“THANH BẢO KIẾM” TRONG XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG TẠI HẬU GIANG

27/09/2023 | 15:17 GMT+7

Với tinh thần quyết tâm, quyết liệt “không dừng, không nghỉ”, “không chùn xuống”, Tỉnh uỷ Hậu Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, chú trọng công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát với phương châm “hình thức tập trung, nội dung thiết thực, hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất”. Qua đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, bảo đảm dân chủ trong Đảng, giữ vững kỷ cương, kỷ luật.

Ông Nghiêm Xuân Thành (đứng), Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, phát biểu thảo luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 tại điểm cầu Hậu Giang. Ảnh: Báo Hậu Giang

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh

Xác định công tác kiểm tra, giám sát là phương thức và là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cấp uỷ, tổ chức đảng, Uỷ ban kiểm tra các cấp trong tỉnh Hậu Giang đã chủ động, quyết liệt thực hiện kiểm tra kịp thời khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Qua kiểm tra, đã kiên quyết xử lý, đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật nghiêm minh nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Qua đó, đã khẳng định quyết tâm cao trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; giữ vững kỷ cương, kỷ luật, đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Công tác kiểm tra, giám sát không ngừng đổi mới, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, với 3 điểm mới tích cực: Nội dung công tác kiểm tra, giám sát trọng tâm, trọng điểm, đối tượng kiểm tra đa dạng, đại diện nhiều lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm; thành phần đoàn kiểm tra tinh, gọn, quy định rõ và rút ngắn thời gian kiểm tra thực tế; kết luận kiểm tra, giám sát cụ thể, rõ ràng về ưu điểm, hạn chế trách nhiệm và yêu cầu xây dựng kế hoạch khắc phục, rõ người, rõ việc, có tiến độ và giám sát chặt chẽ kết quả thực hiện. Đồng thời đưa ra các hình thức kiểm điểm, kỷ luật trách nhiệm cụ thể, nghiêm minh.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, sự đồng thuận của Nhân dân trong tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2023, cấp uỷ, Uỷ ban kiểm tra các cấp và chi bộ đã tiến hành kiểm tra 2.400 đảng viên và 250 tổ chức đảng; giám sát chuyên đề 149 đảng viên và 114 tổ chức đảng; giải quyết tố cáo 5 đảng viên; xử lý kỷ luật 49 đảng viên (giảm 3 đảng viên so với cùng kỳ), với các hình thức: Khiển trách 32, cảnh cáo 9, cách chức 3, khai trừ 5. Tỷ lệ đảng viên bị kỷ luật chiếm 0,15% so với đảng viên toàn đảng bộ (49/33.509). Thi hành kỷ luật 2 tổ chức đảng, nội dung vi phạm về thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên triển khai, tổ chức thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Công tác “hậu kiểm” cũng được quan tâm thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, chất lượng tổ chức đảng và uốn nắn, nhắc nhở đảng viên tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh hành vi. Góp phần giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Công tác kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật của Đảng đã tạo chuyển biến tích cực, làm cho cấp uỷ, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng và đảng viên trong Đảng nhận rõ hơn, đầy đủ hơn về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên phải thực hiện, không còn cảm thấy nặng nề khi được kiểm tra, giám sát. Kỷ luật của Đảng không chỉ là xử lý đối với tổ chức đảng và đảng viên cố tình vi phạm, mà còn tạo điều kiện để người bị kỷ luật tự kiểm điểm, nhìn nhận khuyết điểm và tự giác khắc phục, sửa chữa; kỷ luật Đảng còn mang tính giáo dục chung, nhắc nhở, cảnh báo cho tổ chức đảng và đảng viên.

Theo Bà Phạm Thị Phượng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Uỷ Ban kiểm tra Tỉnh uỷ, cho rằng: Không xem kết quả thi hành kỷ luật là thành tích của ngành mà phải xem đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm của Uỷ Ban kiểm tra, của ngành kiểm tra được Đảng và Nhân dân giao để giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, và đằng sau đó là sự uốn nắn, khắc phục của cán bộ, đảng viên, củng cố thêm sức mạnh của tập thể và lòng tin của Nhân dân với Đảng.

Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra

Công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng luôn đi cùng nhau, bởi “xây” là cơ bản, lâu dài, còn “chống” là cấp bách, trọng yếu. Ngày 28/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương ký ban hành Quy định 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Theo Quy định, công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; mọi tổ chức đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, không có ngoại lệ…

Để hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng quyết định là phải tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra. Cán bộ kiểm tra phải là những chiến sĩ kiên cường, có bản lĩnh, có trí tuệ trên mặt trận đấu tranh với những sai phạm, tiêu cực trong Đảng. Phải không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức; giữ gìn phẩm chất, đạo đức; phải thật sự gương mẫu trong cuộc sống và công tác, thực sự công tâm, khách quan, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải là những “Bao Công” trong thời đại mới.

Phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với những khó khăn, thử thách vì lợi ích chung. Tỉnh uỷ Hậu Giang lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát các cấp uỷ đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Đồng thời, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát cùng với thực hiện nghiêm Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung xem đây là những “thanh bảo kiếm” trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung tiếp thêm động lực cho cán bộ, đảng viên, đây là cơ chế chưa có tiền lệ, khơi dậy đổi mới, sáng tạo để nâng cao năng suất lao động, phẩm chất “6 dám” của người cán bộ, đảng viên. Kết luận đã tạo cơ chế cởi trói cho sự sáng tạo, bứt phá của cán bộ vì lợi ích chung, để Kết luận sớm đi vào cuộc sống, trước hết đòi hỏi toàn Đảng bộ phải hiểu cho thật đúng, làm cho thật nghiêm, từ đó phát huy cho cán bộ trong điều kiện thực hiện nhiệm vụ chính trị hiện nay đặc biệt là trong thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo mà tỉnh đã xác định.

Để bảo vệ, khuyến khích cán bộ “6 dám” (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung), Tỉnh uỷ Hậu Giang đã ban hành Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp, đảm bảo tính liên thông, công khai, minh bạch trong tất cả các khâu trong đánh cán bộ và cùng với đó Tỉnh uỷ đã thông qua quy định về bộ tiêu chí đánh giá, chấm điểm, xếp loại đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong tỉnh, theo đó lượng hoá những định tính thành những chỉ tiêu và có tính chất là đo lường, đo đếm được và có sự phân cấp đánh giá.

Như vậy, Quy định 1120-QĐ/TU ngày 01/6/2022 của tỉnh ủy Hậu Giang Quy định Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đảm bảo tính công khai, minh bạch và đa chiều trong đánh giá cán bộ và kết quả trong đánh giá cán bộ là cơ sở để liên thông trong công tác cán bộ, trong các quy trình tiếp theo như: quy hoạch cán bộ, luân chuyển cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ,…Vấn đề ở đây là cấp uỷ, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và người đứng đầu cần thực hiện nghiêm túc các quy định, các quy trình này để biến những quy định từ Nghị quyết đi vào thực tế cuộc sống thì chúng ta sẽ lựa chọn được những cán bộ chủ chốt kể các cán bộ kế cận và cán bộ lãnh đạo các cấp đủ uy tín, năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Năm 2023 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng nói riêng luôn được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy và các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện, có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp với tinh thần chủ động, quyết tâm đã kịp thời xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả ngày càng được nâng lên, góp phần tích cực trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

THU HẰNG

 

* Bài viết được đăng phục vụ dự thi Giải Báo chí cấp tỉnh về xây dựng Đảng  (Búa liềm vàng) lần thứ II-năm 2023. Tòa soạn không tham gia biên tập, tôn trọng tuyệt đối chính kiến, nội dung, hình ảnh bài viết đã được cơ quan chủ quản thống nhất thông qua.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>