CHUNG SỨC PHÁT TRIỂN “TAM NÔNG”

29/09/2023 | 23:43 GMT+7

BÀI 4: THÚC ĐẨY KINH TẾ NÔNG THÔN TỪ SẢN PHẨM OCOP

Việc khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế ở khu vực nông thôn gắn với nhiều chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao giá trị nông sản và tăng nguồn thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ngày càng phát triển; những năm qua, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở tỉnh Hậu Giang đã và đang tạo ra những bước ngoặc quan trọng trong phát triển nhiều ngành nghề, nhất là lĩnh vực nông nghiệp để thúc đẩy kinh tế nông thôn.

Phát huy nội lực xây dựng quê hương, hiện Hậu Giang có 175 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó sản phẩm được chế biến từ thủy sản chiếm ưu thế.

Tạo ra nhiều sản phẩm OCOP

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2018, UBND tỉnh Hậu Giang cùng với các ngành có liên quan từ tỉnh đến cơ sở và người dân là chủ thể OCOP đã triển khai nhiều công việc thiết thực từ việc tuyên truyền, vận động đến khuyến khích sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra những sản phẩm khác biệt, ấn tượng và chất lượng để thu hút người tiêu dùng; đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân các bước để có sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh và hướng đến đạt chuẩn OCOP cấp Trung ương…

Ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh văn phòng Điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang, nhận định: Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng sự vào cuộc tích cực từ các ngành, địa phương của tỉnh nên chương trình OCOP đã và đang tạo sức lan tỏa mạnh mẽ khi có sự tham gia tích cực của không ít chủ thể thực hiện OCOP là người dân, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp. Ngoài ra, để hỗ trợ người dân cải tiến mẫu mã, bao bì, tem, truy xuất nguồn gốc, cũng như xây dựng các vùng nguyên liệu và thực hiện mô hình sản xuất an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... thì hàng năm tỉnh Hậu Giang còn dành nguồn kinh phí không nhỏ để thực hiện các công việc trên.

Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh, mặt thuận lợi khi Hậu Giang triển khai OCOP là ngành nông nghiệp của tỉnh có nền tảng phát triển và định hướng được những đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực, đồng thời có nhiều sản phẩm có lợi thế sinh thái đặc thù theo từng vùng nên phần nào giúp cho các địa phương trong tỉnh thuận lợi trong việc lựa chọn một số sản phẩm bước đầu mang tính đặc trưng riêng để thực hiện OCOP.

Qua hơn 5 năm thực hiện chương trình OCOP, hiện Hậu Giang có 175 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh; trong đó có 68 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và 107 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Tổng số có 82 chủ thể có sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó: 15,9% doanh nghiệp; 26,8% hợp tác xã và 57,3% cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Giám đốc HTX xoài cát hồng Vĩnh Trung, ở ấp 6, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động và bản thân thấy được những lợi ích thiết thực khi sản phẩm của mình được công nhận OCOP nên tôi và các thành viên của HTX đều thống nhất thực hiện các yêu cầu để xây dựng sản phẩm của mình trở thành thương hiệu OCOP. Mặt khác, để sản phẩm xoài cát hồng của HTX được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh như hôm nay thì thời gian qua, HTX luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực về các mặt liên quan từ các ngành, các cấp của huyện, tỉnh và đơn vị tư vấn”.

Điểm đáng phấn khởi trong quá trình thực hiện sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang là thông qua việc đầu tư từ nhiều mặt nên hầu hết các sản phẩm khi được công nhận đạt chuẩn OCOP đều đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; đồng thời có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Nhờ vậy, hiện có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, siêu thị lớn đã đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP để đưa vào hệ thống phân phối.

Ông Nguyễn Văn Thích, Giám đốc HTX Tân Long, ở ấp Tân Long, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, thông tin: Sau khi sản phẩm gạo sạch của HTX được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao và người tiêu dùng biết đến quy trình tạo ra sản phẩm theo hướng an toàn thực phẩm thì thị trường đầu ra sản phẩm gạo sạch của HTX ngày một lớn hơn, khi nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Từ chỗ tiêu thụ ban đầu chỉ 5-6 tấn gạo sạch của HTX/tháng thì nay số lượng đã tăng lên hơn 50 tấn gạo/tháng. Mặt khác, giá trị của sản phẩm gạo đạt chuẩn OCOP cũng được nâng lên hơn 1,5-2 lần so với gạo thông thường, từ đó nâng cao nguồn thu nhập cho bà con xã viên”.

Theo đánh giá của Văn phòng điều phối NTM Trung ương, sau khi Chính phủ triển khai thì Chương trình OCOP ngay lập tức được ngành chức năng của tỉnh Hậu Giang thực hiện đồng bộ, rộng khắp và tạo sức lan tỏa lớn ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, khi chương trình OCOP được ngành chức năng của tỉnh Hậu Giang phát động thì luôn nhận được sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình của nhiều chủ thể; từ đó tạo nên sự thành công là sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh Hậu Giang nói riêng và Trung ương nói chung ngày một gia tăng về số lượng và chất lượng.

Với việc đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh bằng nhiều hình thức nên hiện kênh tiêu thụ của những mặt hàng này rất đa dạng trong và ngoài nước.  

Đa dạng kênh tiêu thụ

Tận dụng sự phát triển của khoa học công nghệ trong đời sống hiện tại và kết hợp với mong muốn đưa sản phẩm OCOP được tiếp cận với nhiều khách hàng, thị trường trong và ngoài nước; thời gian qua, ngành chức năng và các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã tạo ra nhiều kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP hiệu quả.

Theo đó, trước sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (công nghệ 4.0) như hiện nay nên đa phần mọi nhà đều có thiết bị điện thoại thông minh, máy tính,… từ đó dễ dàng tiếp cận với internet để đáp ứng nhu cầu mọi mặt của đời sống. Xuất phát từ điều kiện trên nên trong những năm gần đây, các ngành chức năng và người dân đã đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong việc quảng bá, giới thiệu và mua bán nhiều sản phẩm OCOP trên các sàn giao dịch điện tử và đã mang lại những hiệu quả tích cực.

Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, cho hay: Hiện đơn vị đã xây dựng 2 trang website là sàn giao dịch điện tử và truy xuất nguồn gốc nông sản Hậu Giang. Đây là 2 kênh website giúp người nông dân, HTX, doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài tỉnh Hậu Giang đưa nông sản, sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử để tăng cường công tác quảng bá sản phẩm; đồng thời xây dựng vùng nguyên liệu nông sản theo chuỗi sản xuất gắn với truy xuất nông sản đáp ứng thị trường trong và ngoài nước. Đến nay, đã có 3.125 thành viên đăng ký, với gần 500 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn. Hàng năm, TTKN&DVNN tỉnh còn hỗ trợ hơn 80.000 tem truy xuất nguồn gốc QR-CODE cho nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh.

Bà Võ Thị Phương Trang, chủ cơ sở sản xuất rượu truyền thống Út Tây, ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, bộc bạch: “Thông qua sàn giao dịch nông sản Hậu Giang, đơn vị có nhiều sản phẩm từ rượu đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh được giới thiệu trên website này. Nhờ vậy, nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến sản phẩm của cơ sở, từ đó tạo được thị trường tiêu thụ ngày càng phát triển hơn so với trước đây”.

Bên cạnh đẩy mạnh việc đưa nhiều sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử để không chỉ mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước mà còn mở rộng ra thị trường nước ngoài đang được nhiều HTX, doanh nghiệp của tỉnh Hậu Giang thực hiện có hiệu quả. Ông Trần Bá Sơn, Giám đốc HTX trái cây sinh học OCOP, thông tin: “Sau hơn 3 năm thành lập và đi vào hoạt động, hiện HTX đã xây dựng được kênh phân phối và liên kết được với nhiều nhà nhập khẩu tại không ít quốc gia trên thế giới nhờ việc giới thiệu sản phẩm qua sàn giao dịch điện tử của tỉnh. Trong đó, nhiều sản phẩm OCOP và chưa được chứng nhận OCOP của HTX đang được tiêu thụ mạnh ở thị trường Trung Đông, khu vực Bắc Mỹ, thị trường châu Âu (gồm các nước Anh, Đức, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ…). Qua đây, không chỉ mở rộng thị trường tiêu thụ mà còn góp phần nâng cao giá trị và quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang đến với nhiều nước trên thế giới”.

Nhờ làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua nhiều hình thức nên hiện các sản phẩm OCOP của tỉnh đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước thông qua một số hệ thống bán hàng lớn như: Bách hóa xanh, Co.opMart, Vincom… Đặc biệt, hiện có không ít điểm bán hàng OCOP trực tiếp của tỉnh Hậu Giang tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Phú Quốc (Kiên Giang).

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: Chương trình OCOP của tỉnh đã và đang tạo sức lan tỏa mạnh mẽ khi có sự tham gia tích cực của không ít chủ thể thực hiện OCOP là người dân, HTX và doanh nghiệp. Trong hơn 5 năm triển khai, chương trình OCOP đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của các địa phương trong tỉnh từ chính những tài nguyên bản địa, tài nguyên cộng đồng và góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân nông thôn. Các sản phẩm OCOP với sự kết tinh của văn hóa truyền thống, bản sắc cộng đồng cùng với chất lượng cao, đặc thù, an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp, sang trọng đã ngày càng tạo được lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Cũng theo ông Tuyên, với những kết quả quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, OCOP, nông nghiệp, mô hình kinh tế tập thể của tỉnh đến thời điểm này là niềm phấn khởi và cũng là minh chứng cho tinh thần “ý Đảng - lòng dân trong xây dựng quê hương phát triển”, đồng thời gắn với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong tỉnh. Đây sẽ là động lực và nền tảng quan trọng để Hậu Giang tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng phát triển vượt bậc trong thời gian tới.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>