Vị Thanh: Hình thành và phát triển

Đường thủy và phương tiện giao thông thủy buổi đầu

22/03/2024 | 08:31 GMT+7

Hỏa Lựu - Vị Thanh từ xưa, thuộc vùng địa lý sông nước. Sông Cái Lớn và các rạch nhánh Cái Tư, Thầy Quang, Hốc Hỏa, Cái Nhúc, Tràm Cửa... gắn liền với bao lớp cư dân khẩn hoang, lập nghiệp. Buổi đầu, đã sáng tạo nhiều cách thức, phương tiện đi lại, hình thành nét “văn minh ghe, xuồng”.

Giai đoạn đầu khẩn hoang, các loại ghe là phương tiện di chuyển chính tại vùng Vị Thanh - Hỏa Lựu.

Thời Minh Mạng (1835), làng Hỏa Lựu ra đời, bên rừng U Minh trên địa bàn vùng sông nước. Có lẽ, con sông Cái Lớn chính là đường thủy tự nhiên, dài và rộng lớn đưa người khẩn hoang về Hỏa Lựu sinh cơ, lập nghiệp.

Tất nhiên, đi trên sông Cái thì phải bằng chiếc thuyền khá lớn, có thể là kiểu “ghe bầu”, mà lớp cư dân có nguồn gốc từ đất Ngũ Quảng mang vào. Bởi trước khi định cư, bao giờ chiếc ghe cũng là mái nhà lưu động. Trước thời gian này, các trận thủy chiến giữa quân Tây Sơn - Nguyễn Ánh với các chiếc thuyền đã quá quen với quân lính, cư dân vùng Hà Tiên - Kiên Giang - Trấn Giang (Cần Thơ). Người ta quen dần với các kiểu thương thuyền cập cảng Rạch Giá, thu hút nhiều cư dân vùng sông Cái Lớn mang thổ sản ra trao đổi mua bán. 

Mặt khác, từ đường thủy - sông Cái Lớn, người khẩn hoang mở rộng giao thương tới đất Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ. Đồng thời, cũng tiếp nhận thêm các luồng di dân hay giới thương hồ, nên mạng lưới đường thủy càng nối liền, quen thuộc. Từ phía Cần Thơ - Phong Điền qua đây không có sông rạch, nhưng đồng hoang ngập nước quanh năm, cũng là con đường thủy “trời cho”.

Người khẩn hoang định cư và mở đất ở Gò Quao, Long Mỹ, Giồng Riềng, Hỏa Lựu... nhưng để tiện đi sâu vào các con rạch nhánh, hay vô tận các đồng nước, ắt phải nghiên cứu chế biến ra một loại “ghe nhỏ, nhẹ” dễ di chuyển. Phải chăng, do đó mới ra đời các loại “ghe tam bản”, “xuồng ba lá”? Đời sống ổn định, giao thương mở rộng, đáp ứng nhu cầu nên phương tiện di chuyển phải được cải tiến, chở nặng hơn và đi xa hơn, dài ngày hơn.

Vậy là, loại ghe chài, ghe cà vom, ghe cui lần lượt có mặt trên sông, rạch, kinh, nhất là giai đoạn kinh xáng Xà No và các kinh nhánh được đào mở. Chưa biết căn nguyên nơi ra đời chính xác của các loại ghe, xuồng này, nhưng khi mạng lưới đường thủy mở rộng, thì phương tiện giao thông thủy cũng đa dạng. Trên sông - rạch - kinh vùng Hỏa Lựu - Vị Thanh xưa, đã có nhiều loại phương tiện giao thông thủy mang công năng “kinh tế, văn hóa” chuyên dùng quen thuộc, thông thường.

Cụ thể như ghe tam bản, xuồng ba lá (hay năm lá): Xuồng nhỏ hơn ghe, gọi 3 hay 5 lá do đóng ghép từ 3 hay 5 miếng ván lại. Xuồng có gắn cặp chèo, gọi xuồng chèo, không thì gọi xuồng bơi bằng cây dầm. Xuồng là loại phương tiện gọn, nhẹ dễ di chuyển trong mương, đường nước nhỏ hay đồng ruộng.

Ghe bầu: Ghe khá lớn, người đi khẩn hoang có khi cùng gia đình từ đất Ngũ Quảng, dùng để vượt biển để vào Nam lập nghiệp. Tới đất phương Nam, lâu dần không còn thích nghi với hoàn cảnh sinh sống sở tại, nên được cải tiến thành nhiều loại ghe khác.

Ghe chài: Loại ghe lớn dùng để chở lúa hoặc các loại nông thổ sản. Đây là loại phương tiện thông dụng nhất trong giao thông - vận tải, khi kinh tế phát triển; trọng tải có khi hàng ngàn giạ lúa (vài trăm tấn). Thời trước, ghe di chuyển bằng mái chèo tay, ghe loại vừa thì 4-8 người, ghe lớn phải đến 20 tay chèo thiện nghệ. Từ Vị Thanh chở lúa đi Sài Gòn - Chợ Lớn theo kinh Xà No ra sông Cần Thơ, vượt sông Hậu, sông Tiền,... phải mất 3-4 ngày.

Ghe hàng: Loại ghe vừa, chuyên chở hàng (tạp hóa) chèo bán sâu trong kinh, rạch nhỏ. Thường chỉ có 2 vợ chồng, con cái, cùng chèo chống, bán hàng. Đây là loại ghe buôn bán phổ biến ở vùng Vị Thanh - Hỏa Lựu xưa, nay vẫn còn hoạt động lẻ tẻ ở vùng ven.

Ghe hầu: Loại ghe sang trọng, dùng để du ngoạn. Ngày xưa, chỉ có giới quyền thế, địa chủ mới có khả năng đóng. Gọi ghe hầu vì thường có gia nhân, hay lính theo hầu.

Ghe cui: Loại ghe đóng từ gỗ (cây) cui. Cư dân Long Mỹ, Vị Thanh thời khẩn hoang thường đốn cây cui, móc ruột ra hình thành chiếc ghe cui, như kiểu thuyền độc mộc. Ngoài ra, còn nhiều kiểu loại xuồng, ghe khác...

Buổi đầu, cư dân ở đây phải ra chợ Rạch Giá, Gò Quao để đặt đóng ghe, xuồng. Khi kinh Xà No đào mở, nhu cầu gia tăng nên một số người khá giả đầu tư mở trại đóng ghe tại khu vực Vàm Xáng - Hỏa Lựu, chợ Cái Nhum. Muốn đặt đóng ghe tốt, thì ngược lên Phong Điền, Cái Răng.

Nông nghiệp Hỏa Lựu, Vị Thanh phát triển, nhu cầu phương tiện di chuyển càng đa dạng, tiện ích nên đã ra đời thêm các kiểu loại chẹt (hay trẹt): Loại ghe cải tiến, thường vuông vức; mũi lái bằng. Loại chẹt rất đa dạng, trọng tải vài ba tấn, thường dùng để chuyên chở vật nặng như máy cày, máy suốt lúa, máy ép đường và chở lúa. Vào lúc chiến tranh ác liệt, trên sông có lúc chẹt dùng để chở vũ khí nặng như đại bác, đạn dược, hay chở bộ đội qua sông.

Vỏ lãi: Kiểu xuồng máy phổ biến ở Hỏa Lựu - Vị Thanh, khi loại máy nổ (koler) được cải tiến thành máy đuôi tôm. Vỏ lãi thân dài, thường sơn màu xanh, mũi lái khác hẳn kiểu ghe xuồng. Thời chống Mỹ, vỏ lãi rất phổ biến không chỉ tại vùng địch kiểm soát, mà sâu trong vùng giải phóng.

Giai đoạn cơ giới hóa nông nghiệp, cũng là lúc phương tiện giao thông thủy được cơ khí hóa, để đẩy nhanh tốc độ di chuyển ghe (xuồng) chạy bằng máy, gọi là ghe (xuồng) máy.

Thế rồi từ “văn minh ghe, xuồng”, tiến lên “văn minh tàu, bè”. Bến chợ Vàm Xáng - Hỏa Lựu, Cái Nhum (sau là chợ Vị Thanh) đều có bến tàu đò. Tuyến đường dài, có đò đi Vĩnh Thuận, Rạch Giá, Hồng Dân, Cần Thơ; hay vô sâu kinh rạch các xóm, ấp lân cận. Đò qua lại hai bờ, gọi là đò ngang, thường chèo tay. Cao điểm có lúc, đoạn kinh Xà No khu vực Hỏa Lựu - Vị Thanh có hàng chục bến đò ngang. Buổi sáng chợ nhóm, giao thông thường bị ách tắc.

Qua nhiều thời kỳ, suốt hàng trăm năm đường thủy vẫn là mạng lưới giao thông chủ lực, phổ biến gắn liền với kinh tế đời sống vùng Vị Thanh - Hỏa Lựu.

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>