CAO TỐC - DỰ ÁN CỦA Ý ĐẢNG, LÒNG DÂN

28/09/2023 | 15:47 GMT+7

Bài 3: Vượt nắng, thắng mưa làm cao tốc

Các địa phương đang “dốc toàn lực” đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa” để đưa công trình về đích đúng tiến độ, hiệu quả.

Nỗ lực giải phóng mặt bằng

Dự án thành phần 1 đi qua địa bàn tỉnh An Giang dài 57,2km. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, bày tỏ: Đây là lần đầu tiên tỉnh được giao thực hiện dự án có quy mô đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật cao và thời gian triển khai cấp bách. Vì thế, tỉnh đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo để bắt tay thực hiện các nội dung công việc, từ bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, cho đến việc lập, thẩm định và trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi... Nhờ đó, tính đến ngày 16-6, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt gần 81%.

Dự án thành phần 2 đi qua địa bàn thành phố Cần Thơ dài 37,2km. Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, nhấn mạnh việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là cấp thiết. Dự án đóng vai trò liên kết vùng, góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại.

Đây chính là cơ sở để thành phố Cần Thơ phát huy vai trò là trung tâm, động lực phát triển của vùng ĐBSCL. Thành phố sẽ trở thành đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế. Ông Trần Việt Trường khẳng định, thành phố luôn nhận thức việc tổ chức triển khai xây dựng dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương liên quan thường xuyên phối hợp, hỗ trợ để công trình triển khai thuận lợi.

Dự án thành phần 3 đi qua tỉnh Hậu Giang, có chiều dài gần 37km. Dự án đi qua địa bàn 8 xã, thị trấn thuộc huyện Châu Thành A và Phụng Hiệp với hơn 1.100 hộ dân bị ảnh hưởng, tổng diện tích đất phải thu hồi hơn 260ha. Xác định đây là dự án trọng điểm quốc gia có diện tích đất thu hồi và khối lượng công việc rất lớn, tỉnh Hậu Giang đã tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết: Nhận thức ý nghĩa và tầm quan trọng, trong thời gian qua Tỉnh ủy đã tập trung nâng cao nhận thức và huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh.

Là điểm cuối cùng của tuyến cao tốc, dự án thành phần 4 qua tỉnh Sóc Trăng dài gần 57km. Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, nhấn mạnh: Tuyến cao tốc hình thành sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển nước sâu Trần Đề của tỉnh. Đây sẽ là đòn bẩy tạo động lực, đột phá mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.

Ông Lâu cam kết bàn giao toàn bộ mặt bằng phục vụ thi công dự án trong năm 2023. Đồng thời, chỉ đạo Ban Quản lý dự án của tỉnh quan tâm đôn đốc đơn vị thi công triển khai công trình đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và tiến độ đề ra.

Đồng lòng vì mục tiêu chung

Đại tá Vũ Phúc Hậu, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, cho biết: “Chúng tôi là một trong những nhà thầu được lựa chọn tham gia dự án thành phần 3, gói thầu số 1 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, có thể nói đây là dự án lớn, nhiệm vụ rất nặng nề đối với chủ đầu tư cũng như nhà thầu. Với đặc điểm thi công cao tốc địa bàn vùng sông nước, địa chất phức tạp rất là khó khăn trong việc xử lý nền đất yếu”.

Bên cạnh đó là nguồn vật tư, vật liệu khan hiếm và công tác vận chuyển, địa bàn sông nước, luồng hẹp, độ mớn nước nông cho nên các tàu lớn không ra vào được tận chân công trình, kết hợp với công tác thiết kế trong giai đoạn hiện nay còn có những nội dung cần theo dõi tiếp tục để hoàn thiện. Đây là những khó khăn lớn nhất mà chính quyền địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu phải có sự đồng thuận, thống nhất và quyết tâm cao để triển khai thực hiện dự án đúng theo kế hoạch.

“Là nhà thầu thi công, trước hết chúng tôi thực hiện trách nhiệm, với năng lực và kinh nghiệm rút ra từ các dự án đã và đang triển khai sẽ xây dựng kế hoạch thi công, biện pháp thi công cho phù hợp. Ngoài ra, cũng có những thuận lợi theo thông báo của địa phương tại lễ khởi công thì việc giải phóng mặt bằng đã được hơn 80%, thứ 2 là sự quyết tâm, quyết liệt của chính quyền địa phương và sự ủng hộ của người dân thì đây là cơ sở để chúng tôi triển khai dự án đúng kế hoạch”, đại tá Vũ Phúc Hậu chia sẻ.

“Với khối lượng công việc và các điều khoản trong hợp đồng thì nhà thầu chúng tôi tổ chức lực lượng, đội ngũ cán bộ chuyên môn, kỹ thuật đủ về nguồn nhân lực để thực hiện dự án. Huy động máy móc, trang thiết bị phù hợp, hiện đại để triển khai dự án. Ngoài ra, xây dựng kế hoạch, nguồn lực tài chính để đáp ứng cho dự án. Với sự chuẩn bị, kinh nghiệm, quyết tâm cao, chúng tôi sẽ thực hiện các bước cụ thể với tinh thần trách nhiệm cao nhất đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của chủ đầu tư”, đại tá Vũ Phúc Hậu khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, với cơ chế đặc thù, các tỉnh, thành phố đã quyết liệt, tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan của địa phương triển khai thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, phức tạp, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư khoảng 1 năm so với quy trình thủ tục thông thường (2 năm). Đến nay, cả 4 dự án thành phần đã hoàn thành các thủ tục để khởi công, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ.

Qua thực tiễn triển khai Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã rút ra một số kinh nghiệm khi triển khai dự án như: Các địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai đồng thời một số công việc để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật; cần quan tâm xây dựng các khu tái định cư đảm bảo tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, để người dân yên tâm về nơi ở mới.

Đối với nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết, nhu cầu dự án cần gần 30 triệu m3. Ông Lâm đề nghị các địa phương cần chủ động có kế hoạch khai thác, cung cấp đủ nguồn vật liệu theo tiến độ thi công của dự án; đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc vật liệu để đảm bảo chất lượng, quản lý chặt chẽ giá vật liệu, kiên quyết không để xảy ra các hiện tượng đầu cơ, nâng giá, ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí xây dựng công trình. Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao; phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, có hiệu quả với các địa phương, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đưa dự án về đích đúng thời hạn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan liên quan tiếp tục bám sát tiến độ, sự phân cấp, phân quyền, rà soát lại các công việc để bố trí thời gian, nguồn lực, tập trung chỉ đạo, lãnh đạo. Tiếp tục công việc giải phóng mặt bằng, tái định cư với nguyên tắc xuyên suốt là cuộc sống tại nơi ở mới phải bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ. Lãnh đạo các địa phương phải quan tâm, tích cực giải quyết vấn đề nguyên vật liệu cho dự án. Không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong khai thác nguyên vật liệu thông thường (đất, đá, cát, sỏi).

“Thi công khối lượng công trình rất lớn trong khoảng thời gian không dài và chịu ảnh hưởng tác động của các điều kiện thời tiết nên chúng ta phải vượt nắng, thắng mưa, thực hiện 3 ca 4 kíp. Kinh nghiệm của các dự án đạt, vượt tiến độ vừa qua là phải vượt nắng, thắng mưa, thắng đại dịch, làm hết việc chứ không phải làm hết giờ” - Thủ tướng nêu rõ, đồng thời đề nghị các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Giao thông vận tải; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường cùng các tỉnh, thành phố được giao làm cơ quan chủ quản dự án tập trung quyết liệt chỉ đạo, thành lập các ban quản lý dự án. Rút kinh nghiệm từ những hạn chế, bất cập khi triển khai các dự án cao tốc giai đoạn trước, các Bộ, ngành liên quan, các tỉnh, thành phố cần tích cực đi kiểm tra, đôn đốc, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt thẩm quyền thì phải báo cáo ngay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các nhà tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát tăng cường nâng cao trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn, chất lượng, tiến độ. Không vì lợi ích cá nhân, không hạ thấp tiêu chuẩn, hạ thấp giám sát, tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí cùng với các địa phương và các đơn vị có liên quan. Tinh thần là phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đấy, tăng cường giám sát, kiểm tra, chống tiêu cực, tham nhũng trong quá trình tổ chức, thi công và đặc biệt quan tâm đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã nhường chỗ ở, nơi canh tác, làm việc của mình cho dự án.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương có cao tốc đi qua ở ĐBSCL. Tin tưởng rằng, khi các dự án cao tốc này hoàn thành sẽ tạo ra luồng gió mới cho vùng đất “chín rồng” phát triển.

MỘNG TOÀN

--------------------------

Bài 4: Phá điểm nghẽn, kết nối đồng bằng

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>