Đội ngũ cán bộ ngành tổ chức xây dựng Đảng ngày càng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

12/10/2023 | 18:07 GMT+7

Gần 20 năm qua, kể từ khi lập tỉnh đến nay, cùng với sự phát triển toàn diện, vượt bậc trên các lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đội ngũ cán bộ ngành tổ chức xây dựng Đảng của tỉnh cũng có nhiều tiến bộ và có nhiều đóng góp to lớn vào công tác xây dựng Đảng bộ tỉnh nhà.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành (đứng) phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác tổ chức xây dựng Đảng.

Đội ngũ cán bộ tham mưu công tác tổ chức xây dựng Đảng là những người trực tiếp tham mưu cho cấp ủy những chủ trương, nghị quyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị liên quan đến tổ chức, bộ máy, cán bộ, đảng viên và bảo vệ chính trị nội bộ Đảng, do đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ của ngành tổ chức xây dựng Đảng có đủ năng lực, phẩm chất là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa (XII) về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đã xác định: “Các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố cơ quan tham mưu và đội ngũ làm công tác cán bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp; đặc biệt coi trọng lựa chọn, bố trí đúng người đứng đầu cơ quan làm công tác tổ chức, cán bộ các cấp... Tăng cường giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện để nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác cán bộ “trung thành, trung thực, gương mẫu, trong sáng, tinh thông” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới...”.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, công tác tổ chức, cán bộ nói riêng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác liên quan đến con người, đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người, đòi hỏi mỗi cán bộ làm công tác này vừa phải luôn tự phê bình, phân tích, mổ xẻ những ưu điểm, khuyết điểm của chính bản thân, lại vừa phải nhận xét, đánh giá về người khác. Do đó, nếu không thật tự giác, chân thành, công tâm, khách quan thì cán bộ làm công tác tổ chức - cán bộ rất dễ rơi vào chủ quan, duy ý chí, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác và chỉ thấy khuyết điểm, mặt yếu của người khác nhiều hơn mình.

Gần 20 năm qua, kể từ khi lập tỉnh Hậu Giang đến nay, cùng với sự phát triển toàn diện, vượt bậc trên các lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đội ngũ cán bộ ngành tổ chức xây dựng Đảng của tỉnh có nhiều tiến bộ và có nhiều đóng góp to lớn vào công tác xây dựng Đảng bộ tỉnh Hậu Giang.

Nếu như tại thời điểm năm 2004, toàn tỉnh chỉ có 47 cán bộ, trong đó đội ngũ cán bộ cơ quan Ban Tổ chức Tỉnh ủy chỉ có 11 cán bộ thì đến năm 2022, qua sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế đạt theo mục tiêu Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, toàn tỉnh có 68 cán bộ (25 cán bộ công tác tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy; 43 cán bộ công tác tại ban tổ chức các huyện, thị, thành ủy); tỷ lệ cán bộ nữ chiếm 35,3%.

Trong suốt gần 20 năm qua, ngành tổ chức xây dựng Đảng của tỉnh đã tích cực, chủ động trong công tác tham mưu cấp ủy sắp xếp tổ chức bộ máy gắn liền với công tác quy hoạch, đào tạo, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, nên chỉ một thời gian ngắn đã xây dựng hệ thống chính trị tỉnh nhà đi vào ổn định và hoạt động hiệu quả, xây dựng và phát triển tổ chức đảng và đảng viên ngày càng đông về số lượng và nâng dần chất lượng.

Đặc biệt là tham mưu Tỉnh ủy ban hành một số chủ trương lớn về công tác tổ chức xây dựng Đảng như: (1) Đề án xây dựng Đảng giai đoạn 2006-2010; (2) Nghị quyết về công tác cán bộ giai đoạn 2010-2015; (3) Đề án nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số nhiệm kỳ 2015-2020 và những năm tiếp theo; (4) Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; (5) Đề án nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ chủ chốt cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025; (6) Đề án thí điểm đổi mới cách thức tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; (7) Đề án đổi mới tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ ngang tầm nhiệm vụ.…

Từ những thành tích đạt được trên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hậu Giang đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì vì “đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, nhiều đồng chí lãnh đạo Ban Tổ chức cấp ủy trưởng thành, được cấp có thẩm quyền giao giữ chức vụ chủ chốt cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp trong tỉnh.

Đại hội XIII của Đảng xác định, phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ ngành tổ chức xây dựng Đảng “Đoàn kết, trung thành, trung thực, trong sáng, gương mẫu, tinh thông, chuyên nghiệp”, nhất là cán bộ tham mưu cấp chiến lược, chuyên gia đầu ngành đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới. “Chú trọng lựa chọn và bố trí đúng người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy các cấp”.

Với tinh thần “đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng”, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược là “tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về công tác cán bộ gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài”. Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hậu Giang tập trung một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và những yêu cầu cần có của người cán bộ ngành tổ chức xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, thực hiện quy hoạch, lựa chọn, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ phù hợp từng vị trí việc làm trong cơ quan để phát huy sở trường của đội ngũ cán bộ.

Thứ hai, tập trung hoàn thiện vị trí việc làm và tiêu chuẩn cán bộ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành tổ chức xây dựng Đảng và hiệu quả của công tác cán bộ, là cơ sở để thực hiện sắp xếp các bộ phận trong tổ chức một cách khoa học hơn; mặt khác, góp phần nâng cao chất lượng, thuận tiện hơn cho công tác quản lý cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng cũng như đánh giá và thực hiện chính sách đối với cán bộ.

Thứ ba, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp nhằm giúp đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, nghiệp vụ chuyên môn đáp ứng tốt hơn, phù hợp hơn với điều kiện cuộc Cách mạng 4.0. Ngoài nội dung về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, nghiệp vụ công tác, một nội dung quan trọng khác trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng chính là rèn luyện kỹ năng, đúc rút kinh nghiệm đánh giá, nhìn nhận con người và kỹ năng, phương pháp, kinh nghiệm xử lý các tình huống về công tác tổ chức - cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ. Tổ chức xây dựng Đảng là một lĩnh vực đặc thù. Do đó cần có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và năng lực đặc biệt; đó là khả năng biết “nhìn người”, phát hiện, nhìn nhận, đánh giá, sử dụng, phát huy được tiềm năng của cán bộ.

Thứ tư, đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá, bố trí, đề bạt, sử dụng đội ngũ cán bộ tạo điều kiện để cán bộ ngành tổ chức xây dựng Đảng phát huy năng lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức. Để trưởng thành và có kinh nghiệm làm công tác tổ chức - cán bộ, đòi hỏi chính bản thân đội ngũ cán bộ ngành tổ chức xây dựng Đảng phải được luân chuyển, trải nghiệm nhiều môi trường công tác khác nhau, giúp cán bộ có môi trường thực tiễn để rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành.

Thứ năm, xây dựng phong cách, lề lối, tác phong làm việc đội ngũ cán bộ theo hướng chuyên nghiệp, khoa học. Công việc của ngành tổ chức xây dựng Đảng là một khoa học và nghệ thuật trong việc thiết kế mô hình tổ chức bộ máy và xây dựng, sử dụng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Đó cũng là ngành “xây dựng” và thực hiện những quy định, quy chế, nguyên tắc, chế độ, chính sách đối với con người, là ứng xử giữa người với người - cán bộ, đảng viên của Đảng. Do đó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức không chỉ là những người tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ, năng lực, mà còn phải có phong cách, lề lối, tác phong làm việc có trách nhiệm, khoa học, trung thực, công tâm, khách quan.

Trình độ, ngạch, tuổi, thâm niên của cán bộ tổ chức xây dựng Đảng Hậu Giang

 

Về trình độ chuyên môn: Cán bộ có trình độ thạc sĩ chiếm 11,8%, cán bộ có trình độ đại học chiếm 88,2%.

Về trình độ lý luận chính trị: Cao cấp chiếm 69,2%; trung cấp chiếm 27,9%, sơ cấp chiếm 2,9%.

Về ngạch công chức: Ngạch chuyên viên chính chiếm 23,5%; ngạch chuyên viên chiếm 70,6%; cán sự, nhân viên chiếm 5,9%.

Về độ tuổi: Dưới 30 tuổi chiếm 1,5%; từ 30 đến 40 tuổi chiếm 36,8%; từ 41 đến 50 tuổi chiếm 36,8%; trên 50 tuổi chiếm 25,0%.

Về thâm niên công tác trong ngành tổ chức xây dựng Đảng: Dưới 5 năm chiếm 27,9%, từ 5 năm đến dưới 10 năm chiếm 29,4%; trên 10 năm chiếm 42,6%.

 

LÝ THANH LUYỆN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>