là học sinh lớp 12, Trường THPT Lê Hồng Phong (xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy) nên em Châu Võ Yến Nhi đã nhận thức đầy đủ về công ơn nuôi dưỡng và tình yêu thương mà sư cô Nghiêm Anh dành cho.

Cha mẹ Yến Nhi ly dị khi còn rất nhỏ, vì cuộc sống khó khăn nên mẹ đã gởi em cho sư cô nuôi dưỡng. Từ đó, sư cô Nghiêm Anh đã trở thành “người mẹ thứ hai” của cô bé này. “Không chỉ lo về cuộc sống, sư cô còn giảng dạy cho em biết rất nhiều về đạo lý làm người. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt và sống nên người để không phụ lòng sư cô”, Yến Nhi tâm sự.

Được hỏi về chuyện cưu mang, nuôi dưỡng nhiều trẻ em có hoàn cảnh bất hạnh suốt nhiều năm qua, sư cô Nghiêm Anh chia sẻ: “Tất cả những điều tôi làm là để thực hiện theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi Người từng căn dặn mỗi người dân Việt Nam sống phải biết yêu thương, giúp đỡ người khác”.

Chính vì suy nghĩ đó nên khi biết được em nào có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình không thể lo cho đi học được thì sư cô Nghiêm Anh thu nhận vào chùa, giúp các em được đến trường và sau này có tương lai tươi sáng hơn.

Từ năm 1999 đến nay, chùa Long Khánh nhận nuôi hơn 10 em có hoàn cảnh bất hạnh. Nhớ lại những tháng ngày mới nhận nuôi những trẻ đầu tiên, sư cô Nghiêm Anh cho biết: “Điều kiện của chùa lúc đó khó khăn lắm, để có thêm chi phí lo cho bọn trẻ, buổi sáng tôi bán tàu hủ, sữa đậu nành, chiều lại làm bánh tráng cũng để đem bán. Khó khăn là vậy nhưng các cháu muốn học đến đâu thì chúng tôi cố gắng lo đến đó”.

Cảm kích trước tấm lòng của các sư cô, nhiều nhà hảo tâm ở khắp nơi cũng đến thăm, giúp đỡ, cho tiền, quà, quần áo... để chung tay với chùa. “Giờ đây, tôi nguyện nếu còn sức khỏe sẽ tiếp tục mở rộng vòng tay để đón nhận, chăm lo cho những đứa trẻ không may”, sư cô Nghiêm Anh bộc bạch.

***

Nhiều cá nhân, tập thể trên địa bàn tỉnh đã học tập và làm theo gương Bác bằng những việc làm, hành động khác nhau nhưng đều mang đến những kết quả tích cực. Điều đó càng tô đậm thêm giá trị sâu sắc của việc học tập và làm theo gương Bác mà Đảng đã nỗ lực phát động sâu rộng thời gian qua; và để khẳng định cho chân lý: Học tập và làm theo Bác sẽ tiến bộ hơn.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>