CHUNG SỨC PHÁT TRIỂN “TAM NÔNG”

29/09/2023 | 23:37 GMT+7

BÀI 3: KINH TẾ TẬP THỂ TẠO BỆ PHÓNG CHO NÔNG DÂN

Sau gần 20 năm thành lập tỉnh, lĩnh vực kinh tế tập thể (KTTT) của tỉnh đã tạo ra nhiều bước đột phá mới, nhằm đẩy mạnh liên kết hợp tác trong sản xuất và thích ứng với nhu cầu thị trường; từ đây sẽ tạo bệ phóng cho lĩnh vực này phát triển.

Thông qua liên kết và xây dựng quy trình sản xuất an toàn thực phẩm nên hiện có nhiều sản phẩm của HTX Trái cây sinh học OCOP ở Hậu Giang được xuất khẩu sang nước ngoài, từ đó góp phần tăng thu nhập cho thành viên.

Mở hướng đi mới

Là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong đó lúa là cây trồng chủ lực khi diện tích gieo trồng hàng năm đạt khoảng 180.000ha. Chính vì vậy, mô hình hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo trên địa bàn tỉnh luôn chiếm ưu thế khi toàn tỉnh hiện có khoảng 50 HTX hoạt động trong lĩnh vực này. Dù có số lượng nhiều nhưng do hoạt động đơn lẻ, mức đầu tư ở từng HTX không đủ lớn nên đa phần các HTX đều gặp khó trong việc liên kết với các đối tác để tiêu thụ lúa gạo cho xã viên và bà con xung quanh. Do đó, việc hình thành Liên hiệp HTX lúa gạo Xà No Mekong được xem là hướng đi mới đầy triển vọng.

Ông Trần Trung Kiên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Lộc, ở xã Trường Long A, huyện Châu Thành A là Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX lúa gạo Xà No Mekong, thông tin: “Với sự quan tâm hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh và các ngành liên quan nên liên hiệp HTX lúa gạo của tỉnh được thành lập từ cuối tháng 4-2022, với 30 HTX thành viên và có tổng diện tích sản xuất lúa hơn 2.600ha. Việc thành lập liên hiệp sẽ giúp HTX lớn mạnh hơn, tạo sức mạnh để cùng tương trợ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, thiếu thốn về thiết bị máy móc; đặc biệt là tạo chuỗi liên kết mạnh mẽ trong sản xuất để cùng phát triển”.

Theo đánh giá của ông Kiên, tuy thời gian đi vào hoạt động của liên hiệp HTX lúa gạo chưa lâu, nhưng tinh thần gắn kết giữa các thành viên ngày càng được thể hiện rõ thông qua việc cùng nhau thực hiện và chia sẻ những kinh nghiệm hay trong sản xuất lúa để góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, nổi bật là ở vụ lúa Đông xuân 2022-2023 vừa qua, nhiều HTX trong liên hiệp đã liên kết thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ theo chuỗi giá trị với diện tích 200ha. Ngoài ra, các thành viên của liên hiệp HTX lúa gạo còn được hỗ trợ giảm giá lúa giống, được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu lúa, cũng như ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất để hạ giá thành, tăng lợi nhuận cho bà con.

Ông Đặng Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Hiếu Lực, ở ấp Trường Hòa A, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A (thành viên Liên hiệp HTX lúa gạo), chia sẻ: “Nếu một HTX hoạt động đơn lẻ mà khi có doanh nghiệp đặt hàng mua số lượng lớn lúa gạo thì chắc chắn HTX đó khó đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, việc liên kết các HTX cùng ngành nghề lại với nhau như lĩnh vực lúa gạo đang làm là một hướng đi đúng để đáp ứng được yếu tố cần và đủ trong hoạt động của HTX. Mặt khác, khi có sự liên kết thì việc doanh nghiệp thu mua lúa gạo sẽ chủ động tìm đến HTX để thực hiện ký kết những hợp đồng có chất lượng nhiều hơn. Minh chứng là hiện đã có 4 doanh nghiệp và 4 nhà máy xay xát lúa gạo trong và ngoài tỉnh tìm đến liên hiệp HTX để ký kết bao tiêu hơn 17.000 tấn lúa cho các thành viên. Tới đây, số lượng doanh nghiệp và sản lượng lúa được ký kết còn tăng lên đáng kể”.

Giống như lúa gạo, hiện lĩnh vực trái cây cũng được hình thành liên hiệp HTX với những mục tiêu tương tự. Ông Trần Bá Sơn, Giám đốc HTX trái cây sinh học OCOP, ở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành là Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Trái cây xuất khẩu Mekong, cho hay: “Là HTX chuyên xuất khẩu trái cây sang nhiều thị trường ở nước ngoài nên tôi biết nhu cầu tiêu thụ của thị trường này vẫn còn khá lớn, trong khi số lượng trái cây của tỉnh thì dồi dào nhưng chưa tham gia xuất khẩu nhiều do còn vướng không ít yếu tố. Vì vậy, việc thành lập liên hiệp HTX trái cây là cơ hội cho nhiều HTX trong tỉnh được tiếp cận với những yêu cầu và quy trình sản xuất, để tới đây số lượng trái cây xuất ngoại của tỉnh sẽ tăng nhiều hơn, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà vườn.

Ông Nguyễn Hoàng Luân, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Trong năm vừa qua, Liên minh HTX tỉnh đã thành lập được 3 liên hiệp HTX cùng ngành nghề, trong đó ngoài hai liên hiệp HTX trên, còn có Liên hiệp HTX Thủy sản Mekong. Một tín hiệu khởi sắc là ngay sau khi được thành lập thì các liên hiệp HTX cùng ngành nghề đang tích cực gia tăng nguồn lực, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển mô hình sản xuất kinh doanh theo chuỗi, gắn với đẩy mạnh tương trợ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị sản phẩm, hàng hóa, góp phần tạo ra sản lượng hàng hóa lớn phục vụ nhu cầu thị trường, mang lại sự phát triển ổn định cho liên hiệp HTX và nâng cao thu nhập cho thành viên.

Hiện nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nông dân và doanh nghiệp.

Đưa kinh tế tập thể vươn xa

Ngoài mở ra hướng đi mới trong việc thành lập liên hiệp HTX thì trong những năm gần đây, mô hình KTTT của tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ về nhiều mặt của các ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở nhằm tạo bệ phóng cho mô hình KTTT của tỉnh nhà vươn xa.

Trong đó, điểm nhấn quan trọng là nguồn Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã kịp thời tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy cho HTX trong tỉnh hoạt động có hiệu quả hơn. Bởi từ nguồn vốn được hỗ trợ, nhiều HTX có điều kiện xây dựng khu tập kết hàng hóa để chế biến, đóng gói sản phẩm, cũng như mở rộng vùng sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu, cánh đồng lớn và thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất,… từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm; nhờ vậy góp phần nâng cao số lượng, chất lượng hàng hóa, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, nhiều HTX đã quan tâm xây dựng sản phẩm của mình đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Hoàng Luân, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết thêm: Chính sự áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn thực phẩm, đồng thời gắn với đẩy mạnh xúc tiến thương mại và ứng dụng công nghệ số vào canh tác, cũng như đạt chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh nên qua ghi nhận thực tế, hiện có nhiều sản phẩm nông nghiệp của HTX được phân phối tại các siêu thị, nhà hàng, các cơ sở kinh doanh trong, ngoài tỉnh; đặc biệt là có nhiều mặt hàng nông sản như: bưởi Năm Roi, chanh không hạt… của nhà vườn trong tỉnh được HTX xuất khẩu sang nước ngoài. Từ đây không chỉ giúp HTX mở rộng thị trường tiêu thụ mà còn nâng cao giá trị và mang lại hiệu quả sản xuất tốt hơn cho các thành viên và hộ dân liên kết bên ngoài.

Tại chuyến khảo sát về tình hình hoạt động của mô hình KTTT trên địa bàn tỉnh Hậu Giang mới đây, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, nhận định: Khu vực KTTT, HTX của Hậu Giang đã có tác động tích cực đối với phát triển nền kinh tế - xã hội địa phương, từ đó góp phần vào việc cung ứng hàng hóa tiêu dùng nhằm ổn định giá cả thị trường, đóng góp tích cực vào tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ cho khu vực KTTT được tỉnh chú trọng thực hiện, từ đó giúp khu vực KTTT, HTX từng bước phát triển, thay đổi được tư duy, nhận thức của người dân khi tham gia vào khu vực KTTT, HTX. Tới đây, ngành chức năng của tỉnh tiếp tục phát huy những giải pháp, cách làm hay; đồng thời sớm tháo gỡ những vấn đề còn khó khăn để mô hình KTTT, HTX của tỉnh ngày càng hoạt động có hiệu quả.

Với điều kiện tự nhiên ưu đãi, trù phú, cây trái bốn mùa xanh tươi; đồng thời nông nghiệp của tỉnh cũng có nền tảng phát triển và định hướng được những đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực và có nhiều sản phẩm lợi thế sinh thái đặc thù theo từng vùng gắn với sự liên kết ngày càng chặt chẽ trong sản xuất của mô hình KTTT. Với những yếu tố trên không chỉ mang lại nguồn thu nhập rất ổn định cho bà con mà còn là điều kiện để ngành chức năng của tỉnh Hậu Giang thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 660 tổ hợp tác, với gần 1.000 thành viên; có 251 HTX, với 7.561 thành viên; đồng thời có 4 liên hiệp HTX, với số lượng 70 HTX tham gia làm thành viên. Về nguồn Quỹ hỗ trợ phát triển HTX thì từ khi thành lập đến nay, nguồn quỹ này đã hỗ trợ cho 93 dự án của HTX trên địa bàn tỉnh, với số tiền hơn 50,8 tỉ đồng.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

------------------

Bài 4: Thúc đẩy kinh tế nông thôn từ sản phẩm OCOP

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>