Phát hiện, điều trị sớm để đẩy lùi bệnh lao

01/02/2024 | 09:32 GMT+7

Những năm qua, ngành y tế tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường phát hiện bệnh lao chủ động tại cộng đồng, nhằm mục đích phát hiện sớm bệnh lao, điều trị hiệu quả nhất.

Việc khám phát hiện, điều trị bệnh lao sớm sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị, giảm lây nhiễm trong cộng đồng.

Vượt chỉ tiêu phát hiện bệnh nhân lao nhờ tầm soát chủ động

Năm 2023 là năm ngành y tế tỉnh quyết tâm tăng cường các chiến dịch khám, phát hiện bệnh lao chủ động ở cộng đồng trên phạm vi cả tỉnh. Các chiến dịch tầm soát được thực hiện đạt kết quả tốt nhờ đảm bảo các điều kiện khám, tầm soát sớm bệnh.

 Ông Nguyễn Thanh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh, cho biết: “Những tháng cuối năm 2023, Bệnh viện Phổi tỉnh đã thành lập đoàn y, bác sĩ tổ chức khám, tầm soát bệnh lao ở cộng đồng tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố. Ngoài các xét nghiệm Xpert, làm phản ứng mantoux, người dân còn được chụp X-quang bằng phương tiện xe X-quang di động đến các điểm khám tận y tế xã để phát hiện sớm bệnh nhân lao. Kết quả, qua khám, tầm soát cho 14.600 người dân, phát hiện 203 người mắc lao có bằng chứng vi khuẩn học phát hiện và trên 500 trường hợp lao tiềm ẩn”.

Phát hiện được nhiều bệnh nhân lao trong cộng đồng và hỗ trợ tiếp cận điều trị đồng nghĩa với giảm nguồn lây bệnh cho người khác. Vì vậy, sau phát hiện chủ động các địa phương hiện đang tích cực vận động, tạo điều kiện để bệnh nhân tiếp nhận điều trị sớm. Ông Nguyễn Vũ Quang, viên chức Khoa Kiểm soát dịch bệnh - phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, thông tin: “Qua tầm soát bệnh lao chủ động, địa bàn huyện phát hiện trên 40 trường hợp mắc bệnh. Chúng tôi đã tích cực hỗ trợ bệnh nhân tiếp cận điều trị và đang điều trị cho hầu hết bệnh nhân. Còn một số bệnh nhân đi làm ăn xa chưa tiếp cận điều trị, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động điều trị. Song song với điều trị, các cơ sở y tế còn tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn để bệnh nhân, gia đình bệnh nhân hiểu về bệnh lao, hướng dẫn các biện pháp phòng lây nhiễm cho người xung quanh. Tích cực, ngăn chặn nguồn lây bằng cách tầm soát lao cho tất cả thành viên gia đình bệnh nhân. Tuyên truyền lợi ích khi phát hiện bệnh lao sớm”.

Huyện Châu Thành A là địa bàn ghi nhận số bệnh nhân lao nhiều nhất qua khám, tầm soát ở cộng đồng năm qua.

Ngoài thực hiện tăng cường khám, phát hiện bệnh lao chủ động ở cộng đồng, năm 2023, ngành y tế tỉnh cũng duy trì khám, phát hiện bệnh lao tại các cơ sở y tế. Nhờ vậy, thực hiện vượt chỉ tiêu đề ra với 1.341 bệnh nhân lao được phát hiện, đạt trên 105%.

Đây là mấu chốt quan trọng giảm nguồn lây bệnh lao, từng bước giảm số người mắc bệnh lao hàng năm, hướng tới mục tiêu hành động để hướng đến thanh toán bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030.

Tăng cường khám, tầm soát lao chủ động từ đầu năm

Ông Nguyễn Thanh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh, cho biết thêm: “Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch, dự kiến trong quý I này sẽ tổ chức các chiến dịch khám, tầm soát bệnh lao tại 3 huyện. Qua các chiến dịch khám năm 2023, chúng tôi nhận định nguồn lây bệnh lao vẫn còn trong cộng đồng. Qua đợt tầm soát năm 2023 số lượng người được tầm soát còn có hạn. Với điều kiện hiện nay, chúng tôi có đủ phương tiện, vật tư y tế, thuốc,… để khám, tầm soát bệnh sớm và điều trị hiệu quả bệnh lao. Hầu hết các trường hợp mắc lao được phát hiện sớm đều được chữa khỏi với phác đồ điều trị 6 tháng và lao tiềm ẩn được điều trị 3 tháng. Đối với bệnh nhân lao kháng thuốc thời gian điều trị có thể lâu hơn. Các trường hợp điều trị không khỏi và tử vong do bệnh lao một phần do phát hiện bệnh muộn, bệnh nhân cao tuổi, có các bệnh khác đi kèm”.

Bệnh lao dù là căn bệnh lây nhiễm nhưng không đáng sợ, với tiến bộ của y học ngày hôm nay không còn là “bệnh nan y”. Mỗi người khi có triệu chứng mắc bệnh lao nên chủ động đi khám để được phát hiện, điều trị sớm, đạt hiệu quả tốt nhất, không để lại di chứng. Tại các cơ sở y tế của tỉnh đều có đầy đủ điều kiện khám, phát hiện bệnh lao.

Song song với phát hiện sớm đưa vào điều trị để khống chế bệnh lao trong cộng đồng, hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh lao cho người dân, trong đó có công tác điều trị, các biện pháp phòng bệnh cần được tăng cường hơn nhằm huy động sự chung tay của toàn thể người dân đầy lùi dần bệnh lao.

 Bà Nguyễn Thị Bé Ba, Trưởng trạm Y tế thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Sau một thời gian điều trị nhất định bệnh nhân lao sẽ không còn lây truyền bệnh cho người tiếp xúc như trước. Vì vậy, bệnh nhân nên tiếp nhận và tuân thủ điều trị khi phát hiện mình mắc bệnh lao. Hiện nay, bên cạnh điều trị cho bệnh nhân lao, chúng tôi tập trung tuyên truyền tạo sự chuyển biến nhận thức của hộ gia đình, cả cộng đồng về bệnh lao, phòng lây bệnh hiệu quả và giảm kỳ thị đối với bệnh nhân lao”.

Nguyên nhân người bị bệnh lao thường giấu bệnh một phần là do sự kỳ thị của người xung quanh vẫn còn dù có giảm. Nhiều người chưa hiểu còn che giấu việc tiếp xúc với bệnh nhân lao gây khó khăn khâu tầm soát sớm đối với người có nguy cơ cao mắc bệnh. Thực tế, để hoạt động điều trị bệnh lao đạt kết quả tốt nhất rất cần sự hỗ trợ của gia đình, cộng đồng, nhắc nhở, giúp đỡ người bệnh tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ, thời gian điều trị.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>