Cần nhanh chóng triển khai tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

06/06/2022 | 18:32 GMT+7

Thảo luận ở Tổ tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV về chủ trương đầu tư các tuyến đường cao tốc, đại biểu Lê Minh Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, cho rằng đây là chủ trương đầu tư cho tăng trưởng, cho tương lai, cho tổng thể và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nên nhiệt liệt ủng hộ.

Đại biểu Lê Minh Nam.

Dự án quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp

Về Dự án xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 1 của các tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu, đại biểu cho rằng rất cần thiết do đầu tư hạ tầng giao thông là đầu tư phát triển để phục hồi và phát triển kinh tế; đáp ứng yêu cầu liên kết vùng, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng, phân bổ các nguồn lực giữa các vùng miền theo cơ chế thị trường, tạo động lực phát triển kinh tế theo vùng, khu vực và lan tỏa toàn quốc, tạo điều kiện thúc đẩy tiêu thụ và khai thác thế mạnh của cả các địa phương có tiềm năng nhưng chưa có điều kiện để kết nối với thị trường rộng hơn. “Đây là chủ trương đầu tư cho tăng trưởng, cho tương lai, cho tổng thể và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nên tôi nhiệt liệt ủng hộ chủ trương này”, ông Nam nhấn mạnh.

Đặc biệt, với Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là một trong những dự án quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, phù hợp với Nghị quyết Trung ương 5 và Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực; cơ bản phù hợp với quy hoạch giao thông chung. “Vì vậy, theo tôi cần đẩy mạnh và nhanh chóng triển khai dự án. Đồng thời, lưu ý các địa phương có cao tốc đi qua ngoài nỗ lực phối hợp tổ chức thực hiện cũng cần xây dựng lộ trình và phương án của địa phương mình để tích hợp đồng bộ với cao tốc, tránh tình trạng đến khi có cao tốc lại chưa khai thác được tối ưu hiệu quả của cao tốc đã được đầu tư”, đại biểu Lê Minh Nam nhấn mạnh.

Đánh giá một cách kỹ lưỡng, toàn diện hơn đường vành đai

Về chủ trương đầu tư đường vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nam nhất trí cao với chủ trương và góp một số ý để triển khai có hiệu quả trong thực tiễn.

Đó là tiến độ hoàn thành dự án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần tính toán cho phù hợp về thời gian thực hiện và Chính phủ đã dự kiến đường vành đai 4 cơ bản hoàn thành năm 2026 và hoàn thành toàn bộ năm 2027; vành đai 3 dự kiến hoàn thành 2025, đưa vào khai thác vận hành 2026 và quyết toán 2027.

Cho dù vậy, ông Lê Minh Nam cho rằng vẫn cần tính toán, đánh giá một cách kỹ lưỡng, toàn diện hơn; đặc biệt là những yếu tố tác động ngoại lai tiêu cực và những tình huống không mong đợi về thủ tục quy trình, về cân đối vốn, về biến động giá cả thị trường trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, lương thực, suy thoái kinh tế toàn cầu chưa biết khi nào được kiểm soát và phục hồi. Có tính kỹ thì việc triển khai mới đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch, tránh kéo dài, đội vốn, phát sinh tăng nguồn lực đầu tư.

Về đảm bảo khả năng giải ngân, quản lý chất lượng dự án, đại biểu này nói việc cân đối, xây dựng tiến độ giải ngân theo từng năm tương ứng với nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và vốn BOT cần tính toán kỹ trong mối quan hệ tác động qua lại, đồng bộ, khả thi giữa các nguồn và quản trị hiệu quả hoạt động này.

Ông Lê Minh Nam phân tích thêm: “Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công và hiệu quả chung của dự án được quyết định chủ yếu ở hoạt động này: Nếu giải ngân tốt theo kế hoạch cũng đồng nghĩa với dự án chạy đúng tiến độ và ngược lại. Về năng lực quản lý, nguồn nhân lực: Dự án cần đáp ứng yêu cầu năng lực, kinh nghiệm của các Ban quản lý Dự án theo quy định của Luật Xây dựng và phải quan tâm cả năng lực của nhà thầu thi công”.

Ứng phó với khan hiếm nguyên vật liệu và biến động giá nguyên vật liệu, đại biểu Nam thông tin, để bảo đảm tính khả thi và tiến độ của các dự án, Chính phủ đã trình Quốc hội cơ chế chính sách đặc thù về vật liệu xây dựng dựa trên cơ sở vận dụng cơ chế đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022. Tuy nhiên, thực trạng khan hiếm và tăng giá nguồn nguyên vật liệu hiện nay đã, đang xảy ra trong quá trình triển khai các dự án. Đây là khó khăn thực tiễn cần quan tâm nỗ lực kiểm soát và có giải pháp toàn diện, đồng bộ hơn chứ không chỉ dựa vào cơ chế chính sách đặc thù đã được duyệt. Vì cơ chế đặc thù cũng chỉ giải quyết được một số khó khăn chứ không thể giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc phải đối mặt.

T.THỨC lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>