CAO TỐC - DỰ ÁN CỦA Ý ĐẢNG, LÒNG DÂN

28/09/2023 | 15:32 GMT+7

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu phấn đấu tới năm 2025 có 3.000km cao tốc và tới năm 2030 có ít nhất 5.000km cao tốc. Tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hàng loạt tuyến cao tốc đã và sẽ triển khai nhận được sự đồng thuận của người dân, điều này cho thấy ý Đảng, lòng dân cùng một chí hướng.

 

Bài 1: Chung tay “hai tuyến” nối dài

 

Các tuyến cao tốc khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương vừa đưa vùng đất “chín rồng” thoát khỏi điểm nghẽn về hạ tầng giao thông.

 

Cao tốc của lòng dân, ý Đảng

 

Chúng tôi theo chân cán bộ xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, rong ruổi trên tuyến Tỉnh lộ 925 tìm về gia đình ông Nguyễn Văn Tám, ở ấp Phước Long, là 1 trong 368 hộ dân của huyện Châu Thành bị ảnh hưởng dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

 

Ngồi nhâm nhi bên tách trà nóng, ông Tám chia sẻ với chúng tôi về chuyện đời, chuyện người và những đổi thay của quê hương. Gia đình ông có khoảng 7.000m2 đất trồng mít, kết hợp với nuôi ốc bươu, mỗi năm đem về nguồn thu trên 200 triệu đồng. Ngày hay tin có tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi qua đất của mình, ông Tám không khỏi bùi ngùi. Nhưng ngẫm lại, ông thấy vui bởi quê mình sắp đón tuyến huyết mạch giao thông quan trọng.

 

Ông Tám bộc bạch: “Lúc hay mấy công đất vườn nhà tôi bị ảnh hưởng gần hết, tôi cũng buồn chứ! Nhưng nghĩ tới chuyện rồi đây sẽ có một con đường cao tốc đi qua vùng đất này, tương lai con cháu mình sẽ được thụ hưởng, lòng tôi cũng thấy vui vui”.

 

Trầm ngâm một lát, rồi ông Tám nói thêm: “Hôm người ta vào cắm cọc giải phóng mặt bằng, tôi cũng hỏi thử và biết con đường này nối thẳng từ Cần Thơ về Hậu Giang rồi đi về Cà Mau, băng qua mấy tỉnh lận. Mấy hôm nay, tôi cũng lân la dò hỏi tìm mua miếng đất gần đây để canh tác thay cho mảnh đất bị thu hồi làm đường cao tốc. Giờ chỉ mong sao Nhà nước sớm ổn định chỗ ở để mình tái sản xuất, niềm vui được nhân đôi”.

 

Rời xã Đông Phước A, chúng tôi tìm về xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy. Theo chân anh cán bộ xã cùng chiếc xe gắn máy nhỏ chạy bon bon trên con đường quê ở ấp 9, nhìn về cánh đồng mùa nước nổi, anh Linh (cán bộ văn hóa xã) chỉ tay về phía xa rồi nói: “Ít lâu nữa thôi, đây sẽ chính là tuyến đường cao tốc Bắc - Nam huyết mạch, nối liền thẳng tuyến đến Cà Mau”.

 

Tạm dừng chân bên ngôi nhà cấp 4 của gia đình lão nông Trần Văn Trọng, ở ấp 9, xã Vị Thắng, ông mời chúng tôi ly nước, ông Hai hồ hởi cho hay là tết năm nay có lẽ gia đình ông sẽ đón cái tết đặc biệt, bởi ông sắp từ giã nghiệp nhà nông vì giao đất lại cho Nhà nước để làm cao tốc. Cả gia đình ông gồm vợ và ba người con đều thống nhất đã lãnh tiền, bàn giao mặt bằng sớm cho dự án.

 

“Ban đầu, gia đình cũng phân vân, lo lắng, nhưng tôi nghĩ khi đường lớn được mở qua đây thì người dân sẽ có nhiều cơ hội để thông thương. Việc đi lại giữa các địa phương được rút ngắn, đồng nghĩa với đường về thăm nhà của các con cháu cũng sẽ gần hơn. Việc gì mình làm có lợi cho quê hương thì phải làm gương”, ông Trọng cho biết.

 

Tương tự các hộ dân bị ảnh hưởng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, nhiều hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cũng đồng thuận, chung tay với chính quyền địa phương.

 

Với lão nông dân Trần Văn Quang, ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, biết tin mảnh đất nhà mình sắp có tuyến cao tốc đi qua, lòng ông không khỏi bồi hồi, bởi mảnh đất gia đình gắn bó bao năm nay, giờ sắp phải giao lại cho Nhà nước vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.

 

“Nghe tin nhà đất của mình sắp bị thu hồi để làm cao tốc, không riêng tôi, nhiều hộ khác cũng lo lắng lắm chứ. Nhưng ai cũng có chút niềm vui, cũng mừng đón dự án lớn. Lúc mấy cán bộ ở địa phương xuống triển khai, tôi ủng hộ hết lòng. Chỉ mong sao quê mình phát triển hơn, đường sá ngày càng mở mang, giao thương thuận tiện, mấy đứa con cháu mình đi lại dễ dàng hơn thì tôi cũng sẵn lòng”, ông Quang bộc bạch.

 

 

Lòng dân thuận - cao tốc thông

 

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã để lại bài học quý báu, tạo sự đồng thuận, đoàn kết, phát huy sức dân, đặc biệt là khi triển khai công trình, dự án trọng điểm của quốc gia đối với Hậu Giang.

 

Sự đồng thuận của người dân nhờ vào tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương.

 

Như ở xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, thời gian đầu, định kỳ hai ngày cuối tuần, các anh chị em cán bộ, công chức, đoàn thể xã đều gác lại việc gia đình để tỏa xuống cơ sở tuyên truyền, vận động, hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Cán bộ, công chức nào có người thân trong diện phải di dời thì đi vận động trước; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu.

 

Ông Tô Trí Hóa, Bí thư Đảng ủy xã Đông Phước A, chia sẻ: “Biết bà con lo nhất là vấn đề giá cả đền bù. Do đó, Đảng ủy xã tổ chức nhiều cuộc họp, xác định: Đảng viên phải phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong giải thích, tuyên truyền thế nào cho dân hiểu.

 

“Ở những ấp có nhiều hộ dân bị thu hồi đất thì chi bộ ấp, gần như phải sát dân. Dân thắc mắc điều gì, cán bộ, đảng viên giải thích một cách cụ thể, rõ ràng cho dân”, ông Hóa nhấn mạnh.

 

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, khi giai đoạn đầu thực hiện giải phóng mặt bằng dự án cao tốc, huyện Châu Thành rút ra kinh nghiệm phải làm tốt khâu tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên mà trực tiếp là Nhân dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Chỉ khi người dân nắm rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước, mục đích, ý nghĩa tầm quan trọng quốc gia đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng như chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án mà đồng thuận, nhất trí cao từ đó phối hợp, hỗ trợ trong công tác giải phóng mặt bằng.

 

“Thường trực Huyện ủy, UBND đã tổ chức riêng 2 buổi tiếp xúc đối thoại chuyên đề với các địa bàn có hộ dân bị ảnh hưởng để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con nhằm cùng chung tay, đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng, sớm đưa cao tốc triển khai theo đúng tiến độ”, ông Hoàng Anh chia sẻ.

 

Còn tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, để dự án triển khai đảm bảo yêu cầu về tiến độ và chất lượng, với 5 xã, thị trấn có tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi qua và 604 hộ dân bị ảnh hưởng, UBND huyện Long Mỹ tập trung nhiều giải pháp, nhiệm vụ đồng bộ, có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó xác định công tác giải phóng mặt bằng là khâu quan trọng.

 

Từ đó, UBND huyện thành lập Ban Chỉ đạo; Tổ vận động, tuyên truyền; Tổ giúp việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn. Địa phương còn chú trọng tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền đến người dân các thông tin liên quan về dự án, nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân.

 

Ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, thông tin: “Xác định dự án có ý nghĩa lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho huyện trong việc kết nối, vận chuyển, thông thương hàng hóa, phục vụ phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch của vùng, do đó chúng tôi quyết liệt triển khai nhiều giải pháp. Nhưng cũng chính từ sự đồng thuận cao từ người dân là điểm nhấn đáng ghi nhận, góp phần cùng địa phương thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng dự án thuận lợi, nhanh chóng.

 

Ông Đồng Văn Thanh (bìa trái), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang gặp gỡ người dân bị ảnh hưởng bởi cao tốc.

 

Từ quyết tâm của Chính phủ đến tinh thần chung sức, đồng lòng, các địa phương đều nỗ lực thực hiện cam kết đảm bảo tiến độ dự án. Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, khẳng định dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tính chất rất quan trọng, sẽ là đòn bẩy, động lực giúp Hậu Giang cất cánh và vươn xa hơn trong tương lai. Do đó, việc vừa đảm bảo tiến độ của dự án, vừa đảm bảo quyền lợi của người dân là vấn đề các địa phương phải ưu tiên làm và làm hết sức khẩn trương, quyết liệt.

 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, khi triển khai các chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng phải phù hợp, tái định cư thì nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, không để người dân chịu thiệt… Do đó, công tác triển khai và công tác thông tin, tuyên truyền, vận động cũng phải được thực hiện mạnh mẽ, tạo sự đồng thuận, từng bước tháo gỡ những trường hợp còn vướng mắc.

 

Mặc dù tỉnh Hậu Giang rất nỗ lực trong triển khai thực hiện dự án cao tốc qua địa bàn tỉnh, nhưng vì lý do khách quan về nguồn vật liệu cát cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ chung. Vấn đề này cũng đang được Chính phủ, các Bộ ngành, Hậu Giang và các tỉnh trong vùng cùng tháo gỡ.

 

Ông Nguyễn Văn Hòa (bìa phải), Phó Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu các địa phương quan tâm, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ các khu tái định cư phục vụ dự án cao tốc.

 

Để người dân bị ảnh hưởng Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau qua địa phận tỉnh Hậu Giang sớm ổn định cuộc sống, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo “thần tốc” đầu tư xây dựng bốn khu tái định cư, gồm: Khu tái định cư thị trấn Ngã Sáu (huyện Châu Thành); Khu tái định cư xã Bình Thành (huyện Phụng Hiệp); Khu tái định cư thị trấn Nàng Mau (huyện Vị Thủy) và Khu tái định cư thị trấn Vĩnh Viễn (huyện Long Mỹ). Tổng diện tích bốn khu đất tái định cư trên 13ha, dự kiến sẽ có trên 700 nền được bố trí, tổng mức đầu tư 4 khu tái định cư này khoảng 264 tỉ đồng.

 

ĐÌNH BẢO

-------------------------------

Bài 2: Giải “cơn khát” cát cho cao tốc

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>