Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc, đối thoại với trưởng, phó phòng: Hoạt động nhiều ý nghĩa

07/02/2022 | 08:47 GMT+7

Hội nghị lãnh đạo tỉnh tiếp xúc, đối thoại với trưởng, phó phòng và tương đương cấp huyện được tổ chức bằng hình thức trực tuyến mới đây là diễn đàn thực sự bổ ích để lãnh đạo tỉnh lắng nghe và hiểu hơn thực tế thực hiện nhiệm vụ của cấp huyện và cơ sở, nhất là khó khăn, vướng mắc mà họ đang gặp phải.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành phát biểu tại Hội nghị lãnh đạo tỉnh tiếp xúc, đối thoại với trưởng, phó phòng và tương đương cấp huyện.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, ông Phạm Văn Thế, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phụng Hiệp, bày tỏ sự trăn trở khi lĩnh vực du lịch của huyện chưa được khai thác hiệu quả dù rất có tiềm năng.

“Nhiều người đánh giá Lung Ngọc Hoàng có tiềm năng du lịch rất lớn, đẹp như một nàng công chúa nhưng lại đang ngủ yên. Do đó, rất mong tỉnh tổ chức một hội thảo để trao đổi, thảo luận tìm giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng của Lung Ngọc Hoàng”, ông Thế chia sẻ.

Cũng theo ông Thế, Đề án phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch của huyện đã có nhưng thiếu nguồn lực để thực hiện, do đó mong muốn tỉnh hỗ trợ tháo gỡ khó khăn này cho huyện.

Còn ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết, diện tích trồng mía trên địa bàn còn rất nhiều. Theo thông báo của Công ty Cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) thì năm 2022, Casuco chỉ bao tiêu 2.000ha mía, diện tích còn lại khoảng trên 2.000ha. Đây là khó khăn cho bà con nông dân trong vụ mía tới. Hiện nay, huyện cũng có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đến đầu tư cho người dân các loại hoa màu để bà con chuyển đổi từ đất mía sang trồng các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đến khảo sát rất ít, có khi đến khảo sát nhưng sau đó chưa thấy phản hồi.

Do đó, một số bà con hiện nay chưa biết chuyển đổi diện tích mía sang trồng loại cây gì. Vì vậy, huyện đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc các sở, ngành khác hỗ trợ cho huyện kêu gọi các nhà đầu tư đến giúp bà con nông dân chuyển đổi diện tích mía sang cây trồng khác.

Bà Lý Lệ Hoa, Phó phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ, phản ánh tình hình khó khăn về nhân sự tại cơ quan mình. Theo bà, Phòng Kinh tế có trách nhiệm tham mưu cho UBND thị xã thực hiện nhiều nhiệm vụ, nhưng số biên chế của phòng hiện chỉ có 4. Do đó, đề xuất phân bổ thêm biên chế cho phòng trong thời gian tới để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Cũng theo bà Hoa, trụ sở làm việc của các trạm: khuyến nông, trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi thú y trên địa bàn thị xã do xây dựng đã lâu nên xuống cấp khiến cán bộ làm việc tại đây không yên tâm công tác. Đề nghị được xem xét, khảo sát, sửa chữa để có nơi làm việc tốt hơn.

Bà Hoa cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có sự quan tâm đầu tư khôi phục quýt đường Long Trị. Bởi, hiện nay, diện tích trồng quýt đường Long Trị còn khoảng 4ha. Diện tích này quá thấp, khó phục vụ cho việc phát triển du lịch sinh thái.

Cũng liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, ông Tống Huy Phúc, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vị Thủy, đề xuất tỉnh quan tâm kêu gọi doanh nghiệp đầu tư ở lĩnh vực chế biến lương thực, vì huyện Vị Thủy lúa gạo rất nhiều nhưng việc thu mua chưa ổn định, do đó nếu có doanh nghiệp chế biến lúa gạo sẽ giải quyết tốt đầu ra cho người dân. Tỉnh cần kêu gọi đầu tư cụm tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện để tận dụng tiềm năng về đất và nguồn lao động.

Ông Phúc còn mong muốn tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn khảo sát vườn trầu của huyện có lịch sử trên 100 năm, nhất là quan tâm đầu tư lộ giao thông, kết nối tua tuyến để hình thành điểm du lịch tại vườn trầu…

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành đánh giá các ý kiến phát biểu tại hội nghị đã thể hiện sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao của trưởng, phó phòng và tương đương cấp huyện đối với sự phát triển của tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy mong muốn trưởng, phó phòng và tương đương cấp huyện tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nêu cao trách nhiệm, năng động, sáng tạo trên mỗi vị trí công tác, phấn đấu hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao. Đặc biệt là phát huy tinh thần đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng để góp phần xây dựng quê hương Hậu Giang đạt được mục tiêu vươn tầm phát triển trong giai đoạn mới.

Những vấn đề do đại biểu nêu ra tại hội nghị đã được Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận, giải thích, làm rõ giúp trưởng, phó phòng và tương đương cấp huyện hiểu rõ hơn các nghị quyết, đề án, kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu đột phá mà tỉnh đã ban hành, đề ra trong giai đoạn phát triển tới.

Bí thư Tỉnh ủy thông tin, tỉnh đã ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Trong nghị quyết này đã đề cập đến việc kêu gọi các doanh nghiệp chế biến lương thực đầu tư trên địa bàn. Tỉnh sẽ có chính sách ưu đãi đặc thù cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản. Đây là giải pháp nhằm tháo gỡ vấn đề tiêu thụ, đầu ra cho nông sản của người dân.

Theo Bí thư Tỉnh ủy, nghị quyết về 4 trụ cột kể trên cũng đã định hướng việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Sắp tới, tỉnh sẽ có quy hoạch về sử dụng diện tích đất nông nghiệp, trong đó có định hướng cụ thể trồng cây gì, nuôi con gì. Lãnh đạo tỉnh cũng đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất việc chuyển một phần diện tích đất trồng lúa hoặc các loại đất khác đạt năng suất thấp trên địa bàn tỉnh sang trồng các loại cây trồng hoặc phát triển công nghiệp, nhằm đem lại năng suất và hiệu quả cao hơn.

Tỉnh cũng có nhiều động thái để từng bước khôi phục quýt đường Long Trị; đồng thời tích cực kêu gọi, vận động xã hội hóa đầu tư phát triển các điểm du lịch trên địa bàn…

Có thể nói, cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với trưởng, phó phòng và tương đương cấp huyện mang nhiều ý nghĩa thiết thực, bởi từ các ý kiến phát biểu giúp lãnh đạo tỉnh hiểu hơn, sâu sát hơn tình hình thực hiện nhiệm vụ, cũng như những khó khăn, vướng mắc mà các địa phương đang gặp phải.

Đây còn là dịp để lãnh đạo tỉnh thông tin kết quả phát triển cũng như những khó khăn, thử thách mà tỉnh đối mặt trong năm 2021, đặc biệt là nhấn mạnh đến các nghị quyết, đề án, kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu đột phá mà tỉnh đã ban hành, đề ra trong giai đoạn phát triển tới. Qua đó, giúp trưởng, phó phòng và tương đương cấp huyện thấy được vai trò, trách nhiệm trong quá trình thực hiện. Từ đó, từng người hình thành cho mình tinh thần đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hậu Giang phát triển vươn lên trong giai đoạn mới.

Tại hội nghị, ngoài phản ánh những khó khăn, vướng mắc ở địa phương, trưởng, phó phòng và tương đương cấp huyện còn mạnh dạn kiến nghị, đề xuất, hiến kế những giải pháp phát triển tỉnh nhà trong thời gian tới. Cụ thể, có ý kiến cho rằng tỉnh cần quan tâm hỗ trợ đầu tư trang thiết bị để các cơ sở, doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn hoạt động hiệu quả hơn. Tỉnh cần chỉ đạo hội, đoàn thể các cấp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia vào kinh tế tập thể, góp phần thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển hơn nữa.

Bên cạnh đó, đại biểu còn nêu ý kiến kiến nghị tỉnh cần có chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi, vì hiện nay có một số trường hợp vì lớn tuổi không đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Bưu điện cấp xã hiện nay trực tiếp thực hiện nhiều dịch vụ nhưng con người thì ít và cơ sở vật chất ở một số nơi chưa đảm bảo, do đó mong tỉnh quan tâm chỉ đạo giải quyết khó khăn này…

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>