Khi tận tâm là điểm chung

03/02/2022 | 07:47 GMT+7

Khác nhau về độ tuổi, giới tính, vị trí công tác... nhưng bà Phạm Ngọc Hương và anh Nguyễn Quốc Nhân có điểm chung là lòng nhiệt huyết, sự tận tâm với công việc, luôn nỗ lực hoàn thành rất xuất sắc chức trách, nhiệm vụ; được dân quý, dân tin.

Điều thật bất ngờ là khi hỏi bà Hương về gia cảnh ông A, bà B hay bất cứ điều gì muốn biết nơi bà công tác, bà đều trả lời vanh vách; muốn biết tình hình đoàn viên, hội viên địa bàn anh Nhân quản lý ra sao, anh trả lời ngay.

Bà Phạm Ngọc Hương, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu vực ấp Xẻo Vông C.

Cô Hương mang “hương” cho đời

Con đường bê tông thẳng tắp dẫn vào tuyến dân cư kênh 500 dài tầm 700m đã hoàn thành cách nay 1 năm, là tuyến đường đất cuối cùng có dân cư sinh sống trên địa bàn ấp Xẻo Vông C, được bê tông hóa. Để có con đường này, theo người dân, công lớn là nhờ “cô Hương”, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu vực Xẻo Vông C, phường Hiệp Lợi, thành phố Ngã Bảy.

Cụ thể, bà Hương không chỉ đứng ra vận động xã hội hóa 50% kinh phí xây đường (100 triệu đồng) mà bà còn ngày ngày ra vào chỉ huy, giám sát để con đường hoàn thành đảm bảo chất lượng.

Đường kênh 500 dài gần 1km nhưng chỉ có 30 hộ dân sinh sống nên việc xin kinh phí đầu tư lâu nay là việc rất khó. “Làm cho dân thì khó khăn phải tìm biện pháp và tôi đã chủ động điện thoại, gặp và vận động mạnh thường quân hỗ trợ tiền. Song song đó là Ban Dân chánh xuống tận hộ vận động dân đồng thuận hiến đất, vật kiến trúc. Có tiền, có mặt bằng, chúng tôi bắt tay vào khởi công ngay”, bà Hương kể.

Không lâu sau, tuyến đường hoàn thành, dân vui một, nhưng với bà Hương đến mười vì xuân về đầu làng cuối xóm thông thương…

Xuất thân là nhà nông nên hơn ai hết bà Hương hiểu được cái khó, cái khổ của dân nghèo. Vậy nên suốt quá trình công tác từ năm 2005, dù ở cương vị nào bà cũng chú trọng chăm lo, nâng cao đời sống nhân dân. “Năm 2008, khi nhận nhiệm vụ Trưởng ấp, nay là khu vực, tôi nhớ rất rõ ấp còn đến 42 hộ nghèo, chiếm hơn 10% số hộ dân, hộ cận nghèo có đến 98 hộ. Mục tiêu của tôi là phải làm sao để người dân mình không còn nghèo khổ, đời sống khấm khá”, bà Hương tiết lộ.

Bài toán thoát nghèo cho dân được bà Hương thực hiện bằng nhiều cách và cách nào cũng mang lại hiệu quả cao.

Nhờ bà Hương mà bây giờ mỗi khi nhắc đến, ông Lê Văn Khoa không ngớt lời cảm ơn. “Chị Hương động viên, giúp đỡ nhiều mặt nên gia đình tôi đã vượt nghèo, có được cuộc sống ổn định. Nói đến chị Hương, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu vực thì ai cũng mến, cũng quý vì chị rất gần gũi, nhiệt tình giúp đỡ tất cả mọi người khi khó khăn”, ông Khoa nói.

“Nhiều mặt” như anh Khoa nói là tạo điều kiện cho bà con tiếp cận vốn vay ngân hàng để đầu tư cải tạo đất, mua cây giống, con giống, làm vốn mua bán... Trước đó là bà cùng chính quyền, các đoàn thể tổ chức rà soát, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng từng hộ rồi phân công cán bộ chịu khó tới lui, vận động dân xóa vườn tạp, vườn cây kém hiệu quả chuyển sang trồng cây cho giá trị kinh tế cao hơn; xây dựng các mô hình của đoàn thể cho dân mượn vốn xoay vòng…

Tiếp thêm động lực cho hộ dân sớm vươn lên, bà Hương còn tích cực vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm tặng gạo, nhu yếu phẩm, nhà tình thương, thẻ bảo hiểm y tế… Với nhiều giải pháp phù hợp, song song, trong 10 năm, khu vực Xẻo Vông C xóa trắng hộ nghèo; 3 năm trở lại đây không phát sinh hộ tái nghèo.

Kể về việc mình làm cho xã hội, bà Hương nói hoài không hết. Nào là giúp người lầm lỡ hoàn lương, nào là cải hóa thanh thiếu niên lỡ bước, hàn gắn sứt mẻ nghĩa vợ chồng; hay bảo hiểm y tế tận tay; cải cách hành chính cấp… ấp; xây dựng chi bộ kiểu mẫu… Việc nào cũng mang lại kết quả cao ngất ngưỡng. “Quan trọng là phải phân công, giao việc đúng người, đúng chỗ; theo dõi, kiểm tra đôn đốc thực hiện thường xuyên, kịp thời, có như vậy thì mọi việc đề ra mới đạt kết quả tốt”, Trưởng khu vực Xẻo Vông C chia sẻ.

Chồng bằng khen, giấy khen bà Hương nhận chất cao hơn đầu rồi lại lấy xuống chất chồng khác, nhưng dù cao đến mấy cũng không khen kịp những gì bà đã, đang suy nghĩ để tiếp tục cống hiến. Bà nói: “Càng trưởng thành hơn trong công tác thì tôi thấy mình càng phải có trách nhiệm hơn trong công việc để không phụ lòng tin tưởng của cấp trên và sự tin cậy của người dân. Tôi không ngại khó khăn, vất vả, chỉ mong những việc mình làm sẽ giúp cho cuộc sống người dân ngày càng tốt hơn về mọi mặt, địa phương ngày càng phát triển hơn nữa”.

Anh Nguyễn Quốc Nhân thăm hỏi nắm tình hình sản xuất kinh doanh của chị Trang.

Sáng danh giải thưởng “15 tháng 10”

Với tinh thần không ngừng sáng tạo, anh Nguyễn Quốc Nhân, Bí thư Đoàn phường, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam phường Ngã Bảy, thành phố Ngã Bảy, là một trong 65 cán bộ hội tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong công tác hội và phong trào thanh niên của cả nước vừa được nhận giải thưởng “15 tháng 10” năm 2021.

Tham gia công tác tại phường Ngã Bảy từ năm 2016, với lòng nhiệt huyết, chủ động sáng tạo, anh Nhân đã có nhiều cách kết nối với thanh niên trên địa bàn để tuyên truyền, vận động thu hút, tập hợp các bạn vào đội, nhóm, câu lạc bộ do Đoàn, Hội quản lý.

Theo anh Nhân, đặc điểm của thanh niên phường là họ có lối sống rất bận rộn, ít chịu tham gia các hoạt động của Đoàn, Hội. Muốn họ tự nguyện gia nhập thì phải tạo sự hứng thú với những hoạt động thiết thực nhất. “Qua gần gũi, tôi biết được nhu cầu, sở thích của các bạn nên tổ chức thành từng nhóm nhỏ để hoạt động cho phù hợp với nguyện vọng của bạn trẻ và cách làm này đã thật sự tập hợp được thanh niên”, anh Nhân cho biết.

Bài toán tập hợp thanh niên hiện nay không dễ được anh Nhân giải trong vài phép cộng trừ. Đó là phân nhóm tập hợp thanh niên cùng sở thích, nghề nghiệp, chí hướng vào câu lạc bộ, tổ, nhóm… Tiêu biểu như Câu lạc bộ Thanh niên bán cây giống, Câu lạc bộ văn nghệ của thanh niên và Đội thanh niên hớt tóc tình nguyện phục vụ Nhân dân, Chi hội thanh niên cơ sở quảng cáo…

Đội hớt tóc tình nguyện phục vụ dân do anh Nhân đứng ra thành lập hiện nay có 10 thành viên. Tập hợp được thanh niên là thành công bước đầu nhưng Đội còn gặt hái kết quả cao hơn khi xây dựng được môi trường trao đổi kinh nghiệm làm nghề rất hữu ích; bên cạnh đó còn rất kịp thời trao đổi các chủ trương, chính sách liên quan đến thanh niên. “Đặc biệt, vào Đội chúng tôi có cơ hội đi hớt tóc miễn phí cho người dân vùng sâu, tuyến dân cư điều kiện đi lại khó khăn trong và ngoài địa bàn. Đây thực sự là hiệu quả của việc tham gia vào Đoàn, Hội”, anh Nguyễn Đức Tài, Đội trưởng Đội hớt tóc tình nguyện, chia sẻ thêm.

Còn để “níu chân” bạn trẻ trong kinh doanh, anh Nhân chú trọng hỗ trợ vốn làm ăn. Năm 2020, khi vận động được nguồn hỗ trợ 4 triệu đồng, anh tổ chức mô hình “Vay vốn không lãi suất xoay vòng cho thanh niên làm kinh tế”. Đến nay nguồn vốn nâng lên 10 triệu đồng, giúp xoay vòng cho gần chục thanh niên làm ăn ổn định.

Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công việc làm ăn của gia đình chị Kim Thị Kiều Trang, hội viên Chi hội Thanh niên cơ sở quảng cáo Minh Nhật, bị ảnh hưởng. Nhờ vốn tiếp sức từ mô hình đã giúp chị vượt qua khó khăn. “Được Hội xem xét cho tôi mượn 10 triệu đồng sửa chữa máy móc mà cơ sở không bị dừng sản xuất, duy trì được hoạt động tốt cho đến nay. Tôi thấy mô hình này rất thiết thực”, chị Trang chia sẻ.

Hai năm qua, bình quân mỗi năm tỷ lệ tập hợp thanh niên ở phường Ngã Bảy tăng từ 10-15% so năm trước. Đây là kết quả không mấy bất ngời bởi biện pháp, cách làm của anh Nhân không chê vào đâu được.

Tâm sự về nhiệm vụ của mình sắp tới, anh Nhân nói sẽ tiếp tục suy nghĩ, có nhiều sáng tạo để góp phần đoàn kết hơn nữa đoàn viên, hội viên, thanh niên địa phương.

Có câu: “Người thành công tìm phương pháp, người thất bại viện lý do”, bà Hương và anh Nhân là những người tìm phương pháp để khẳng định mình và xây dựng quê hương, đơn vị thêm phát triển. Cao quý hơn là sự yêu thương, quý mến và trân trọng từ các cấp lãnh đạo, từ đồng nghiệp và của người dân…

MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích