“Hậu Giang tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới”

25/05/2022 | 19:35 GMT+7

Hôm nay (26-5), Ban Chỉ đạo 35 tỉnh long trọng tổ chức Hội thảo khoa học: “Hậu Giang tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới”. Đây là hoạt động chính trị quan trọng nhằm bàn thảo để cùng nhau thống nhất, nhận thức sâu sắc hơn về 2 nhiệm vụ “bảo vệ” và “đấu tranh” mà Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị đặt ra, từ đó đề ra những giải pháp hiệu quả, phù hợp với thực tiễn của địa phương trong thực hiện Nghị quyết 35 thời gian tới. Dành cho Báo Hậu Giang cuộc phỏng vấn, ông Trần Văn Huyến (ảnh), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 35 tỉnh, nhấn mạnh:

- Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị khẳng định: “Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân”.

Hơn 3 năm qua, tỉnh Hậu Giang đã lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương và từng cán bộ, đảng viên quán triệt, nâng cao nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng về vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới để xây dựng đời sống chính trị, xã hội lành mạnh, góp phần tạo động lực phát triển tỉnh nhà. Việc tổ chức Hội thảo khoa học với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu có uy tín, trình độ, kinh nghiệm trong hoạt động “bảo vệ” và “đấu tranh” có ý nghĩa hết sức quan trọng trong tiếp tục lãnh đạo thực hiện Nghị quyết 35 trên địa bàn tỉnh.

Các chuyên gia, nhà khoa học có trình độ, kinh nghiệm tham dự Hội thảo theo ông sẽ cho Hậu Giang những điều quý giá gì ?

- Bằng sự cầu thị trong quá trình đọc, nghiên cứu tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học thì rõ ràng ngay Hội thảo và sau Hội thảo này, Hậu Giang sẽ có những nhận thức sâu sắc hơn trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch từ trước đến nay cũng như thời gian tới; cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong tỉnh sẽ hiểu, thực hiện đầy đủ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thành viên Ban Chỉ đạo 35 của tỉnh cũng sẽ biết cách phát huy vai trò của mình; học hỏi được nhiều vấn đề về nhận diện, kinh nghiệm trong “bảo vệ” và “đấu tranh” mà diễn giả chia sẻ, có cả những kiến nghị để chúng ta thực hiện thời gian tới. Và còn nhiều tham luận nữa của tỉnh, thành bạn mang đến kiến thức vô cùng bổ ích để có thể đúc kết, học tập, trang bị đầy đủ cho mình.

Tỉnh nhà cũng có nhiều tham luận tại Hội thảo này, thưa ông ?

- Tôi cũng đánh giá cao những bài viết tâm huyết của các đồng chí đại diện sở, ban, ngành và cấp ủy địa phương bởi đây là lĩnh vực tuy được Đảng thực hiện từ lâu nhưng mới, khó với nhiều cán bộ, đảng viên. Nhiều bài viết đã cho thấy cán bộ tỉnh nhà có nhận thức đúng đắn, kịp thời; chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong công tác “bảo vệ” và “đấu tranh” được Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị đặt ra.

Do điều kiện thời gian nên một số tham luận chưa được trình bày trực tiếp tại Hội thảo nhưng sẽ là vốn quý cho Hậu Giang hệ thống lại thành sách phục vụ cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thời gian tới.

Như ông vừa nói là đã nghiên cứu các tham luận gửi trước khi Hội thảo, vậy nội dung nào chiếm dung lượng lớn ?

- Tôi nhận thấy rằng nội dung “bảo vệ” chiếm dung lượng lớn hơn “đấu tranh”. Điều này cũng dễ hiểu bởi đa số diễn giả đã và đang làm rất tốt nhiệm vụ tuyên truyền theo hướng hoa thơm lấn dần cỏ dại, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, nay phát huy tinh thần ấy mà hình thành những bài viết mang nội dung “bảo vệ” hơn là đấu tranh trực diện.

Cũng rất tốt thôi nếu sau Hội thảo này, chúng ta phát huy cao độ hiệu quả của công tác tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, nhằm đấu tranh có hiệu quả hành vi bóp méo, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nâng hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng của Đảng.

Tôi cũng đánh giá cao các bài tham luận mang nội dung “đấu tranh”, tuy ít nhưng nổi bật, không kém phần quan trọng. Nội dung của Hội thảo như một chương trình tổng thể phát thanh - truyền hình hàng ngày, một tờ báo ngày của cơ quan báo chí bao gồm đa số là tuyên truyền, vận động, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, trong đó có mục “nói thẳng, trực diện”, và tham luận về “đấu tranh” tại Hội thảo hôm nay cũng vậy, cần có và nổi bật.

Thưa ông, sau hoạt động này, Hậu Giang sẽ có những chỉ đạo gì để Hội thảo thực sự là một sự kiện chính trị có sức lan tỏa để Đảng bộ chung tay bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ?

- Trước Hội thảo là sự chủ động chuẩn bị công phu, trong Hội thảo là sự chuẩn bị và phục vụ chu đáo; sau Hội thảo cũng còn nhiều việc phải làm. Đó là phải nhanh chóng tuyên truyền sâu rộng trên Báo Hậu Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hậu Giang, hệ thống truyền thanh, các hội nghị báo cáo viên và trong sinh hoạt các chi bộ, đảng bộ về kết quả đạt được của Hội thảo, thông qua đó tiếp tục khẳng định sự cần thiết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Thường trực Ban Chỉ đạo 35 tỉnh, Ban tổ chức Hội thảo cần tổ chức rút kinh nghiệm trong quá trình phối hợp tổ chức, phục vụ, nhất là đánh giá đầy đủ các vấn đề về nội dung của Hội thảo nhằm bổ sung, chỉnh sửa, cân nhắc hoàn thiện tài liệu Hội thảo để có thể xuất bản thành sách lưu hành nội bộ. Đây là sản phẩm khoa học cần thiết với rất nhiều thông tin, là hành trang không thể thiếu cho các thành viên Ban Chỉ đạo 35 tỉnh, nên xem đây là sách “gối đầu nằm” nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ “bảo vệ” và “đấu tranh” như đã nói trên.

Chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” trên Báo Hậu Giang online.

Ông có định hướng gì về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới ở tỉnh nhà, thời gian tới ?

- Những định hướng cụ thể trong từng giai đoạn sẽ được các cấp ủy, ban chỉ đạo 35 các cấp trong tỉnh triển khai, tổ chức “bảo vệ” và “đấu tranh” kịp thời.

Mượn lời của một diễn giả ở Hội thảo này, tôi khẳng định: Để dân hiểu, dân tin, dân theo và nền tảng tư tưởng của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của Nhân dân thì điều có ý nghĩa quan trọng không chỉ ở làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục mà còn phải làm cho các giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được hiện thực và lượng hóa thông qua những thành tựu phát triển của địa phương trên các lĩnh vực, bởi thực tiễn luôn là thước đo của chân lý; niềm tin và sự đồng thuận của người dân chỉ được khẳng định và tăng cường khi chất lượng cuộc sống được nâng lên, an ninh, an toàn được bảo đảm. Dân tin, dân theo thì dân sẽ bảo vệ và các thế lực thù địch sẽ khó bề chống phá.

Bên cạnh đó, cần quan tâm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy tốt vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong phục vụ Nhân dân. Một tổng kết có ý nghĩa rất sâu sắc mà Đảng ta đã chỉ ra là: “Đảng có tận tụy vì dân thì dân mới một lòng đi theo Đảng” và “quần chúng nhân dân chỉ quý mến những người có tư cách”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước hết phải từ nội bộ Đảng, thông qua gương sáng, người thật, việc thật trong hàng ngũ của Đảng, có như vậy mới có sức thuyết phục, hấp dẫn và lan tỏa trong Nhân dân.

Tôi cũng kỳ vọng sau Hội thảo sẽ tạo được sức lan tỏa lớn đến cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và Nhân dân để có thêm niềm tin, động lực mới, khát vọng cống hiến nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng Đảng bộ ngày càng vững mạnh…

Xin trân trọng cảm ơn ông !

TRÍ THỨC thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>