Đẩy mạnh công tác tuyên truyền góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng

07/09/2023 | 12:04 GMT+7

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng vị trí, vai trò của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xem đó là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng nhằm bảo vệ đường lối, cương lĩnh của Đảng, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong đó, công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng để nâng cao nhận thức, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều kết quả tích cực trong hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và người lao động.

Văn kiện Đại hội XII, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta”. Từ khi thành lập (3-2-1930) đến nay, cùng với việc xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối chính trị, Đảng ta luôn kiên quyết đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, coi đó là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cách mạng nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đã góp phần nâng cao cảnh giác cách mạng, bồi dưỡng nhận thức đúng đắn cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong điều kiện mới hiện nay nhiệm vụ trọng yếu, quyết định đến sự tồn vong của Đảng, của Nhà nước và của chế độ.

Để kịp thời lãnh đạo công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và phản bác có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực phản động trong tình hình mới hiện nay, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết xác định: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng là bảo vệ Đảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới hiện nay là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên.

Đối với Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Hậu Giang, luôn xác định công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động về đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao. Trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác tuyên truyền tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng các tin, bài được nâng lên. Ban Chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và Trang tin điện tử VKSND tỉnh Hậu Giang đã nhận 96 tin, duyệt đăng tải 78 tin trên Trang tin điện tử VKSND tỉnh, đạt tỷ lệ 81,25%; gửi Trang tin điện tử VKSND tối cao đăng 32 tin, Báo Bảo vệ Pháp luật đăng 29 tin; phối hợp với Báo Hậu Giang đưa gần 100 tin, bài liên quan đến hoạt động của ngành. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo đã thực hiện tốt việc phát động Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VIII năm 2023; Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Cuộc thi viết văn chính luận “Tìm hiểu Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023)”; Cuộc thi chính luận về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ I năm 2023 tại tỉnh Hậu Giang. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt việc đọc báo hàng ngày, “Ngày pháp luật” định kỳ hàng tháng để thông tin đến công chức và người lao động những đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của công chức và người lao động trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh những kết quả nổi bật, công tác tuyên truyền vẫn còn những vẫn đề đặt ra: Chất lượng một số tin, bài chưa cao; Trang thông tin điện tử của đơn vị chủ yếu đăng tải các tin phản ánh kết quả công tác kiểm sát và các hoạt động khác của các đơn vị; chưa có nhiều bài viết về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, một số đơn vị còn tập trung cho công tác chuyên môn nghiệp vụ nên chưa tích cực tham gia công tác tuyên truyền; chế độ, chính sách, kinh phí cho công tác tuyên truyền còn hạn chế

Xuất phát từ cả những kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cần chú trọng đến các nhóm giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và Ban Chỉ đạo về vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền. Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 08/6/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền của ngành kiểm sát nhân dân; quy định về việc phối hợp, cung cấp thông tin, tuyên truyền giữa các cơ quan, đơn vị thuộc VKSND ban hành kèm theo Quyết định 596/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao. Tiếp tục xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng, đề ra chỉ tiêu và các biện pháp thực hiện có hiệu quả, coi kết quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục là một trong những chỉ tiêu đánh giá thi đua khen thưởng của tập thể và cá nhân các đơn vị. Đổi mới, cập nhật nội dung tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch gắn với những biến đổi nhanh chóng của thực tiễn. Chú trọng đấu tranh phản bác các quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch gắn với bảo vệ những quan điểm, chủ trương, chính sách, sự kiện, sự việc cụ thể và định hướng dư luận xã hội theo đúng phương châm lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.

Thứ hai, đa dạng các hình thức tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo hướng thiết thực, hiệu quả. Động viên, khuyến khích công chức, người lao động viết tin, bài về hoạt động của ngành, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, cá nhân, tập thể điển hình trong việc thực hiện nhiệm vụ, các phong trào thi đua, các bài nghiên cứu, trao đổi pháp luật dưới hình thức bài viết. Đồng thời, đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, bài viết về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Thứ ba, tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, xây dựng, phát triển và tăng cường phối hợp các lực lượng trong tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, đẩy mạnh chuyển đổi số để hiện đại hóa các cơ quan, phương tiện truyền thông, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội. Ngoài lực lượng cán bộ chuyên trách ở ban tuyên giáo các cấp, cần xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia, lực lượng xung kích để tạo thành mạng lưới tuyên truyền rộng khắp. Bên cạnh đó, các cơ quan tuyên truyền cần có sự phối hợp chặt chẽ để kết nối, lan tỏa những nội dung liên quan đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

TRƯƠNG THANH TÌNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>