Tiếp tục lan tỏa phong trào thi đua chuyển đổi số

29/08/2023 | 18:36 GMT+7

Để kịp thời ghi nhận, biểu dương, khen thưởng các điển hình trong phong trào thi đua “Người dân Hậu Giang tham gia chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số” năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định tặng bằng khen cho 3 tập thể đạt kết quả cao trong phong trào thi đua, gồm: Thành phố Vị Thanh hạng nhất, huyện Châu Thành A hạng nhì, thị xã Long Mỹ hạng ba; cùng 41 tập thể và 67 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua này.

Việc UBND tỉnh tiếp tục phát động phong trào thi đua “Người dân Hậu Giang nộp dịch vụ công trực tuyến” từ nay đến hết tháng 12-2023, nhằm cải thiện tỷ lệ nộp dịch vụ trực tuyến toàn trình hoặc một phần trên môi trường mạng.

Đánh giá về những kết quả nổi bật trong phong trào, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh, cho rằng, việc phát động thi đua được sự tham gia vào cuộc tích cực của các cơ quan, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trên địa bàn tỉnh. Trong đó, vai trò cơ quan thường trực là Sở Thông tin và Truyền thông có cố gắng, thực hiện khá tốt công tác phối hợp, đôn đốc trong thực hiện. Nhất là công tác thành lập ban chỉ đạo, tổ công nghệ số cộng đồng ấp, khu vực; chấm điểm, xét khen thưởng các tập thể, cá nhân...

 Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, kết thúc đợt phát động thi đua “Người dân Hậu Giang tham gia chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số năm 2022”, toàn tỉnh có 445.365 người dân tham gia cài đặt và sử dụng các nền tảng về chuyển đổi số và gần 60 mô hình sáng kiến, giải pháp được triển khai hiệu quả ở các ấp, khu vực. Trong đó, tác động tích cực nhất là có hơn 172.000 người dân cài và sử dụng các nền tảng ứng dụng về chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, có gần 78.000 người dân cài đặt và sử dụng ví điện tử; hơn 1.755 người dân, hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử. Cụ thể, các tổ công nghệ số ở ấp, khu vực trên địa bàn thành phố Vị Thanh đã triển khai, thực hiện có hiệu quả nhiều mô hình: “Quét mã QR code tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thanh toán không dùng tiền mặt đóng học phí và các khoản thu tại trường”; “Đồng hành cùng hội viên phụ nữ Khmer phát triển kinh tế gắn với chuyển đổi số”.

Riêng tại huyện Châu Thành A, thông qua công tác chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBND huyện, đã có 35 mô hình hoạt động hiệu quả. Tiêu biểu như: Tổ công nghệ số cộng đồng giải pháp nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, chuyển đổi số trên địa bàn huyện; mô hình áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khi giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thị trấn Cái Tắc; “1+1n tại Trường THCS Trường Long A” trong công tác tuyên truyền chuyển đổi số.

Góp phần lan tỏa và phát huy kết quả đạt được, UBND tỉnh tiếp tục phát động phong trào thi đua “Người dân Hậu Giang nộp dịch vụ công trực tuyến” từ nay đến hết tháng 12-2023, nhằm tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, giúp cải thiện tỷ lệ nộp dịch vụ trực tuyến toàn trình hoặc một phần (nộp từ xa trên môi trường mạng). Qua đó, từng bước hình thành thói quen cho người dân trong thực hiện thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến.

Đồng thời, hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, tạo khí thế thi đua sôi nổi, thúc đẩy mỗi doanh nghiệp, hộ gia đình, người dân tham gia các hoạt động trên môi trường số. Mục tiêu đặt ra của kế hoạch phát động phong trào thi đua lần này là nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến (hồ sơ trực tuyến từ xa) trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của người dân phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn của tỉnh.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh yêu cầu cơ quan thường trực phối hợp Văn phòng UBND tỉnh hoàn chỉnh Kế hoạch phát động phong trào thi đua “Người dân Hậu Giang nộp dịch vụ công trực tuyến năm 2023”. Đồng thời, yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện tổ chức kiểm tra, rà soát việc triển khai và thực hiện các thủ tục hành chính công thiết yếu tại đơn vị của mình, kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc để có biện pháp xử lý hiệu quả.

Với phương châm “Đi sát từng hộ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người”, Công an tỉnh tiếp tục rà soát cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2; đồng thời, phối hợp với các huyện chỉ đạo thực hiện tốt vai trò tổ công nghệ số ở ấp, khu vực để thực hiện tốt các dịch vụ thiết yếu trên môi trường mạng. UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức vận dụng sáng tạo các mô hình, bài học kinh nghiệm, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế chuyển đổi số và các điều kiện đặc thù của địa phương.

Ngoài ra, tích cực hưởng ứng kế hoạch phát động phong trào thi đua người dân Hậu Giang nộp dịch vụ công trực tuyến năm 2023. Trong đó, chú ý phát huy tốt việc thực hiện các thủ tục hành chính dịch vụ công thiết yếu đã quy định, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện hỗ trợ tổ công nghệ số cộng đồng trong hoạt động, nhằm động viên, khích lệ để đội ngũ này phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ được giao...

Bài, ảnh: GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>