ĐÓN ĐẦU XU HƯỚNG, BỨT TỐC VƯƠN XA

30/09/2023 | 05:33 GMT+7

Bài 2: Đón thời cơ trong vận hội mới

Thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào các nhà đầu tư chiến lược có hàm lượng công nghệ vừa có giá trị gia tăng cao, vừa bảo vệ môi trường đang là xu thế mà các tỉnh ĐBSCL nhắm tới.

Doanh nghiệp chế biến nông sản áp dụng máy móc hiện đại vào sản xuất.

Tư duy đột phá

Trong khi nhiều “anh lớn” trong vùng “tụt hạng” tăng trưởng thì Hậu Giang gây bất ngờ vươn lên vị trí “ngôi sao mới” trong bức tranh kinh tế khi tăng trưởng cao hơn khu vực và bình quân cả nước, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của một tỉnh trẻ.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 của tỉnh Hậu Giang đạt 3,28%, cao hơn 0,72% so với mức bình quân của cả nước (cả nước tăng trưởng 2,56%); năm 2022 đạt 13,94%, mức cao nhất kể từ khi thành lập tỉnh, đứng thứ 4 cả nước, cao hơn 5,92% so với bình quân cả nước (cả nước tăng trưởng 8,02%); 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế vươn lên đứng đầu cả nước, đạt 14,21%. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch đúng định hướng, thu nội địa tăng bình quân 1.000 tỉ đồng/năm, tăng 20,45%.

Sức bật mạnh mẽ của vùng đất giàu tiềm năng, thế mạnh cùng sự điều hành, lãnh đạo và quyết tâm của cả hệ thống chính trị như thỏi nam châm mạnh mẽ thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đã đến Hậu Giang tìm hiểu, đầu tư.

Ông Phạm Tiến Hoài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thực phẩm Hạnh Nguyên, ở huyện Châu Thành, cho biết: Từ ngày đầu tư tại Hậu Giang, chính quyền địa phương hết sức quan tâm, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Qua 2 năm đưa vào hoạt động, hệ thống kho cũng đã đi vào ổn định, cũng có những khách hàng lớn và sắp tới công ty sẽ làm chiếu xạ…

Về cơ sở hạ tầng, tỉnh hiện có 2 khu công nghiệp (Khu công nghiệp Sông Hậu - giai đoạn 1, huyện Châu Thành và Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh - giai đoạn 1, huyện Châu Thành A) với diện tích khoảng 492ha và tỷ lệ lấp đầy dự án đạt trên 93,32%. Lũy kế từ trước đến nay, toàn tỉnh có 25 dự án FDI (trong khu công nghiệp là 6 dự án, ngoài khu công nghiệp 19 dự án), với tổng số vốn đăng ký 1,103 tỉ USD.

Tỉnh kêu gọi đầu tư hạ tầng mới thêm 7 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.741ha, nâng tổng diện tích khu công nghiệp đến năm 2030 khoảng 2.233ha tại huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A và huyện Phụng Hiệp; kêu gọi đầu tư hạ tầng mới 5 cụm công nghiệp, với diện tích 251ha. Tỉnh xác định thu hút đầu tư có chọn lọc, quan điểm rất rõ là các doanh nghiệp sản xuất cần đáp ứng 3 tiêu chí: Sử dụng lao động địa phương, đóng góp nhiều cho ngân sách, công nghệ thân thiện môi trường.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng trong nhiều năm qua, để phát triển bền vững, tỉnh kiên trì thực hiện phát triển công nghiệp xanh, sử dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Hậu Giang luôn nêu cao khẩu hiệu hành động “2 nhanh” (nhanh giải phóng mặt bằng, nhanh thủ tục đầu tư), “3 tốt” (cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt) và cam kết của lãnh đạo tỉnh là luôn sẵn sàng chào đón những nhà đầu tư tâm huyết, tiềm năng.

“Chúng ta kêu gọi nhà đầu tư nhưng cũng mang tính chọn lọc và phù hợp với đặc điểm, tiêu chí, quy mô của dự án cụ thể, chứ không lựa chọn đại trà. Quan điểm xuyên suốt của tỉnh là không đánh đổi nhiều dự án mà quên đi vấn đề môi trường. Do đó, chỉ những nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu, tiêu chí mà tỉnh đặt ra thì sẽ được lựa chọn”, ông Nguyễn Văn Hòa khẳng định.

Ưu tiên công nghiệp xanh

 

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, chia sẻ chính sách của tỉnh đối với nhà đầu tư.

Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường là xu thế hiện nay không chỉ ở nước ta mà là toàn thế giới. Chính vì vậy, Hậu Giang và các tỉnh trong vùng ĐBSCL luôn hướng đến giá trị bền vững và lâu dài, thu hút các dự án mà các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường. Ưu tiêu những dự án “xanh”, có công nghệ cao, dự án phát triển công nghiệp sạch, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là kiên quyết không đưa vào vận hành các dự án, cơ sở sản xuất chưa đáp ứng các yêu cầu về môi trường.

Bên cạnh đó, với lợi thế nằm cạnh thành phố Cần Thơ, Hậu Giang có ưu thế hơn các địa phương trong vùng về việc liên kết và phát triển, nhất là khi vùng đất trung tâm đồng bằng này đang dần chuyển mình, bắt kịp xu thế với nhiều chính sách đặc thù, cùng những bước đi bài bản. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, nhấn mạnh: Quan điểm của Cần Thơ là chọn những lĩnh vực thế mạnh để phát triển, không tạo sự cạnh tranh không cần thiết với các địa phương, các nơi, địa bàn trong vùng ĐBSCL. Mỗi nơi có những lợi thế, chúng ta tiếp tục phát huy lợi thế cạnh tranh để phát triển chứ không để xung đột. Hiện, thành phố đang đẩy mạnh hoàn thiện quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, thành phố tập trung phát triển mạnh về công nghiệp, ngoài 900ha phát triển khu công nghiệp VSIP, thành phố đang quy hoạch vùng hơn 3.700ha phát triển công nghiệp công nghệ cao.

“3.700ha này sẽ tập trung phát triển về mặt công nghiệp, công nghệ cao và các thế hệ mới của khu công nghiệp. Đương nhiên, đi sau mình có điều kiện chọn lọc những nhà đầu tư. Tuy nhiên, vùng ĐBSCL chúng ta rất nhạy cảm về mặt môi trường nên vấn đề công nghiệp sạch, công nghiệp đảm bảo môi trường để còn tiếp tục triển khai mặt khác về nông nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao và phát triển các loại hình dịch vụ công nghệ cao để phục vụ cho cả ĐBSCL”, ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.

Sự chọn lọc đầu tư như cách các địa phương đang làm được sự đồng tình của các chuyên gia. Đặc biệt, Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) lần đầu tiên được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố đã cho thấy sự cấp thiết để phát triển một đồng bằng bền vững và thịnh vượng. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gây tác động đến nhiều địa phương, việc áp dụng chỉ số PGI vào tiêu chí đánh giá chỉ số PCI đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Có thể thấy, đã đến lúc tư duy cần thay đổi để bắt kịp xu thế mới. ĐBSCL giàu tiềm năng cần được đánh thức nhưng không vì thế mà làm theo kiểu “ăn xổi ở thì”. Với các nhà đầu tư hiện hữu, các địa phương cần khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi phương thức kinh doanh xanh hơn, thúc đẩy ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường. Với các dự án mới, sẽ cần có đánh giá đa chiều về những ảnh hưởng lâu dài về môi trường trước khi chấp thuận. Qua đó, tạo động lực để tạo ra giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường hướng đến sự bền vững.

Chia sẻ tại Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh (Green Economy Forum & Exhibition - GEFE) năm 2022 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) tổ chức ngày 28-11-2022, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Việt Nam sẽ tiếp tục làm tốt nhất việc cải thiện môi trường đầu tư, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, khuyến khích kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn. Bảo đảm chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; đa dạng hóa thị trường… Đầu tư vào Việt Nam không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn vì lợi ích phát triển con người”.

Bài, ảnh: HOÀI THANH

-----------------------------------

Bài 3: Chìa khóa cho sự phát triển

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>