Cần sớm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

06/06/2022 | 08:38 GMT+7

Thảo luận tại Hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, bà Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, đánh giá thời gian qua, Chính phủ đã kịp thời điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội linh hoạt, phù hợp; nền kinh tế tiếp tục mở cửa trong trạng thái bình thường mới.

Bà Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh, phát biểu tại hội trường.

Cùng với đó là tình hình lao động việc làm có bước khởi sắc, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong quý I/2022 giảm so quý IV/2021, thu nhập người lao động bước đầu được cải thiện.

Song, theo bà Lê Thị Thanh Lam cũng đánh giá, biến động của tình hình kinh tế, chính trị khu vực, trên thế giới, lạm phát, dịch bệnh kéo dài; vấn đề xung đột quân sự Nga - Ukraina đã đẩy giá xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, tăng cao; rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng tiêu dùng sản xuất. Đây là các yếu tố tác động tiêu cực đến phục hồi tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp lớn đến đời sống của Nhân dân, công nhân, lao động, người nghèo, người có thu nhập thấp.

Theo Phó Trưởng Đoàn, những tháng đầu năm 2022, người lao động ồ ạt đến bảo hiểm xã hội nhận bảo hiểm một lần do cuộc sống khó khăn, bấp bênh. Vẫn còn những bức xúc cấp bách kéo dài chưa được quan tâm giải quyết thỏa đáng, qua hơn 2 năm đại dịch Covid-19 đã bộc lộ rõ rệt. Đó chính là tiền lương thấp và thiếu tích lũy, việc làm, thu nhập bấp bênh. Nhà ở và điều kiện sinh hoạt, giáo dục, y tế khó khăn; an sinh và phúc lợi xã hội thiếu đảm bảo.

Dẫn chứng các con số cụ thể, bà Lê Thị Thanh Lam cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2022, cả nước có trên 302.000 người đến bảo hiểm xã hội rút một lần. Dự kiến con số năm 2022 có thể lên tới 1 triệu người. Nếu vấn đề này xảy ra thì đây là một kỷ lục buồn, bởi lẽ cả nước hiện chỉ có 16,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội. Hầu hết mọi người biết thiệt thòi nhưng vẫn quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần vì nghèo túng, bức bách và nợ nần. Họ cần phải có tiền để trả các khoản vay nóng, chi khám chữa bệnh cho người thân, thậm chí là để lo chi phí sinh hoạt hàng ngày… Bên cạnh đó, một phần còn có nguyên do nhiều người chưa nhận thức hết lợi ích của việc giữ lại bảo hiểm xã hội. Một bộ phận lại lo lắng chính sách này sẽ thay đổi, khó rút hoặc là bị thiệt thòi hơn, thời gian đóng bảo hiểm dài. Tình trạng này gây ra rất nhiều hệ lụy trước mắt cũng như lâu dài với người lao động cũng như hệ thống an sinh xã hội. Trong đó, người lao động là thiệt thòi nhất, đặc biệt là những người lao động nghèo càng trở nên khó khăn hơn khi về già, không tích lũy, không lương hưu, không bảo hiểm y tế, thiếu chỗ dựa, tạo gánh nặng cho người thân và xã hội.

Từ những bất cập trên, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh nêu kiến nghị đối với Chính phủ quyết liệt triển khai các gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm song song với thực hiện các giải pháp, chính sách và quy định đảm bảo cuộc sống cho công nhân lao động. Trước tiên là bảo đảm việc làm bền vững, lương đủ sống, tiến tới có tích lũy, nâng lương tối thiểu vùng nhằm bù đắp một phần trượt giá và sự chia sẻ của công nhân lao động sau hơn 2 năm chưa được tăng lương. Ưu tiên quan tâm và tăng đầu tư bảo hiểm về chính sách, về phúc lợi xã hội, về nhà ở, an sinh xã hội. Hệ thống giáo dục, y tế từng bước được nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân lao động.

Bà cũng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội Việt Nam cần có chiến lược truyền thông tổng thể để cung cấp thông tin, định hướng dư luận, giúp người lao động có được nhận thức một cách đầy đủ về chính sách. Bên cạnh đó là những giải pháp liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy, tổ chức thực hiện chính sách một cách tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát để đem lại lợi ích tối ưu nhất cho người tham gia. Thông qua đó từng bước được xây dựng và củng cố niềm tin đối với các chính sách.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam cũng kiến nghị phải từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tăng lợi ích và tính hấp dẫn của chính sách lương hưu thông qua việc sớm thực hiện giảm điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu bảo hiểm là 20 năm xuống còn 15 năm, quản lý và tổ chức thực hiện tốt quy định về tiền lương để đảm bảo tiền lương đóng phải tiếp cận dần tới mức lương và thu nhập thực tế của người lao động. Từ đó góp phần cải thiện mức lương hưu, thu hẹp khoảng cách về tiền lương hưu với tiền lương khi còn đang làm việc. Thực hiện sửa đổi công thức tính lương hưu bên cạnh nguyên tắc đóng - hưởng cần có tính chia sẻ.

Phó Trưởng Đoàn cũng nêu ý kiến về việc bộ, ngành chức năng cần quan tâm và có cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành các quy định pháp luật nói chung, quy định pháp luật liên quan đến công nhân lao động nói riêng của người sử dụng lao động, công nhân lao động đang rất khó khăn, sẵn sàng chia sẻ với người sử dụng lao động để phục hồi sản xuất kinh doanh và ngược lại công nhân lao động cần được tôn trọng, đảm bảo các quyền và người sử dụng lao động phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Có lẽ ai trong chúng ta cũng hiểu một điều đơn giản là công nhân lao động phải được đảm bảo cuộc sống, làm việc để sống chứ không phải sống để làm việc. Do đó, họ cần được bảo đảm tiền lương đủ chi trả cho cuộc sống bản thân, gia đình họ và có tích lũy. Lao động là nguồn lực quý giá, chăm lo chu đáo cho nguồn lực này thì trong lực lượng lao động chiếm khoảng 15% dân số nhưng luôn đóng góp 72% ngân sách và 65% GDP cả nước.

T.THỨC lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích