CAO TỐC - DỰ ÁN CỦA Ý ĐẢNG, LÒNG DÂN

28/09/2023 | 15:53 GMT+7

Bài 4: Phá điểm nghẽn, kết nối đồng bằng

Các dự án giao thông trọng điểm đã và đang triển khai góp phần tạo nên diện mạo mới trong bức tranh kinh tế - xã hội, từng bước tháo gỡ điểm nghẽn, đưa ĐBSCL “cất cánh”.

Dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau qua địa bàn Hậu Giang đang được triển khai.

Mở đường

Phát triển hạ tầng là 1 trong 3 đột phá chiến lược của Việt Nam. Đến nay, Chính phủ trong nhiệm kỳ này đã bố trí được 480.000 tỉ đồng vốn ngân sách nhà nước cho phát triển hạ tầng giao thông, từ nhiều nguồn; trong đó dành nguồn lực lớn cho hệ thống đường cao tốc và các loại hình giao thông khác tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với quyết tâm làm thay đổi hệ thống giao thông tại miền Tây.

Mới đây, Kế hoạch triển khai Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL năm 2023 và giai đoạn 2024-2025 đã được UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL công bố. Theo kế hoạch, trong năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tổ chức nhiều sự kiện cấp vùng, kết nối doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu sản xuất, đầu tư kinh doanh tại các địa phương. Giai đoạn 2024-2025, sẽ tập trung thực hiện 5 lĩnh vực, bao gồm: Phát triển hạ tầng giao thông; du lịch; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; khoa học công nghệ, chuyển đổi số; giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, lao động...

Đáng chú ý là vấn đề phát triển hạ tầng giao thông thu hút sự quan tâm với dự án đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố Cần Thơ; nghiên cứu đầu tư tuyến đường bộ ven biển Thành phố Hồ Chí Minh - ĐBSCL… Việc đầu tư này sẽ góp phần rút ngắn thời gian vận chuyển, tăng sức cạnh tranh cho những mặt hàng mang tính đặc thù, thế mạnh của ĐBSCL cần vận chuyển nhanh như: nông, thủy sản.

Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre, thông tin: “Hạ tầng giao thông đang được tập trung đầu tư, tạo kết nối thuận lợi trong nội tỉnh và liên vùng. Hiện cầu Rạch Miễu 2 đã khởi công, sắp tới Bến Tre phối hợp tỉnh Vĩnh Long xây dựng cầu Đình Khao; Dự án tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hành lang tạo động lực tăng trưởng mới cho Bến Tre”.

Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 2-4-2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định: Đến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế...

Về quy hoạch hệ thống đường bộ cao tốc, khu vực ĐBSCL đã hoạch định đến năm 2050 có 1.188km/9.014km của cả nước, được phân bổ đồng đều trên toàn vùng với 3 trục dọc và 3 trục ngang. Trong đó, đến năm 2030 có khoảng 760km và sau năm 2030 tiếp tục đầu tư thêm khoảng 420km. Hiện nay, đã hoàn thành đưa vào khai thác hơn 90km (tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận), đang triển khai thi công và đến năm 2025 cơ bản hoàn thành thêm 458km. Như vậy, đến năm 2025 vùng ĐBSCL có khoảng 548km đường bộ cao tốc, trong đó hoàn thành trục dọc cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cà Mau, một số đoạn trục dọc cao tốc Bắc - Nam phía Tây và cơ bản hoàn thành trục ngang cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: Điểm nghẽn quan trọng mà ĐBSCL bao nhiêu năm qua chưa được tháo gỡ đó là hạ tầng giao thông. Vì vậy, những năm qua, kinh tế - xã hội của ĐBSCL phát triển chậm hơn các vùng khác. Qua rà soát, ĐBSCL còn nhiều tiềm lực để phát triển. Khi triển khai và đưa vào sử dụng các tuyến đường cao tốc sẽ là cơ hội cho ĐBSCL cất cánh, vươn lên không những bằng một số tỉnh, thành trong cả nước mà có thể một số tỉnh, thành ĐBSCL sẽ vượt hơn sự phát triển một số tỉnh, thành khác trong cả nước.

Nút thắt được tháo gỡ

Đánh giá sức ảnh hưởng của giao thông, đặc biệt là cao tốc đối với sự phát triển của vùng, ông Phan Hoàng Phương, Viện Chiến lược Giao thông Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải, nhận định: “ĐBSCL là vùng duy nhất trong Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2030 chúng ta phải phấn đấu hoàn thiện toàn bộ hệ thống đường cao tốc của khu vực vùng này, tức là 3 tuyến trục ngang và 3 tuyến trục dọc sẽ được đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030. Có thể nói, đây là tiền đề rất quan trọng để chúng ta làm động lực kêu gọi đầu tư”.

Theo các chuyên gia, khơi thông tiềm năng cho ĐBSCL, ngoài cao tốc thì vẫn còn nhiều dư địa khác mà đường sắt là một trong số đó. Dự án đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ dài 175km với tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỉ đồng, tốc độ tối đa 200km/h, với 13 ga. Dự kiến, khởi công trước năm 2030. Dự án do Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Dự án đi qua địa phận 6 tỉnh, thành phố, gồm: Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ. Hiện nay, dự án đã hoàn thành báo cáo cuối kỳ, Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến các địa phương hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hoàn thành trong năm 2023. Sau đó, trình cấp thẩm quyền quyết định trong năm 2024 và hoàn thiện trình Thủ tướng, Quốc hội trong năm 2025.

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết: “Đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ đến giờ này nghiên cứu cũng gần đạt tiền khả thi rồi. Tuy nhiên, các nội dung khác chúng ta phải tập trung nghiên cứu, mời đơn vị tư vấn, thậm chí tư vấn quốc tế với chi phí hàng tỉ đồng, thậm chí hàng chục tỉ đồng. Kinh phí này Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chịu trách nhiệm và sau khi có kết quả sẽ bàn bạc với các tỉnh, thành”.

“Ngoài các tuyến giao thông bộ trọng yếu thì hệ thống giao thông thủy cũng cần được tính đến, để phát huy được lợi thế vốn có với chi phí bỏ ra thấp”. Đây là nhận định của PGS.TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng, hạ tầng kết nối của ĐBSCL cần phải tính đến đường sông, kênh rạch, không phải lấy đất lên đắp, mà làm sao giữ được đất nhưng lại có đường giao thông và còn làm du lịch.

“Tư duy về động lực là hạ tầng kết nối cũng phải có những thay đổi chứ không phải là hì hục cuốc đất đi làm đường cao tốc. Còn đường sắt, đường hàng không cũng phải tính. Cái này là động lực mới, không chỉ tính như một động lực mà tính xử lý cấu trúc của động lực như thế nào cho hiệu quả nhất”, PGS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Sản xuất công nghiệp được xác định là trụ cột chính trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và gia tăng nguồn thu ngân sách cho Hậu Giang trong giai đoạn 2021-2025.

 

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ĐBSCL được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166km, quy mô 4-6 làn xe. Trong đó có 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến cao tốc trục ngang. Đây được xem là 6 tuyến cao tốc làm thay đổi hoàn toàn diện mạo hạ tầng giao thông tại ĐBSCL. Các trục ngang cao tốc của ĐBSCL sẽ gồm tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nằm phía Nam sông Hậu vừa được khởi công. Tuyến thứ hai là cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh dài 188km nằm phía Bắc sông Hậu. Còn lại trục ngang cuối cùng sẽ kết nối Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 212km. Trong khi đó, tuyến cao tốc trục dọc đầu tiên là cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 245km từ Long An đến Cà Mau. Trục dọc thứ hai là cao tốc Bắc - Nam phía Tây dài 180km. Cuối cùng là tuyến cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng dài 150km, là một trục dọc phía Đông, kết nối các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long.

 

MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>