CAO TỐC - DỰ ÁN CỦA Ý ĐẢNG, LÒNG DÂN

28/09/2023 | 15:41 GMT+7

Bài 2: Giải “cơn khát” cát cho cao tốc

Dù được đánh giá có trữ lượng lớn, nhưng vì nhiều lý do mà cát được khai thác tại ĐBSCL chưa thấm vào đâu so với nhu cầu của việc thi công cao tốc. Nghịch lý này bao giờ chấm dứt để những dự án trọng điểm thôi cảnh khát cát...

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, chúng ta vừa phải đảm bảo được tiến độ nhưng không thể bằng mọi giá.

Từ chuyện lúng túng điều phối, khai thác

ĐBSCL hiện đang triển khai gồm 4 dự án cao tốc trọng điểm, đó là: Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu, Mỹ An - Cao Lãnh, có tổng chiều dài là 355km. Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), tổng mức đầu tư 4 dự án khoảng 82.871 tỉ đồng và cần khoảng 53,68 triệu m3 cát đắp nền. Dù cần lượng cát lớn để thi công, nhưng khó khăn tại ĐBSCL hiện nay là cung không đủ cầu.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã trực tiếp kiểm tra, làm việc và yêu cầu các tỉnh bố trí đủ nguồn vật liệu để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Tỉnh An Giang được giao chỉ tiêu 7 triệu m3 (năm 2023 là 3,3 triệu m3), Đồng Tháp 7 triệu m3 (năm 2023 là 3,3 triệu m3), Vĩnh Long 5 triệu m3 (năm 2023 là 3,3 triệu m3) và ưu tiên bố trí ngay cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Vận dụng tối đa cơ chế đặc thù, không để thiếu vật liệu đắp nền cho cao tốc

Là một trong những địa phương có mỏ cát khai thác phục vụ thi công cao tốc, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng nguyên nhân chậm trễ trong việc cấp phép, gia hạn, nâng công suất khai thác mỏ cát có trách nhiệm của địa phương, các bộ, ngành và cả nhà thầu khi triển khai việc rút ngắn quy trình giao trực tiếp mỏ.

“Đồng Tháp cam kết đến ngày 20-9 sẽ hoàn thành cấp phép khai thác mỏ cho nhà thầu để bảo đảm đủ nguồn cát san lấp cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau theo chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao. Đồng thời, điều phối đủ nguồn cát san lấp cho các dự án cao tốc đi qua địa bàn”, ông Phạm Thiện Nghĩa thông tin.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết vướng mắc lớn nhất trong cơ chế giao mỏ cho nhà thầu là khả năng, kinh nghiệm khai thác, để không ảnh hưởng đến môi trường, gây sạt lở. Theo ông Bình, nhà thầu, địa phương cần ngồi lại để có cơ chế phối hợp với địa phương để lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín, kinh nghiệm trong khai thác mỏ.

Là địa phương có tuyến cao tốc đi qua và làm rất tốt công tác giải phóng mặt bằng để thi công dự án, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: Tỉnh rất chủ động những gì địa phương làm được, nhưng lo lắng về thiếu vật liệu cát, với hơn 100km đường cao tốc trên địa bàn tỉnh. Người dân băn khoăn đường thì đã ủi nhưng chưa thấy thi công, nước ngập. Càng triển khai nhanh chừng nào thì mình hưởng lợi nhiều chừng đấy.

Ông Đồng Văn Thanh chia sẻ: “Địa phương rất mừng khi các đơn vị cung cấp cát phục vụ cho tuyến đường cao tốc đều chia sẻ là đủ số lượng cho năm 2023 và những năm tiếp theo. Nhưng giờ ai làm? Làm như thế nào? Nếu không rõ sẽ rất khó cho các địa phương, dẫn đến kéo dài. Do đó, như các địa phương đề nghị là thành lập tổ. Trong đó có tổ trưởng, nửa tháng họp một lần. Tổ trưởng ghi nhận các nội dung các địa phương kiến nghị để báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ có hướng dẫn và chỉ đạo tiếp theo mới nhanh được, nếu không thì rất khó về cách làm”.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đánh giá, số lượng cát cho cao tốc vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với trữ lượng các địa phương đã cấp phép, đồng thời khẳng định những việc đang triển khai bình thường, không phải khai thác quá mức ảnh hưởng đến môi trường. Nếu không triển khai làm đường cao tốc thì các tỉnh vẫn cấp phép khai thác.

“Tiến độ dự án không cho phép chúng ta chần chừ. Đối với miền Tây, chúng tôi rất muốn dành tất cả thời gian lớn nhất cho thi công và chờ lún. Nếu càng chậm thì càng ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Trữ lượng năm 2023 dứt khoát không thể để công trường đang chờ cát như thế này được”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Cùng nhận định này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên nêu quan điểm: Trữ lượng vật liệu đắp nền ở ĐBSCL không thiếu nếu có sự điều phối hợp lý. Thậm chí, một số tỉnh được đánh giá có trữ lượng thấp hoặc không cấp phép khai thác mỏ mới trong nhiều năm như Sóc Trăng, Tiền Giang đã chủ động khảo sát, đánh giá trữ lượng vật liệu san lấp để phục vụ dự án cao tốc đi qua địa bàn.

“Các địa phương ĐBSCL hiện cấp 121 giấy phép khai thác cát với tổng trữ lượng khoảng 80 triệu m3 (trong đó cát san lấp 63 triệu m3, cát xây dựng 17 triệu m3). Thời gian qua, các tỉnh trong vùng cấp tiếp 30 giấy phép thăm dò với trữ lượng dự kiến 39 triệu m3 cát san lấp và 3 triệu m3 cát xây dựng. Như vậy, tổng cộng có khoảng 120 triệu m3, trong đó có 20 triệu m3 cát xây dựng và 100 triệu m3 là cát san lấp”, Thứ trưởng Trần Quý Kiên tính toán.

Ngoài ra, cũng theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trữ lượng cát ở ĐBSCL nếu khai thác, điều phối một cách hợp lý thì hoàn toàn cấp đủ cho các dự án thành phần. Vì 4 dự án đường cao tốc cần 53,68 triệu m3 nhưng không phải cần trong 1 năm mà trải đều các năm. Bộ Tài nguyên và Môi trường vận dụng tối đa để hướng dẫn các địa phương thực hiện thủ tục giao mỏ vật liệu xây dựng cho nhà thầu, đồng thời bảo đảm kiểm soát sản lượng, bảo vệ môi trường, chống sạt lở, không để xảy ra trục lợi chính sách.

Đến việc sáng tạo tìm nguồn cát thay thế

Liên quan vấn đề khai thác và sử dụng cát biển để san lấp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, công trình này là công trình trọng điểm, nếu cơ lý, hóa và an toàn các thứ, môi trường mà được thì chuyện cấp phép là của chính quyền. Trên tuyến nếu sử dụng cát biển phải thêm tính hiệu quả kinh tế nữa.

Nói về vấn đề khai thác cát, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết: “Không hút mãi dưới sông được. Hút ở dưới sông lên bao nhiêu thì trên đất liền sẽ sụp xuống sông bấy nhiêu, đó là quy luật cân bằng. Tuy nhiên, vì tính cấp bách của công trình, chúng ta nâng công suất nhưng phải lấy vấn đề môi trường, giám sát sạt lở là vấn đề ưu tiên số một. Giải pháp dùng cát biển phải tính toán 3 tiêu chí: cơ lý, môi trường, kinh tế. Nếu được, chúng ta dùng phương án này thay cho tất cả các mỏ cát trên sông. Cát trên sông chỉ để xây dựng, chứ san lấp thì lãng phí mà không có nguồn cung”.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu rà soát thiết kế kỹ thuật, nhất là cao độ nền đường, phương án thi công bảo đảm phòng ngừa nguy cơ sạt lở, sụt lún, lũ lụt, tác động môi trường tại các khu vực chưa có đánh giá đầy đủ về địa chất, thủy văn. Đặc trưng ở đồng bằng sông Cửu Long là có mùa nước nổi, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT đánh giá lại các cao độ, vấn đề liên quan thoát lũ, xem tính toán đúng chưa. Vì nếu tính toán sai sẽ trở thành những con đê, làm ngập úng thành phố và các địa phương không biết ngày nào mới hết. Thứ hai là những con đường đó không bền vững. Nếu ngập nước sau khoảng 2-3 năm là phải khảo sát, điều tra, truy tố. Bộ GTVT phải tính toán xem cao độ, tính toán lại việc làm đường và các cống thoát nước, lưu lượng thoát nước. Nếu không làm cẩn thận sẽ trở thành những con đê chắn nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

Sử dụng cát biển cho san lấp cao tốc thay thế cát sông là một giải pháp đang được các Bộ, ngành nghiên cứu. Nếu khả thi thì đây là sẽ là điều kiện thuận lợi để công tác thi công các tuyến đường cao tốc đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Hơn bao giờ hết, thời điểm này, ở các công trình cao tốc, các địa phương, nhà đầu cũng đang dốc toàn lực để hoàn thành từng công đoạn.

MỘNG TOÀN

---------------------------

Bài 3: Vượt nắng, thắng mưa làm cao tốc

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>