Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tích cực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái thù địch

25/09/2023 | 14:08 GMT+7

“Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” là quyết tâm của Bộ Chính trị khóa XII thể hiện trong Nghị quyết số 35 ngày 22/10/2018. Qua 5 năm triển khai thực hiện, các cấp, các ngành đã đạt được nhiều kết quả tích cực, sẽ tiếp tục tăng cường hiệu quả trong thời gian tới.

Ông Nghiêm Xuân Thành (thứ 7 từ trái sang), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Trần Văn Huyến (thứ 6 từ trái sang), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, trao tặng Bằng khen cho các tập thể tiêu tiểu trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 35.

Những năm qua, tình hình chính trị, kinh tế trên thế giới, khu vực có nhiều biến động to lớn, diễn biến phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch, bọn phản động, phần tử xấu trong và ngoài nước tiếp tục lợi dụng các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước cũng như các vấn đề “nóng” được dư luận xã hội quan tâm để hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước như: Tình hình xung đột vũ trang giữa Nga – U-crai-na; kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4); Đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025; bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026; các kỳ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng; những chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại các nước và lãnh đạo các nước đến thăm Việt Nam; công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp…

Chúng sử dụng các tiện ích từ Internet, các trang mạng xã hội và một số hãng truyền thông không thiện chí với Việt Nam… để lồng ghép các chương trình tiếng Việt phát động các chiến dịch, tuyên truyền phá hoại trong nước, đẩy mạnh đăng tải, phát tán tin, bài viết, video clip, bình luận có nội dung xấu, độc, sai lệch, xuyên tạc, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước ta.

Chúng còn nói xấu, bôi nhọ hình ảnh, uy tín của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; xuyên tạc cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; triệt để lợi dụng một số yếu kém trong lãnh đạo, quản lý điều hành của chính quyền các cấp; những vấn đề nhạy cảm được dư luận quan tâm, bức xúc; các tranh chấp, khiếu kiện đất đai trong nhân dân; vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, hội nhập quốc tế... để xuyên tạc, kích động, chia rẽ, phá hoại nội bộ, tác động lôi kéo, tổ chức các hoạt động chống phá, gây rối an ninh, trật tự, ảnh hưởng xấu đến tình hình chính trị trong nước, làm chậm quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, giảm uy tín của nước ta trên chính trường quốc tế.

Nghị quyết số 35 đã nêu “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, tình hình tư tưởng, dư luận trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cơ bản ổn định; dân chủ cơ sở ngày càng được mở rộng và phát huy, góp phần ổn định chính trị, tư tưởng và dư luận xã hội.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, trên cơ sở bám sát các định hướng chỉ đạo của Trung ương và bắt kịp thời cơ mới để phát triển tỉnh nhà, Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết, đề án để phát triển tỉnh, khơi dậy tinh thần “Đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng” của hệ thống chính trị tỉnh.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kinh tế Hậu Giang không ngừng phát triển, luôn đạt tốc độ cao hơn trung bình cả nước, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế của tỉnh tăng trưởng mạnh mẽ, GDP đạt 14,21% lần đầu tiên vươn lên đứng đầu cả nước; quốc phòng - an ninh tiếp tục giữ vững và tăng cường; an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên; công tác đối ngoại được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm bám sát quan điểm chỉ đạo của Trung ương, đặc điểm tình hình của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh Hậu Giang cũng đã tổ chức thành công một số sự kiện mang tầm vóc khu vực và cả nước như: Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022; Giải Marathon quốc tế Vietcombank Mekong Delta – Hậu Giang năm 2022, 2023; Tuần lễ chuyển đổi số khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Mekong Delta 2023; Tuần lễ NASA Việt Nam – Hậu Giang 2023 và nhiều sự kiện, hoạt động hướng đến kỷ niệm 20 năm ngày thành lập tỉnh Hậu Giang (01/01/2004 – 01/01/2024).

Công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các loại tội phạm có liên quan đến hoạt động phá hoại nền tảng tư tưởng của của Đảng, đặc biệt là trên không gian mạng thời gian qua được triển khai thực hiện thường xuyên.

Qua 5 năm, Hậu Giang đã xử lý hình sự 5 đối tượng có hành vi “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”; “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”; xử lý vi phạm hành chính 26 trường hợp sử dụng mạng xã hội đăng tải thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự tổ chức, nhân phẩm cá nhân; tuyên truyền, răn đe, giáo dục, yêu cầu gỡ bỏ bài đăng và cam kết không tái phạm đối với gần 100 trường hợp sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng tải, chia sẻ, bình luận thông tin sai sự thật, chưa kiểm chứng trên không gian mạng.

Thời gian tới, để tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35 đòi hỏi các cơ quan Đảng, Nhà nước; cán bộ, đảng viên, trí thức và các thành phần khác trong xã hội cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thống nhất quan điểm và phối hợp thực hiện các nội dung sau:

Thực hiện mục tiêu “bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng” là phải làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xem đây là nhiệm vụ sống còn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không phải chỉ là một khẩu hiệu suông mà phải bằng những hành động thiết thực, cụ thể. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là tuyên truyền, giáo dục, củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ngày càng nâng cao nhận thức về giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn là bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng. Thông qua những chủ trương, đường lối, việc làm, hành động cụ thể để tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong thời gian tới. Từ đó góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình ổn định, phát triển, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Thực hiện công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trước hết là phải nhận diện quan điểm sai trái, thù địch, đó là những thông tin không đúng sự thật, tin giả về các sự kiện, các vụ việc; thông tin xuyên tạc, bịa đặt, thổi phồng, vu khống, đả kích, bôi nhọ nhằm vào các cơ quan, tổ chức, cá nhân… lan truyền trong xã hội, trên các phương tiện truyền thông, báo chí, mạng xã hội… với ý đồ chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta; hạ uy tín của các cơ quan, tổ chức Đảng, Nhà nước, cá nhân các đồng chí lãnh đạo, lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự... Nhận diện được các quan điểm sai trái, thù địch để có cách thức, nội dung phản bác, đấu tranh phù hợp; tuyên truyền, đăng tải, chia sẻ thông tin, bài viết, video clip, hình ảnh trên các phương tiện truyền thông, báo chí, mạng xã hội… để cung cấp thông tin đúng, chính xác, kịp thời; phủ nhận, vạch trần bản chất của thông tin sai trái; giữ cho môi trường truyền thông và dư luận xã hội lành mạnh, an toàn.

Tăng cường công tác nắm tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên, dư luận xã hội, tình hình chống phá của các thế lực thù địch, phản động, các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị; thường xuyên theo dõi, nắm chặt tình hình trên không gian mạng, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, xấu độc trên internet, mạng xã hội; tăng cường các bài viết có chất lượng, hiệu quả, nhất là các tuyến bài “đấu tranh phản bác” trên các chuyên trang, chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” trên các báo, đài, các trang, cổng thông tin.

Trước sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái thù địch là hết sức cần thiết; Đảng và Nhà nước ta cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, chung sức loại bỏ những tiêu cực trong xã hội, mở rộng công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

LÊ THỊ THÙY DUNG Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>