CHUNG SỨC PHÁT TRIỂN “TAM NÔNG”

29/09/2023 | 23:30 GMT+7

Cùng với các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thời gian qua, Hậu Giang đã triển khai có hiệu quả nhiều chương trình, đề án, Nghị quyết của Trung ương và tỉnh, nhất là Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và gần đây là Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2012 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cùng với sự đồng lòng của người dân; nhờ vậy, lĩnh vực “tam nông” (nông nghiệp, nông dân và nông thôn) của tỉnh đã và đang tạo ra nhiều dấu ấn nổi bật sau gần 20 năm thành lập tỉnh. Qua đây, không chỉ góp phần cùng với vùng ĐBSCL và cả nước trong việc nâng cao giá trị nông sản và đời sống vật chất, tinh thần cho người dân mà còn xây dựng được những vùng quê đáng sống.

BÀI 1: XÂY DỰNG MIỀN QUÊ ĐÁNG SỐNG

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương trong xây dựng nông thôn mới (NTM) là “nông thôn mới - sức sống mới - diện mạo mới” nên sau gần 14 năm thực hiện, Hậu Giang đã và đang tạo ra những miền quê đáng sống cho người dân.

Trong tổng số 51 xã thì hiện Hậu Giang có 39 xã đạt chuẩn NTM, 8 xã NTM nâng cao và 2 xã NTM kiểu mẫu.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: Từ khi tỉnh bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM (năm 2010) theo các tiêu chí của Trung ương thì trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh. Cụ thể, để triển khai chương trình xây dựng NTM có hiệu quả và ngày càng đi vào chiều sâu, cũng như nhận được sự chung sức tham gia tích cực từ người dân thì hàng năm Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, quyết định, kế hoạch, chương trình chuyên đề liên quan đến công tác xây dựng NTM; trong đó, nổi bật là phong trào thi đua “Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hậu Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Cũng theo ông Trương Cảnh Tuyên, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh còn tổ chức nhiều đoàn công tác đi kiểm tra thực tế nhằm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong xây dựng NTM được kịp thời, từ đó giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đề ra theo từng năm và giai đoạn. Ngoài ra, Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh và cấp huyện đã chủ động bám sát các văn bản của Trung ương, tập trung chỉ đạo, điều hành, ban hành các văn bản hướng dẫn, phân bổ nguồn vốn, xây dựng kế hoạch thực hiện vào từng giai đoạn được cụ thể và sát với tình hình thực tế của tỉnh. Cùng với đó là sự nỗ lực quyết tâm của các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân nên chương trình xây dựng NTM của Hậu Giang đã và đang mang lại nhiều điểm sáng.

Cuộc sống mới nhờ nông thôn mới

Vào tháng 12-2013, xã Đại Thành (thị xã Ngã Bảy, hiện là thành phố Ngã Bảy) trở thành địa phương đầu tiên ở ĐBSCL đạt chuẩn NTM. Gần 2 năm sau, đến tháng 10-2015, thị xã Ngã Bảy được công nhận là đơn vị cấp huyện đầu tiên tại ĐBSCL hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và đến tháng 7-2019, Đại Thành lại là địa phương đầu tiên ở ĐBSCL đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Từ những “mốc son” quan trọng trên, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hậu Giang càng tạo động lực và quyết liệt hơn trong tiến trình xây dựng quê hương Hậu Giang ngày thêm đổi mới.

Theo đó, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, các ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở đã khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, ý chí, khát vọng của mỗi người dân nông thôn trong việc chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng quê hương. Cụ thể, tranh thủ từ các nguồn vốn nên hàng năm hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh đều được quan tâm đầu tư mới, cũng như nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng nông thôn như điện, cầu và đường nông thôn, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa,…thêm khang trang và đạt chuẩn theo quy định. Qua đây, không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, khám chữa bệnh, học tập, sinh hoạt cộng đồng cho người dân, mà còn tạo ra bức tranh nông thôn bừng sáng cho các vùng quê.

Ông Danh So, ở ấp 10, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, bộc bạch: “Còn nhớ trước đây, những địa danh như Vĩnh Viễn, Lương Tâm, Lương Nghĩa hay Xà Phiên từng “nổi tiếng” về sự xa xôi khi hệ thống giao thông còn nhiều cách trở, điều kiện đi lại của người dân chủ yếu bằng ghe, xuồng. Thế nhưng, từ nhiều nguồn vốn hỗ trợ, cộng với sự đồng thuận và tự nguyện đóng góp công sức, vật chất của người dân; thời gian qua, huyện Long Mỹ đã đẩy mạnh việc nâng cấp, sửa chữa nhiều tuyến đường giao thông nông thôn. Nhờ vậy, hiện các tuyến đường từ huyện về xã, xã đến ấp và nhiều tuyến đường liên ấp trên địa bàn được đầu tư, mở rộng thông thoáng, tạo ra mạng lưới giao thông liên hoàn khang trang sạch đẹp, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và người dân nơi đây”.

Sau nhiều năm đầu tư xây dựng, hiện toàn tỉnh có 40/51 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông trong xây dựng NTM theo quy định. Trong đó, có nhiều tuyến đường được nhựa và bê tông hóa khang trang, đồng thời nhiều xã không còn đường lầy lội vào mùa mưa. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn của Nhà nước và xã hội hóa, hệ thống hạ tầng giáo dục trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm đầu tư và ngày càng cải thiện, trong đó công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được thực hiện tốt. Nhờ vậy đến nay, toàn tỉnh có 263/318 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 82,7% tổng số trường. Ngoài ra, hiện có 100% số xã trong tỉnh được phủ lưới cấp điện từ nguồn lưới điện quốc gia; các tuyến điện trung thế 3 pha được đầu tư đến trung tâm các xã và các trục lộ giao thông thủy, bộ quan trọng. Song song đó, hiện toàn tỉnh có 100% trạm y tế cấp xã đều đạt chuẩn theo quy định.

Ông Nguyễn Thanh Phong, ở ấp 5, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, bộc bạch: “Con em vùng quê còn được học trong những ngôi trường đạt chuẩn quốc gia nên có điều kiện học tập tốt hơn trước rất nhiều. Do đó, việc học sinh vùng sâu, vùng xa thi đậu vào các trường đại học uy tín không còn là chuyện hiếm nữa. Ngoài ra, khi người dân bị bệnh thì được chăm sóc ở trạm y tế xã đạt chuẩn, đồng thời có khu vui chơi giải trí, dịch vụ internet rộng khắp… Nhìn chung, nhờ chương trình xây dựng NTM mà nhiều vùng quê bây giờ không thua gì đô thị, đặc biệt là có không khí mát mẻ, trong lành, ít ồn ào nên đang trở thành miền quê đáng sống trong lòng bao người dân”.

Cùng chia sẻ niềm vui về sự đổi thay của quê hương, bà Lưu Thị Hiệp, người dân ở ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, cho hay: “Ngoài cơ sở hạ tầng khang trang thì mạng lưới thông tin liên lạc, bưu chính, viễn thông đã mở rộng đến xã, ấp. Nhờ vậy, công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ đây, người dân nông thôn được sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông và internet trong đời sống hàng ngày rất tiện lợi. Mặt khác, trên nhiều tuyến đường quê còn được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng về đêm nhằm góp phần đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự, đồng thời cũng tạo điểm nhấn tươi sáng cho vùng quê khi về đêm giống như thành thị”.

Sau gần 14 năm xây NTM, hiện hệ thống giao thông và cảnh quan môi trường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ngày càng khang trang và xanh - sạch - đẹp.

Tạo sức lan tỏa mạnh mẽ

Từ một địa phương có xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nhưng với sự quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền, cộng với sự đồng thuận của người dân và ủng hộ của doanh nghiệp mà phong trào xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh từng bước được lan tỏa sâu rộng. Qua đây, giúp Hậu Giang đạt mục tiêu về số xã đạt chuẩn NTM và số xã đạt tiêu chí qua từng năm, từng giai đoạn.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, thông tin thêm: Để phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM thì giải pháp được Hậu Giang thực hiện thường xuyên là làm tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Chương trình xây dựng NTM. Còn trong quá trình triển khai, địa phương thực hiện theo tinh thần là “Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo chất lượng khi công nhận các tiêu chí NTM để đảm bảo tính bền vững”. Từ sự hài lòng của người dân đã hỗ trợ cho các địa phương rất nhiều trong thực hiện những phần việc có liên quan đến bà con, qua đây giúp địa phương sớm đạt các tiêu chí và trở thành xã NTM.

Ông Nguyễn Văn Tám, ở ấp Trường Hòa, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Khi thấy được những lợi ích thiết thực mang lại cho người dân ở nông thôn từ xây dựng NTM nên thời gian qua, gia đình tôi và bà con xứ này đều tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương trong việc thực hiện và không ngừng nâng chất các tiêu chí NTM để đạt ở mức độ cao hơn. Cụ thể là việc thường xuyên duy trì thực hiện cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp ngay tại nhà mình, đồng thời tôi còn tham gia nhiều lần khi các đoàn thể của xã, ấp ra quân làm tổng vệ sinh môi trường trên những tuyến đường quê. Bên cạnh đó, tôi và bà con trong xóm còn tự giác, tích cực đóng góp công sức, vật chất để cùng địa phương nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến lộ nông thôn ngày một khang trang để đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa cho bà con được tốt hơn”.

Hiện đã có nhiều “trái ngọt” trong thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Và điều chắc chắn rằng thành quả to lớn nhất mà tỉnh đã đạt được là sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của người dân. Sâu xa hơn, đó là người dân ở vùng nông thôn đã thay đổi nhận thức, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, mà luôn phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, nông dân Hậu Giang đã và đang có nhiều bước đột phá quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp, đây là lĩnh vực mang thế mạnh của tỉnh nhằm đạt mục tiêu cốt lõi trong xây dựng NTM là không ngừng nâng cao nguồn thu nhập và giảm nghèo hiệu quả, bền vững.

Sau gần 14 năm xây dựng NTM, đến nay, Hậu Giang có 39/51 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM, chiếm 76,47%. Số tiêu chí bình quân/xã của tỉnh hiện đạt 17,8/19 tiêu chí/xã. Trên địa bàn tỉnh không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí xã NTM. Bên cạnh đó, Hậu Giang hiện có 8/51 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 2/51 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; đồng thời toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, gồm: huyện Châu Thành A, thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy. Phấn đấu trong năm 2024, Hậu Giang công nhận thêm 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đồng thời công nhận 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

------------------------

Bài 2: Đột phá trong canh tác nông nghiệp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>