Vai trò người dân trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm

28/06/2022 | 08:24 GMT+7

Các chiến dịch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm được tỉnh tổ chức rộng khắp không chỉ nâng cao nhận thức của người dân mà còn phòng, chống dịch chủ động thông qua cải thiện môi trường sống.

Kiểm tra lăng quăng trong dụng cụ chứa nước nhà hộ dân ở ấp Nhơn Thuận 1A, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A.

Đưa kiến thức đếntận nhà dân

Chiến dịch hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống bệnh sốt xuất huyết lần thứ 12, Ngày vệ sinh yêu nước, vệ sinh môi trường phòng, chống bệnh do vi-rút zika và bệnh tay - chân - miệng năm 2022 vừa kết thúc đã tạo ra một phong trào truyền thông rộng khắp và có chiều sâu.

Truyền thông là một nhiệm vụ trọng tâm trong chiến dịch. Không chỉ truyền thông chiều rộng trên hệ thống báo, đài, các loa phát thanh, băng rôn, tờ rơi, ở 100% ấp, khu vực của tỉnh đã lập các nhóm đi vãng gia tuyên truyền đến từng nhà dân. Ông Nguyễn Minh Luân, Trưởng ấp 6, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Ở ấp chia 3 nhóm tuyên truyền ở 3 cụm dân cư, tập trung truyền thông về tình hình dịch bệnh, kêu gọi người dân thực hiện diệt lăng  quăng, diệt muỗi, phòng tránh muỗi đốt, rửa tay bằng xà phòng đúng cách và thường xuyên vệ sinh xung quanh nhà...”.

Tương tự, tại ấp Nhơn Thuận 1A, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, hoạt động vãng gia tuyên truyền được quan tâm thực hiện. Ông Trương Văn Toàn, ở ấp Nhơn Thuận 1A, cho biết: “Cán bộ y tế và chính quyền ở ấp đã đến nhà hướng dẫn tôi cách phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay - chân - miệng. Nhà có người già, trẻ nhỏ nên cũng lo về sức khỏe. Kiệu nước có lăng quăng mọi người yêu cầu đổ để diệt lăng quăng, tôi cũng đồng tình”.

Bên cạnh cung cấp kiến thức, các nhóm vãng gia còn kiểm tra lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước, những vật dụng xung quanh nhà có nguy cơ tồn đọng nước mưa là môi trường để lăng quăng sinh sôi, phát triển thành muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết, nhờ vậy nguy cơ dịch bệnh tạm thời được kéo giảm. Ông Trần Văn Chiến, Trưởng trạm Y tế xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, cho biết: “Qua thực hiện chiến dịch chỉ số Breteau - chỉ số dụng cụ chứa nước có lăng quăng giảm từ 27 đầu chiến dịch xuống còn 7 cuối chiến dịch, kéo giảm nguy cơ bùng phát bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn xã”. Chỉ số Breteau giảm ở hầu hết các xã, phường thị trấn sau khi thực hiện chiến dịch không chỉ riêng xã Phú Hữu. Đây cũng là một trong những chỉ tiêu được đề ra cần đạt được khi thực hiện chiến dịch.

Tuy nhiên, có những khó khăn bộc lộ qua triển khai chiến dịch. Ông Trần Văn Chiến, Trưởng trạm Y tế xã Phú Hữu, cho biết thêm: “Cái khó ở địa bàn là đa số người trong độ tuổi lao động đều đi làm công ty, xí nghiệp nên các nhóm vãng gia chỉ gặp được người già, trẻ nhỏ ảnh hưởng ít nhiều đến hiệu quả truyền thông”. Ngoài ra, kinh phí cấp cho các nhóm đi vãng gia tuyên truyền rất ít, nên đôi khi việc truyền thông chưa đảm bảo đạt 100% hộ dân như kế hoạch đề ra.

Mỗi gia đình cần phải duy trì phòng dịch bệnh

Trở lại ấp Nhơn Thuận 1A sau 3 ngày kết thúc chiến dịch, một số dụng cụ chứa nước của người dân đã có lăng quăng trở lại. Ông Trương Văn Toàn, bày tỏ: “Kiệu này hôm các cán bộ đi kiểm tra đã đổ sạch nước có lăng quăng, tôi mới hứng nước mưa ngày hôm qua, hôm nay đã có lăng quăng trở lại”. Theo ông Toàn, kiệu nước này để sử dụng hàng ngày, có nắp đậy nhưng chưa thật sự kín, ông sẽ đổ bỏ nước để diệt lăng quăng.

Trăn trở về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phương, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Nhơn Thuận 1A, mong muốn: “Mỗi gia đình cần duy trì thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng dịch để duy trì kết quả chiến dịch và bảo vệ sức khỏe gia đình mình, cùng chung tay kéo giảm số mắc bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng ở ấp”.

Đây là một trong những quan ngại về nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết nếu người dân không quan tâm thường xuyên khâu phòng dịch.  Lý giải về sự xuất hiện nhanh chóng trở lại của lăng quăng, ông Trần Văn Chiến, Trưởng trạm Y tế xã Phú Hữu, thông tin: “Sau khi đổ hết nước có lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước, người dân không vệ sinh kỹ dụng cụ chứa nước mà hứng nước mưa trở lại. Trong dụng cụ chứa nước vẫn còn trứng sẽ nở thành lăng quăng. Vì vậy, các gia đình cần vệ sinh sạch sẽ, dùng bàn chải chà xung quanh dụng cụ chứa nước, úp xuống cho khô ráo mới đựng nước trở lại. Đối với các dụng cụ chứa nước thường xuyên sử dụng thì thường xuyên kiểm tra lăng quăng để diệt nếu có. Đối với những dụng cụ có chứa nước chưa sử dụng đến nên đậy kín. Như vậy, dù trong dụng cụ chứa nước có trứng nở thành lăng quăng, phát triển thành muỗi vẫn không ra ngoài được và sẽ chết một thời gian sau đó”.

Sau khi thực hiện chiến dịch đã tạo được phong trào rầm rộ và đồng loạt trên phạm vi cả tỉnh quyết tâm phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Kết thúc chiến dịch, ngành y tế vẫn tiếp tục thực hiện các giải pháp kiểm soát khống chế nguy cơ bùng phát dịch ở các ca nhiễm mới, các ổ dịch mới. Ông Huỳnh Bá Lực, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Chúng tôi tiếp tục thực hiện kịp thời công tác giám sát, phòng dịch lây lan khi xuất hiện ca bệnh mới nhằm khống chế không để dịch bùng phát trên địa bàn”.

Bên cạnh đó, mỗi gia đình cần tiếp tục duy trì các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng để kéo giảm thấp nhất số trường hợp mắc bệnh, giảm tử vong do hai dịch bệnh này trong thời gian tới.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>