Cách vận động tham gia bảo hiểm ở xã Vĩnh Tường

12/07/2021 | 09:30 GMT+7

Là địa phương có nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào nông nghiệp nhưng xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, vẫn cố gắng thực hiện nhiều giải pháp vận động nhằm mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội trong toàn dân.

Nhờ sự vận động, tuyên truyền của cán bộ, đảng viên xã mà người dân Vĩnh Tường hiểu rõ được ý nghĩa tự nguyện tham gia các loại bảo hiểm.

Do điều kiện kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác vận động vẫn còn nhiều khó khăn… Như năm qua, xã chỉ vận động được 28/35 đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện được giao. Một phần lao động vì mất việc nên không đủ điều kiện kinh tế nên việc đóng tiền bảo hiểm xã hội phải tạm dừng hoặc dừng hẳn.

Nhận thấy được những khó khăn trước mắt, Đảng ủy, UBND xã Vĩnh Tường đã ban hành công văn, họp phân công nhiệm vụ cho 17 chi bộ trực thuộc và chi bộ ấp. Sau đó, thành lập 2 đoàn vận động, mỗi đoàn hơn 10 thành viên gồm các cán bộ, đảng viên và các hội, đoàn thể. Mỗi đoàn phụ trách vận động 5 ấp, đến từng ngõ, gõ từng nhà để đảm bảo hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tường, thông tin: Năm nay, xã Vĩnh Tường được giao chỉ tiêu vận động bảo hiểm xã hội là 102 trường hợp, tăng gấp 3 lần so với năm trước. Rút kinh nghiệm năm qua, thực hiện theo phân công nhiệm vụ của Đảng ủy, UBND xã, mỗi chi bộ được nhận danh sách từ 10-12 trường hợp vận động. Ngoài ra, cán bộ ngành của xã nhận 4-5 trường hợp. Có như vậy thì sẽ đảm bảo năm nay xã hoàn thành vượt chỉ tiêu bảo hiểm xã hội được giao.

Bằng cách làm và sự vào cuộc quyết liệt của từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên địa phương, đến nay xã Vĩnh Tường đã ra quân đi tuyên truyền, vận động được gần 35% số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đặc biệt, qua vận động, hộ nghèo cũng tự nguyện tham gia bảo hiểm xã hội. Đó là trường hợp của anh Lê Văn Chuyển, làm nghề xe ôm, thợ hồ. Anh Chuyển chia sẻ: “Tôi không có đất sản xuất, lại cảnh “gà trống nuôi con” nên cũng khó khăn trăm bề. Vì thuộc diện hộ nghèo nên đã được Nhà nước cấp cho cha con tôi bảo hiểm y tế. Còn về bảo hiểm xã hội tự nguyện thì mỗi tháng chỉ tham gia đóng khoảng 108.000 đồng. Số tiền này không nhiều nên tôi tham gia xem như dành dụm để dành khi hậu sự hay có việc cần sẽ có số tiền mà xoay sở”.

Để vận động được trường hợp khó khăn này, cán bộ vận động phải bỏ ra nhiều tâm huyết, thuyết phục nhiều để người dân đồng ý tham gia một cách tự nguyện. Cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã Vĩnh Tường Đặng Thị Kim Sơn chia sẻ cách làm: “Tôi đã hiểu rõ từng hoàn cảnh người dân. Tuy trường hợp anh Chuyển khó khăn nhưng vẫn tham gia vì tôi đã thuyết phục để anh nhận thấy lợi ích, ý nghĩa khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tham gia không chỉ giúp anh có lộ trình làm việc lâu dài, có chí phấn đấu mà còn giúp địa phương, tỉnh nhà góp tiền giúp ích cho xã hội”. Cũng chính vì cách vận động thuyết phục này mà chị Kim Sơn còn là cán bộ xuất sắc nhất của xã khi vận động được 8 trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, vượt 3 chỉ tiêu so với nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, cán bộ ngành của xã Vĩnh Tường còn thể hiện sự tích cực trong nhiệm vụ được giao bằng cách vận động cả người thân cùng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của địa phương. Cán bộ văn hóa - xã hội xã Vĩnh Tường Trần Hoàng Vũ bày tỏ: “Khi làm nhiệm vụ, tôi thấy bảo hiểm xã hội tự nguyện mang lại lợi ích nhiều cho người tham gia, đó sẽ là cơ hội để người lao động có thể hưởng được lương hưu. Vả lại trong điều kiện dịch bệnh, tìm kiếm việc làm khó khăn như hiện nay thì người lao động cũng khó để được sớm tham gia bảo hiểm xã hội, lộ trình nhận lương hưu khi về già cũng bị ngắn lại do không đủ năm. Vì vậy, tôi đã vận động 2 con tôi, 1 đang học đại học và 1 đang làm trong công ty nhưng chưa được ký hợp đồng cùng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tại xã. Có như vậy thì các con tôi sẽ có đủ điều kiện để sau này có thể nhận được số tiền hưu như lộ trình Nhà nước đề ra”.

Song song với vận động bảo hiểm xã hội tự nguyện, các cán bộ ngành của xã cũng thực hiện song hành chỉ tiêu bảo hiểm y tế của người dân. Chính vì sự sâu sát này mà người dân cũng gắn bó với địa phương, sẵn sàng tham gia bảo hiểm y tế nhiều năm liền. Bà Nguyễn Thị Hoa, ở ấp Vĩnh Hiếu, cho biết: “Tôi năm nào cũng mua bảo hiểm y tế cho mình và con gái. Dù chúng tôi có thu nhập bấp bênh bằng nghề bán bánh dạo nhưng cũng ráng dành dụm tiền để mua bảo hiểm. Chúng tôi mua để phòng thân những lúc ốm đau, nhất là khi dịch bệnh phức tạp và giá dịch vụ y tế ngày càng tăng như hiện nay”.

Còn ông Trần Thanh Tùng, ở cùng ấp Vĩnh Hiếu cũng sẵn sàng tham gia bảo hiểm y tế cho cả nhà 4 người. Mặc dù, hàng năm số lần đi khám bệnh ở cơ sở y tế chưa đến 1 lần, nhưng ông vẫn bỏ ra gần 2 triệu đồng để mua bảo hiểm cho cả nhà. Bởi theo ông, số tiền chia ra cho mỗi người là không nhiều, dù không khám nhưng sẽ giúp ích khi phải vào viện vì bệnh.

Có lẽ chính vì cách làm quyết liệt, vận động tốt mà đa phần người dân ở xã Vĩnh Tường đã hiểu và tham gia, giúp địa phương hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu bảo hiểm y tế của năm là trên 91,54%/tổng số nhân khẩu là 10.886. Hy vọng, với cách làm bài bản, quyết liệt, đến cuối năm xã Vĩnh Tường sẽ đạt và vượt chỉ tiêu bảo hiểm xã hội tự nguyện mà các cấp, các ngành đã giao. 

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>