ĐÓN ĐẦU XU HƯỚNG, BỨT TỐC VƯƠN XA

30/09/2023 | 05:19 GMT+7

Điểm nghẽn giao thông của ĐBSCL đang dần được “cởi trói”, cơ hội trở mình của “con rồng Cửu Long” đang rất gần với những địa phương chủ động nắm bắt thời cơ, tự tin bước vào “sân chơi” mới.

Bài 1: Hậu Giang rộng cửa đón làn sóng đầu tư

Từ vùng đất nghèo, Hậu Giang nay đã vươn mình phát triển bằng các dự án lớn, đa dạng lĩnh vực từ chế biến, sản xuất đến bất động sản, dịch vụ, năng lượng và du lịch...

Hậu Giang có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp.

“Đất lành chim đậu”

Hậu Giang nằm ở vị trí trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và là cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh Nam sông Hậu bao gồm Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng với phần còn lại của ĐBSCL và các vùng kinh tế khác của cả nước. Các đơn vị hành chính của tỉnh nằm trong số các địa phương có chỉ số tối ưu trong vùng ĐBSCL với khoảng cách tới thị trường và khoảng cách tới vùng sản xuất. Vị trí này thuận lợi để các doanh nghiệp lựa chọn đặt các nhà máy sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm, trung tâm logistics từ vùng nguyên liệu ĐBSCL. Vị trí cũng hấp dẫn với các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng hoặc các tổng kho phân phối phục vụ thị trường ĐBSCL.

Ngoài ra, Hậu Giang là điểm giao nhau giữa 3 tuyến đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu tạo sự kết nối thông suốt với Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, Cảng Cần Thơ và Cảng biển Trần Đề sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho tỉnh, đặc biệt liên quan tới phát triển công nghiệp, đô thị và logistics.

Hệ thống máy móc và thiết bị phòng nghiên cứu và kiểm nghiệm bên trong nhà máy DHG Pharma.

Chính hội tụ các điều kiện thuận lợi, mà các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Hậu Giang ngày một nhiều. Tính đến nay, tỉnh đã có khoảng 3.200 doanh nghiệp đang hoạt động, tỷ trọng doanh nghiệp đóng góp vào GRDP của tỉnh khoảng 26%. Nhiều thương hiệu của các doanh nghiệp đã và đang khẳng định được uy tín, vị thế cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Khi đầu tư tại Hậu Giang, UBND tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho Dược Hậu Giang thực hiện và mở rộng dự án “Đầu tư mở rộng dự án Nhà máy Dược phẩm và Nhà máy In bao bì DHG”. Đặc biệt, tháng 7 vừa qua, Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) tổ chức Lễ khởi công xây dựng nhà máy Betalactam đạt tiêu chuẩn Japan/Eu-GMP, được xây dựng trên tổng diện tích dự án khoảng 6ha. Dự kiến hoàn thành đi vào hoạt động vào năm 2024.

Ông Đoàn Đình Duy Khương, Tổng Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, cho biết: Ở Hậu Giang, doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh rất thân thiện, tình cảm. Sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh trong suốt 2 năm qua đã giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch để phát triển sản xuất. Ngoài ra, sự ủng hộ, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành và địa phương giúp cho doanh nghiệp duy trì hoạt động, giữ được “sức khỏe” và lực lượng lao động. Mặt khác, việc tổ chức các buổi “Cà phê doanh nhân” đã tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp có dịp trao đổi, chia sẻ để tháo gỡ những khó khăn kịp thời…

UBND tỉnh trao 12 Quyết định chủ trương, Giấy chứng nhận đầu tư với tổng số tiền 19.000 tỉ đồng nhân sự kiện Hội nghị thu hút đầu tư năm 2022 của tỉnh.

Là một trong những đơn vị đến đầu tư tại huyện Phụng Hiệp từ sớm, Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh có diện tích 20.000m2. Nhà máy được xây dựng và lắp đặt hệ thống máy móc hiện đại, hoàn toàn tự động đến từ châu Âu với công suất lên đến 10.000 tấn/năm. Công ty đã ghi dấu ấn trên thị trường với các sản phẩm nước ép, trái cây sấy dẻo xuất khẩu.

Từ thành công này, Công ty TNHH MTV Thực phẩm Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen Logistics) được ra đời. Năm 2019, công ty chính thức khởi công và chỉ 2 năm sau đi vào hoạt động giai đoạn 1 với kho lạnh 15.000 tấn và hệ thống cấp đông nhanh.

Bày tỏ sự hài lòng với cơ chế chính sách thông thoáng, môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng được cải thiện, ông Phạm Tiến Hoài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thực phẩm Hạnh Nguyên, cho biết: Giai đoạn 2 của công ty được khởi công vào tháng 4-2022 bao gồm hệ thống chiếu xạ nhập từ châu Âu, công suất 500 tấn/ngày đêm. Dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2023. Còn giai đoạn 3, đơn vị sẽ đầu tư kho robot với sức chứa 50.000 tấn và một trung tâm trưng bày sản phẩm gồm nhiều ki-ốt, dự kiến năm tới sẽ hoàn thành.

Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A.

“Hậu Giang có nguồn nguyên liệu vô cùng phong phú, đặc biệt là khóm, mãng cầu, xoài nên tôi quyết định đầu tư nhà máy chế biến nông sản tại địa phương. Đây là trung tâm phục vụ trọn gói cho riêng ngành nông sản xuất khẩu, là điểm đến đa dịch vụ, như phân loại, đóng gói, gọt rửa, chiếu xạ, kho mát, kho lạnh, kéo container, book tàu để xuất khẩu. Tôi khẳng định khi đến đầu tư tại Hậu Giang thì chính quyền tỉnh luôn đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp”, ông Phạm Tiến Hoài chia sẻ.

Công nghiệp phát triển, kéo theo nhu cầu nhà ở tăng cao. Cũng vì thế mà các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nhà ở, bất động sản cũng về với Hậu Giang ngày càng nhiều. Ông Phan Minh Toàn Thư, Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Kinh Bắc, thông tin: “Phát triển khu công nghiệp phải đồng bộ với các công trình tiện ích đi cùng như: khu dân cư, thương mại, dịch vụ mới tạo được sức bật, phát triển mạnh. Chúng tôi nhận thấy Hậu Giang có một vị thế rất thuận lợi vì gần Cần Thơ. Tỉnh có 2 khu công nghiệp đã lấp đầy nhưng trong thời gian tới phát triển sẽ được mở rộng và các tuyến đường cao tốc đi qua sẽ thúc đẩy tỉnh phát triển”.

Ông Đoàn Lê Thanh, Giám đốc Phát triển dự án Khu vực 6 - Tập đoàn TNG Holdings Vietnam, xác định Hậu Giang là địa bàn chiến lược, Tập đoàn đang đăng ký tiếp cận và tham gia đầu tư Khu công nghiệp Nhơn Nghĩa A với quy mô 252ha, tổng vốn đầu tư 3.659 tỉ đồng; khu đô thị và khu tái định cư phục vụ Khu công nghiệp Nhơn Nghĩa A với quy mô 350ha, tổng vốn đầu tư 11.000 tỉ đồng. Khu đô thị này sẽ theo mô hình Mega-City, có quy mô từ 100ha trở lên với hạ tầng kỹ thuật hiện đại, theo hướng đô thị thông minh.

“Chúng tôi đánh giá rất cao sức hấp dẫn và tiềm năng phát triển của tỉnh. Việc phát triển các dự án đô thị sẽ giúp người dân thụ hưởng chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn, dịch vụ xã hội đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn. Kinh tế đô thị phát triển, thu nhập tăng, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động”, ông Đoàn Lê Thanh khẳng định.

Hấp dẫn nhà đầu tư nhờ chính sách phù hợp

Từ nay đến năm 2030, tỉnh Hậu Giang sẽ quy hoạch hơn 2.200ha để phát triển 8 khu công nghiệp. Trong đó, 4 khu công nghiệp tại huyện Châu Thành và Châu Thành A sẽ được hoàn thành trong 3 năm tới. Để thu hút các doanh nghiệp lớn, tỉnh “bắt tay” vào công tác quy hoạch khu cụm công nghiệp, đền bù, giải tỏa nhanh, kịp giao đất cho doanh nghiệp, cung cấp thông tin minh bạch. Đáng chú ý, hiện tỉnh Hậu Giang có 7/8 địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, do đó để thu hút đầu tư, nhiều chính sách ưu đãi cũng được đưa ra như: hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất là 10% trong 15 năm, trong đó 4 năm đầu là miễn hoàn toàn.

Xét về khía cạnh khác, cơ hội đón làn sóng đầu tư còn nằm ở sự chủ động và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Hậu Giang là địa phương đầu tiên trong vùng ĐBSCL xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện, thị.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), cho biết: “Chúng tôi thấy tín hiệu rất tích cực từ tỉnh Hậu Giang đó là chính quyền rất năng động, chúng tôi ghi nhận được sự thay đổi rất mạnh mẽ trong thời gian gần đây và đặc biệt là sự quyết tâm rất cao. Khi có sự quyết tâm cao không chỉ là mong muốn mà thể hiện qua những hoạt động rất mạnh mẽ, cụ thể thì sẽ tạo môi trường kinh doanh tốt. Khi cơ chế, thể chế chúng ta hình thành, việc đầu tư hạ tầng vào để kết nối thì cả 2 động lực này sẽ giúp Hậu Giang phát triển nhanh trong thời gian tới”.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, thông tin: Theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sẽ tập trung cho Cần Thơ và Hậu Giang là trung tâm logistics của vùng. Hậu Giang đã chọn Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh và Khu công nghiệp Sông Hậu đảm bảo về diện tích để hòa cùng với Cần Thơ xây dựng các trung tâm logistics. Ngoài ra, từ tuyến đường cao tốc từ Cần Thơ đi Cà Mau thì Khu công nghiệp Sông Hậu cách đó khoảng 3km, nếu nói thuận lợi về công nghiệp thì Hậu Giang sẽ thuận lợi nhất khi kết nối với đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội đã cho chủ trương và quyết định đầu tư 2 tuyến đường cao tốc là Cần Thơ - Cà Mau; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, 2 tuyến đường này đều đi qua Hậu Giang, cắt tại huyện Phụng Hiệp với chiều dài 2 tuyến cao tốc khoảng 101km đi qua địa bàn tỉnh. Chúng tôi sẽ rất thuận lợi di chuyển từ 2 điểm kết nối của cao tốc này với các tỉnh khác trong vùng ĐBSCL.

Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị (Nghị quyết 13) về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 78 ngày 18/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13 đã đem đến luồng gió mới, tạo cơ sở đột phá quan trọng cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn phát triển mới.

Quy hoạch là khởi nguồn của sự phát triển, mở rộng không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Là công cụ quan trọng của công tác quản lý nhà nước, là khung pháp lý cho việc đầu tư phát triển các lĩnh vực. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: “Muốn phát triển tốt phải có quy hoạch tốt, vì quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, có chương trình dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt”.

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy Hậu Giang đề ra mục tiêu phát triển tỉnh Hậu Giang trở thành tỉnh khá, cải thiện vị trí xếp hạng quy mô kinh tế, thu ngân sách so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Xây dựng thành công các nền tảng bền vững cho tăng trưởng các giai đoạn tiếp theo. Định hướng xây dựng quy hoạch phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030 theo các trục: 1 tâm, 2 tuyến, 3 thành, 4 trụ, 5 nhiệm vụ trọng tâm.

“Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang luôn quan tâm và có những chủ trương để xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, trong đó đẩy mạnh cải cách hành chính để làm sao giảm tối đa chi phí và thời gian cho nhà đầu tư. Luôn xem công việc của doanh nghiệp cũng là công việc chính mình nên luôn sẵn sàng phối hợp tạo mọi điều kiện để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp”, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết.

 

Những tín hiệu vui, hứa hẹn mở ra cơ hội vàng cho công nghiệp - nông nghiệp - đô thị - du lịch Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững. Sẵn sàng đón thời cơ trong vận hội mới để cùng với ĐBSCL cất cánh và phát triển...

“Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, từng khẳng định, để thu hút đầu tư thành công phải trên cơ sở bảo đảm được hài hòa 3 lợi ích đó là: người dân, doanh nghiệp, nhà nước. Với Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo (Nghị quyết phát triển 4 trụ cột), tỉnh ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các doanh nghiệp chế biến nông sản và đầu tư nông nghiệp sinh thái. Tỉnh xác định thu hút đầu tư có chọn lọc, quan điểm rất rõ là các doanh nghiệp sản xuất cần đáp ứng 3 tiêu chí: sử dụng lao động địa phương, đóng góp nhiều cho ngân sách, công nghệ thân thiện môi trường. Đồng thời, tỉnh có những chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch và doanh nghiệp có thế mạnh, kinh nghiệm đầu tư các khu đô thị lớn.”

 

Bài, ảnh: HOÀI THANH

-------------------------

Bài 2: Đón thời cơ trong vận hội mới

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>