Nhớ Bác Hồ chúc xuân Giáp Ngọ và Giáp Thìn thuở xưa

08/02/2024 | 15:24 GMT+7

Đến đầu năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp của Nhân dân ta đã bước vào năm thứ 9. Trải qua 8 năm, với cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, lực lượng so sánh giữa ta và địch đã thay đổi lớn, tạo thời cơ cho ta giành thắng lợi hoàn toàn. Ngày 6-12-1953, Bác Hồ cùng Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày 6-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu.

Ngày 1-1-1954, ngày đầu năm Tết Dương lịch, Bác Hồ dự họp Bộ Chính trị chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch. Khi trao nhiệm vụ cho Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Người nói: “Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.

Bác Hồ chúc xuân Giáp Ngọ: “Mùa xuân năm nay thành mùa xuân đại thắng lợi”

Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ (1954), Bác Hồ có Thư chúc Tết cán bộ và chiến sĩ. Người chúc “Năm mới, cố gắng mới, thắng lợi mới”, biểu dương những chiến công của các chiến sĩ và mong toàn thể cán bộ, chiến sĩ “nêu cao quyết tâm, chiến đấu bền bỉ, thu nhiều thắng lợi hơn nữa, làm cho mùa Xuân năm nay thành mùa Xuân đại thắng lợi”.

Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tung bay trên nóc hầm De Castries chiều 7-5-1954 đánh dấu Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi hoàn toàn. Ảnh: Tư liệu.

Bác cũng có Thơ chúc Tết quân và dân cả nước, toàn bài như sau:

“Năm mới, quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành:

- Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập tự do,

- Cải cách ruộng đất là công việc rất to.

Dần dần làm cho người cày có ruộng khỏi lo nghèo nàn.

Quân và dân ta nhất trí kết đoàn,

Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công.

Hòa bình, dân chủ thế giới khắp Nam, Bắc, Tây, Đông,

Năm mới, thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều”.

Sau 55 ngày đêm chiến đấu gian khổ và anh dũng, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 7 giờ 30 ngày 7-5-1954, tướng De Castries và toàn bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm bị bắt sống. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng.

Ngày 8-5-1954, Bác Hồ gửi Thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ. Người nhắc nhở: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình…”.

Tầm hữu vị ngộ, bài thơ Xuân Giáp Ngọ

Phiên âm:

Tầm hữu vị ngộ

Bách lý tầm quân vị ngộ quân,

Mã đề đạp toái lĩnh đầu vân.

Quy lai ngẫu quá sơn mai thụ,

Mỗi đóa hoàng hoa nhất điểm xuân.

Dịch nghĩa:

Tìm bạn không gặp

Trăm dặm tìm anh mà chẳng gặp anh,

Vó ngựa giẫm vỡ những áng mây trên đầu núi.

Trở về, tình cờ qua một cây mai rừng,

Mỗi đóa hoa vàng là một điểm xuân.

Dịch thơ:

1. Tìm bạn không gặp

Trăm dặm tìm không gặp cố nhân,

Mây đèo dẫm vỡ, ngựa chồn chân.

Đường về chợt gặp cây mai núi,

Mỗi đóa hoa vàng một nét xuân.

(Phan Văn Các dịch)

2. Tìm bạn không gặp

Trăm dặm tìm không gặp tướng quân,

Non cao vó ngựa xé mây ngàn.

Trở về bỗng gặp mai rừng nở,

Mỗi đóa hoa vàng một nét xuân.

(Phạm Minh Khải dịch)

Người mà Bác tìm nhưng không gặp là ai? Có nhiều ý kiến khác nhau: Võ Nguyên Giáp, Vi Quốc Thanh, Trần Canh, chỉ là cảm hứng thơ chứ không có một người cụ thể. Tuy nhiên, qua xem xét nhiều yếu tố, ý kiến cho rằng Bác tìm đồng chí Vi Quốc Thanh được nhiều người thừa nhận.

Bác Hồ thăm và chúc tết ông Nguyễn Văn Tá, Trưởng ban bảo vệ khu phố vào đêm giao thừa Xuân Giáp Thìn (1964). Ảnh: Tư liệu.

Trong cuốn Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh, tại bài Thám Vi Quốc Thanh đồng chí vị ngộ, Giáo sư Hoàng Tranh chú thích: “Bài thơ này Hồ Chí Minh viết vào mùa Xuân năm 1954, khi đất nước đang khẩn trương chuẩn bị chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng chí Vi Quốc Thanh lúc đó là Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc đang công tác tại Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đến nơi ở của Đoàn cố vấn thăm hỏi các đồng chí Trung Quốc. Một lần, Chủ tịch đến thăm Vi Quốc Thanh, nhưng hôm đó đồng chí Vi Quốc Thanh ra mặt trận nên không gặp. Ngày hôm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho người mang bài thơ đến tặng Vi Quốc Thanh. Bài thơ này vốn không có đầu đề, đầu đề trên là do những người biên soạn, chú giải đặt. Các tập thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh xuất bản ở Việt Nam trước đây đặt tiêu đề là “Tầm hữu vị ngộ”.

Dẫu cho câu hỏi “Bác tìm ai?” còn là “ẩn số” đi nữa, nhưng giá trị nghệ thuật, nội dung và lịch sử của bài thơ vẫn luôn khẳng định. Tầm hữu vị ngộ là một bài thơ xuân độc đáo, thông qua nghệ thuật tượng trưng pha lẫn hiện thực, tác giả đã nêu bật cảm xúc của mình trong chuyến đi tìm người cộng sự không gặp, lại gặp mai rừng nở. “Mỗi đóa hoa vàng là một nét xuân” báo hiệu mùa xuân Giáp Ngọ đang về với nhiều sắc thái mới: xuân đất trời, xuân lòng người, xuân thanh bình, xuân độc lập tự do sau gần một thế kỷ nô lệ.

Bác Hồ chúc Xuân Giáp Thìn: “Rồi đây thống nhất thành công / Bắc Nam ta lại vui chung một nhà”

Ngày 1-1-1964, Bác Hồ gửi Thư chúc mừng năm mới đồng bào cả nước. Người kêu gọi miền Bắc hăng hái thi đua yêu nước, ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam anh dũng chiến đấu vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc.

Cuối thư, Người có thơ chúc:

“Bắc Nam như cội với cành,

Anh em ruột thịt đấu tranh một lòng.

Rồi đây thống nhất thành công,

Bắc Nam ta lại vui chung một nhà.

Mấy lời thân ái nôm na,

Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”.

Cùng ngày, Bác thăm tỉnh Thái Nguyên và Khu gang thép Thái nguyên. Người thăm nơi ăn ở của cán bộ, công nhân Việt Nam và các chuyên gia Trung Quốc; thăm công nhân đang ra gang và tặng huy hiệu cho một số công nhân có nhiều thành tích trong sản xuất.

Bác Hồ chúc tết cán bộ, chiến sĩ Đại đội 130 thuộc Trung đoàn Phòng không 260 bảo vệ Thủ đô sáng mồng 1 Tết Giáp Thìn (1964). Ảnh Tư liệu.

Nói chuyện với hơn 4,5 vạn đại biểu cán bộ, đồng bào các dân tộc trong tỉnh, công nhân và chuyên gia Trung Quốc đang công tác tại Khu gang thép, Người khen ngợi thành tích về sản xuất nông nghiệp, trồng cây gây rừng, xây dựng kinh tế miền núi, phong trào hợp tác hóa, về văn hóa giáo dục, an ninh quốc phòng; đồng thời nêu một số mặt yếu kém cần khắc phục.

Đêm giao thừa, Người thăm và chúc tết cán bộ, công nhân tại khu tập thể các nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá; khu tập thể cán bộ miền Nam tập kết ở phố Phan Đình Phùng; một số gia đình ở Hà Nội: công nhân nhà máy nước Phan Huy Nhật, Trưởng ban bảo vệ khu phố Nguyễn Văn Tá, Tổng thư ký Đảng Xã hội Nguyễn Xiển, giáo sư bác sĩ Trần Hữu Tước, Việt kiều Phan Văn Chúc.

Sau đó, Người thăm Tòa soạn báo Tân Việt Hoa; thăm và chúc tết các chuyên gia Trung Quốc đang họp mặt mừng xuân.

Sáng mồng một Tết Giáp Thìn, Bác Hồ thăm và chúc tết Huyện ủy và Ủy ban huyện Đông Anh, Hà Nội; thăm và chúc tết cán bộ, công nhân trạm biến thế điện và hợp tác xã nông nghiệp Lỗ Khê, xã Liên Hà, huyện Đông Anh - một hợp tác xã có nhiều thành tích trong phong trào sản xuất và tiết kiệm. Người khen câu khẩu hiệu bằng thơ kẻ trên đình làng:

“Đón Xuân mở hội làm giàu,

Mừng Xuân cần kiệm lúa màu tốt tươi”.

Cùng buổi sáng, Người thăm và chúc tết cán bộ chiến sĩ Đại đội 130 thuộc Trung đoàn Phòng không 260 bảo vệ Thủ đô; thăm và chúc tết cán bộ, chiến sĩ Sở Công an Hà Nội.

Chiều, Bác Hồ cùng một số đồng chí lãnh đạo Đảng dự lễ đón Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn dẫn đầu sang thăm Liên Xô, về tới Hà Nội.

***

Xuân Giáp Thìn 2024 đang về. Mùa xuân đánh dấu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Mùa xuân tròn 20 năm thành lập thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang. Nhớ thuở ban đầu lập tỉnh, Hậu Giang “vốn liếng” chẳng có bao nhiêu, khó khăn trăm bề, giờ thì phát triển vượt bậc, thật hãnh diện và tự hào.

Hai mươi năm! TP.Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang mỗi nơi một vẻ, một chặng đường thành tựu với ý nghĩa riêng. Nhưng nơi nào sức sống mùa xuân cũng đang hòa với cảnh sắc đô thị hóa, ánh sáng văn minh, hiện đại hóa và truyền thống yêu nước, cách mạng, cuộc sống yên bình, hạnh phúc của người dân, tạo nên vẻ đẹp tươi xanh, trầm hùng, rạng rỡ, tràn đầy niềm tin trên vùng đất miệt vườn sông nước thân yêu!

---------------------------  

Sách tham khảo và trích sao;

1. T.S Trần Viết Hoàn: Thơ chúc tết của Bác Hồ, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005

2. Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 5, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, trang 403, 416, 447

3. Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 9, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, trang 1-3, 23-24

4. Hoàng Tranh: Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh, Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 60-61

TRẦN THƯ TRUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>