Ý chí và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh

31/01/2022 | 04:32 GMT+7

Đại hội X của Đảng năm 2006 lần đầu nêu lên chủ trương dân giàu, nước mạnh. Đến Đại hội XIII lần này đưa ra quan điểm khơi dậy ý chí và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh. Đây là sự tiếp nối của tiến trình cải cách, đổi mới ở Việt Nam hiện nay. Đưa ra vấn đề này sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới tuy có hơi chậm nhưng là việc làm thực tế, đáp ứng được tình cảm và lòng mong đợi của Nhân dân cũng như yêu cầu phát triển hiện nay của đất nước.

Cột cờ Lũng Cú - Hà Giang. Ảnh: TƯ LIỆU.

Nói đến ý chí và khát vọng là nói đến con người, vì nó nằm trong con người, quyết định bởi con người. Ý chí và khát vọng được hiểu như một sự mong muốn, một quyết tâm về một cái gì đó rất lớn lao, cao cả, thiêng liêng, được thôi thúc mãnh liệt, vượt trên tầm mức bình thường của con người. Muốn khơi dậy được ý chí và khát vọng của con người, của cả Dân tộc là chuyện không dễ, phải hết sức trí tuệ, công phu, bền bỉ, tốn nhiều công sức, thời gian, thậm chí đánh đổi cả sự thiệt thòi, hy sinh trong đó. Đây tuy là vấn đề khó nhưng không phải vấn đề mới và cũng không phải không thực hiện được, vì nó đã từng diễn ra trong lịch sử nước nhà và lịch sử các quốc gia trên thế giới.

Lịch sử văn hiến hơn 4.000 năm của Việt Nam thể hiện sinh động ý chí và khát vọng của Dân tộc ta.

Nước Đại Việt thời Lý - Trần - Lê (hậu Lê) nối tiếp nhau tồn tại suốt gần 500 năm. Đây được coi là 3 triều đại phát triển rực rỡ của Dân tộc ta, gọi là văn minh Đại Việt. Việc định đô ở Thăng Long thể hiện tầm nhìn xa trong việc dựng nghiệp vững bền cho Dân tộc. Cho lập Văn miếu - Quốc Tử giám để đào tạo nhân tài, bồi bổ nguyên khí quốc gia. Bài thơ Nam quốc sơn hà Nam đế cư của Lý Thường Kiệt và Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi thời Lê sơ là 2 bản tuyên ngôn độc lập đáng tự hào của nước Đại Việt, sánh ngang hàng với các triều đại Trung Hoa. Đại Việt đã từng phạt Tống bình Chiêm, 3 lần đánh bại quân Nguyên Mông hùng mạnh nhất lúc bấy giờ, khiến cho các nước lân bang, kể cả nước Tàu cũng phải nể phục, e dè.

Kế sách tạo lập sức mạnh nước nhà từ dân chúng được đặc biệt xem trọng. Như “khoan thư sức dân” để làm kế sách sâu rễ bền gốc của vua Lê Anh Tông. Hay như ở Nguyễn Trãi, việc nhân nghĩa cốt ở yên dân; chăm dân sao cho khắp thôn cùng xóm vắng không một tiếng hờn giận oán sầu… Nhà Trần còn biết phát huy sức mạnh tôn giáo để tôn cao đạo đức xã hội làm cơ sở đoàn kết nội bộ, đoàn kết dân tộc. Vua tôi trên dưới một lòng và được lòng dân chúng khiến nhà Trần đủ sức mạnh đánh bại quân Nguyên Mông. Phật giáo trở thành quốc đạo và đã có công tạo nên sức mạnh của quân dân nhà Trần, tiêu biểu là vị vua anh minh Phật hoàng Trần Nhân Tông với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Nhà Nguyên từng bắt nước Đại Việt phải 3 năm cống nạp một lần các nho sĩ, thầy thuốc, thầy bói, thầy tướng số, nghệ nhân giỏi các ngành nghề… Điều đó chứng tỏ tài năng nước ta không thua kém gì đại quốc Nguyên Mông.

Các triều đại phong kiến Việt Nam đã đào tạo trên 1.300 trí thức khoa bảng, trong đó có hơn 80 trên tiến sĩ (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) và gần 1.220 tiến sĩ. Mạc Đĩnh Chi được vua nhà Nguyên phong tặng danh hiệu Lưỡng quốc Trạng nguyên vì tài văn chương của ông. Với quan niệm hiền tài là nguyên khí quốc gia và tư tưởng “Vua sáng - tôi hiền”, nước ta đã sản sinh ra nhiều vị vua anh minh và rất nhiều tài năng xuất sắc có công đưa đất nước phát triển rực rỡ. Thời Lý có các vua Lý Thái Tổ, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, danh tướng Lý Thường Kiệt. Thời Trần có vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, danh tướng Trần Quốc Tuấn, danh nhân Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi. Thời Lê sơ có vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi), Lê Thánh Tông, danh thần Nguyễn Trãi…

Thời cận đại, nổi lên các nhân vật có tư tưởng duy tân tự cường đất nước, như Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Lộ Trạch…, tiêu biểu là Nguyễn Trường Tộ, người có tầm nhìn vượt thời đại lúc bấy giờ. Đáng tiếc sự thủ cựu cổ hủ của nhà Nguyễn không dụng hợp được với những tư tưởng tiến bộ của thời đại. Và Nguyễn Trường Tộ từng cảnh báo: “Đồng hành mà không nghịch nhau là được, cần gì bắt phải nhất tề những cái mà tạo vật không thể nhất tề, cũng không cần phải nhất tề, để làm tổn thương hòa khí”.

Thời hiện đại, Việt Nam xuất hiện nhân vật lỗi lạc: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Với ý chí và khát vọng cháy bỏng, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã hiệu triệu, lãnh đạo Nhân dân ta đánh bại 2 siêu cường là Pháp và Mỹ, giành lại độc lập cho Dân tộc, khai sinh ra nước Việt Nam mới của Dân tộc và Nhân dân. Từ tay không nhưng dưới sự dẫn dắt bởi Người, Nhân dân ta đã làm nên cuộc cách mạng năm 1945 long trời lở đất. Trong Lời điếu Người, Trung ương Đảng đã đề cao: “Dân tộc ta, Nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ Dân tộc ta, Nhân dân ta, non sông đất nước ta”.

Một nhà thơ lớn Trung Quốc đã tôn vinh Hồ Chí Minh là bậc đại nhân, đại trí, đại dũng! Nước ta rất tự hào và vinh dự có 4 danh nhân được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) vinh danh: Chu Văn An (1292-1370) - “Người thầy của mọi thời đại, nhà giáo lỗi lạc”; Nguyễn Trãi (1380-1442) - “Anh hùng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất”; Nguyễn Du (1766-1820) - “Đại thi hào Dân tộc” và Hồ Chí Minh (1890-1969) - “Anh hùng giải phóng Dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất”.

Nhìn ra thế giới, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore từ đầu họ là những quốc gia nghèo và lạc hậu. Nhưng với ý chí và khát vọng vươn lên mãnh liệt của cả dân tộc, với những thủ lĩnh tài năng như Mút-su-hi-tô, Lý Quang Diệu, Pắc Chung Hy..., họ đã trở thành những quốc gia giàu có vào loại bậc nhất thế giới. Họ rất thực tế, biết dựa vào truyền thống Nho giáo như cần cù, tiết kiệm, chịu khó, tự cường, cầu thị, kỷ cương… để phát triển đất nước. Vua Nhật Bản Mut-su-hi-tô khi lên ngôi chỉ tuyên thệ gãy gọn mấy điều, là làm cho: Trên dưới một lòng, ra sức sửa sang việc nước; Lòng người đều toại chí, hăm hở sốt sắng; Gắng gổ duy tân tự cường, hiệp theo công đạo của Trời Đất; Cầu trí thức ở thế giới, làm cho nước nhà trở nên mạnh lớn vẻ vang. Họ không chính trị dông dài, chỉ cần một tư duy thực tế, hiệu quả!

Thực tiễn nước nhà và thế giới cho chúng ta những kinh nghiệm quý về gây dựng ý chí và khát vọng đất nước giàu mạnh.

Trước nhất, có thủ lĩnh anh minh, lãnh đạo mẫu mực. Người lãnh đạo và đội ngũ cốt cán, dù Trung ương hay địa phương, phải có tài năng, đức độ, đủ sức dẫn dắt dân chúng phát triển đi lên. Họ phải là những người mẫn cán, thực tài, biết truyền cảm hứng, mẫu mực. Phải thật thà nhúng tay vào việc, có đức hy sinh, ít có lòng ham muốn về vật chất, không quan cách mạng… Đối với Bác Hồ, tư cách cán bộ phải khắt khe như vậy. Bác Hồ từng mặc áo vá và đã chỉ ra: Chủ tịch nước mặc áo vá là cái phúc lớn của Dân tộc. Cán bộ mà tha hóa là cái họa của dân. Đúng là, một tấm gương sống còn hơn trăm bài diễn thuyết hay. Lãnh đạo càng mẫu mực thì sức cảm hóa lòng người càng lớn, mới hiệu triệu, quy tụ được dân chúng vào việc lớn. Phải có cơ chế, chính sách và môi trường xã hội lành mạnh để dưỡng tài, dưỡng liêm, kén chọn trúng “hiền tài” cho đất nước.

Thứ hai, coi trọng sức mạnh văn hóa. Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là hồn cốt dân tộc, là cốt cách con người. Tuy tiềm tàng nhưng văn hóa có sức mạnh nội sinh vô cùng tận. Phải luôn bồi bổ văn hóa, biến các giá trị văn hóa thành hiện thực để cuộc sống thêm sinh động và giàu ý nghĩa. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore rất coi trọng truyền thống Khổng giáo trong phát triển đất nước. Singapore vốn không có nền văn hóa chủ đạo, họ phải tốn nhiều công sức và thời gian để tạo lập một bản sắc Singapore; đã biến Singapore thành một ốc đảo “thân thiện” giữa thế giới để phát huy sức mạnh quốc gia. Việt Nam có truyền thống văn hóa rất đồ sộ, một nguồn lực rất quan trọng cần phát huy có hiệu quả, nhất là về lòng yêu nước và tự hào Dân tộc, tính cần cù, sáng tạo, cầu thị, tinh thần đoàn kết, nhân ái, hòa hiếu, thủy chung… Rất cần nền giáo dục quốc dân ổn định, hiệu quả, thực học nhằm giáo hóa con người và đào tạo nhân tài cho đất nước, tạo nên những thế hệ hữu ích, năng động, có niềm tin và hoài bão, có ý thức và trách nhiệm công dân...

Thứ ba, tạo động lực và niềm tin phấn đấu. Thực hiện hài hòa lợi ích giữa các giai tầng xã hội; lấy lợi ích của quốc gia dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân làm điểm tương đồng nhằm đoàn kết toàn dân và động viên xã hội. Thật sự đề cao dân chủ, công khai, minh bạch; công bằng và cơ hội cho mọi công dân, không phân biệt đối xử, như người ngoài Đảng, tôn giáo, kiều bào… Khắc phục tệ quan liêu xa dân, bệnh thành tích, hình thức, chủ nghĩa bình quân, cơ chế xin cho ban phát còn diễn ra trong hệ thống chính trị và cơ quan hành chính nhà nước. Coi trọng và phát huy đời sống dân sự vì mục đích dân giàu, nước mạnh, công bằng, văn minh. Nhân dân phải thật sự là người chủ phát triển đất nước nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân và tinh thần cống hiến của mọi người dân Việt Nam (quan điểm Đại hội XIII). Bác Hồ rất trân trọng những người yêu nước nhiệt thành, như tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô, chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, trí thức Trần Đại Nghĩa... Chính phủ liên hiệp đã cứu giúp đất nước qua cơn hiểm nghèo “nghìn cân treo sợi tóc” sau Cách mạng Tháng Tám. Có động cơ tốt, con người cảm thấy lạc quan, tin tưởng, phấn đấu và cống hiến hết mình cho đất nước. Nếu thiếu động lực thì không thể có ý chí và khát vọng, cũng không thể có phát triển.

Thứ tư, canh tân mở cửa. Trong xu thế toàn cầu hóa và làn sóng công nghiệp 4.0 hiện nay, muốn phát triển vươn lên, buộc phải cải cách mở cửa hội nhập quốc tế, càng chậm trễ thì nguy cơ tụt hậu càng lớn. Vua Tự Đức bảo thủ đã bỏ phí cơ hội phát triển đất nước 120 năm, đến năm 1986 Việt Nam mới đổi mới mở cửa. Trong khi nước Nhật cùng thời, đã vươn lên thần kỳ nhờ họ biết duy tân mở cửa. Vua Càn Long khước từ lời mời mở cửa với nước Anh khiến nước Trung Hoa phải chìm đắm 200 năm trong nghèo khổ và lạc hậu. Mãi đến năm 1978, Đặng Tiểu Bình mới thực hiện cải cách mở cửa, và 43 năm sau, Trung Quốc đứng thứ nhì thế giới về sức mạnh kinh tế. Chỉ có năng động giao lưu mới có cơ hội làm ăn vươn lên, kể cả cấp địa phương cũng vậy.

Thứ năm, việc làm đồng bộ. Việc xây dựng ý chí và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là công việc đại sự, đòi hỏi có sự chung tay không phân biệt. Làm từ Trung ương đến địa phương, tạo sự chuyển biến từ trong nội bộ đến ngoài Nhân dân; với phương châm “trên trước/dưới sau”, “đảng viên đi trước/làng nước theo sau”. Bác Hồ chỉ ra: Dân là đất nước, Nước là của dân; nên phải hành động theo nguyên lý: dân giàu thì nước mạnh, dân nghèo thì nước suy; địa phương mạnh thì Trung ương mới mạnh, Trung ương có tốt thì địa phương mới tốt. Làm phải nhiệt huyết, thật thà, không trông chờ ỷ lại, so tính thiệt hơn. Phải khen ngợi người làm tốt đồng thời phê phán những người còn trì trệ chưa tốt. Không ai được dửng dưng đứng ngoài cuộc. Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2045 sẽ trở thành nước phát triển có thu nhập cao, gấp 4 lần hiện nay (12.000 USD/người). Điều đó đòi hỏi phải tạo lập được môi trường xã hội lành mạnh, tích cực với những lớp người năng động, có chí tiến thủ, có niềm tin, hoài bão và trách nhiệm với quốc gia dân tộc. Được như vậy, tự thân ý chí và khát vọng sẽ nhen nhóm, nếu gặp luồng gió mát thổi vào nó sẽ bùng cháy mãnh liệt. Như vậy mới có thể đạt được mục tiêu cao cả đã đề ra.

Tiền nhân và Bác Hồ đã để lại một di sản tinh thần đồ sộ, quý báu, trách nhiệm con cháu đi sau là phải gìn giữ và phát huy cho tốt. Đã có một thời còn để mai một nên đất nước gặp khó khăn. Đảng đã nhận ra và kịp sửa chữa bằng công cuộc đổi mới và đã đạt được những kết quả quan trọng. Đất nước đang trên đà công nghiệp hóa, đã vượt qua ngưỡng nước nghèo, chậm phát triển. Việt Nam đang có uy tín cao ở Liên Hiệp Quốc và trên trường quốc tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có cảm nhận: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay! Có thể nói, lòng dân và thế nước đang lên. Các cấp lãnh đạo nước nhà hãy chủ động nắm bắt cơ hội để khơi dậy và phát huy cao độ lòng yêu nước của Nhân dân, biến ý chí và khát vọng đất nước giàu mạnh thành hiện thực, đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh như Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn!

Công dân nặng nợ quốc gia,

Quyết làm rạng rỡ nước nhà Việt Nam!

LÊ HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>