Nhiều kết quả trong xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số

27/02/2024 | 07:08 GMT+7

Đến nay, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy về xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đã đạt được nhiều kết quả.

Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy được ban hành vào cuối năm 2020, mang nhiều kỳ vọng tạo nên “làn gió mới” trong việc thúc đẩy công tác xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh phát triển.

Việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực.

Nỗ lực thực hiện

Năm 2023, được cán bộ xã, ấp hướng dẫn, ông Lê Ngọc Tiệp, ở ấp Trầu Hôi, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, đã cài đặt ứng dụng internet banking. Hàng tháng, khi có thông báo tiền điện, nước, ông Tiệp sử dụng ứng dụng này để đóng tiền.

Ông Lê Ngọc Tiệp chia sẻ: “Trước kia, nhân viên đến thu tiền điện, nước mà mình có việc đi vắng thì họ phải tốn thời gian, công sức đến thu lần nữa. Bây giờ, chỉ cần vài thao tác đơn giản trên điện thoại là tôi có thể chuyển đóng tiền điện, nước hàng tháng, rất nhanh chóng, tiện lợi”.

Trên địa bàn xã Thạnh Xuân hiện có hơn 2.800 hộ dân chi trả tiền điện, nước thông qua các tài khoản ví điện tử, ngân hàng, cho thấy người dân biết tận dụng những lợi ích của chuyển đổi số trong cuộc sống hàng ngày. Bà Lê Thanh Xuân, Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Xuân, cho biết, công tác chuyển đổi số trên địa bàn luôn được cấp ủy, chính quyền từ xã đến ấp quan tâm thực hiện.

Theo đó, căn cứ theo Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy, Đảng ủy xã xây dựng chương trình hành động và kế hoạch tuyên truyền cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, từ đó lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, cơ quan, chi bộ các ấp thực hiện.

Chưa kể, xã còn tích cực kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu về dân cư, tài chính, bảo hiểm, tư pháp… để cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Trong năm 2023, bộ phận một cửa của xã tiếp nhận và trả kết quả 10.749 hồ sơ, trong số đó có 10.721 hồ sơ trực tuyến, tỷ lệ người dân và doanh nghiệp rất hài lòng và hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính tại đơn vị đạt 100%.

 UBND xã Thạnh Xuân còn chủ động phối hợp với ngân hàng mở tài khoản thanh toán trực tuyến và không dùng tiền mặt khi thực hiện hồ sơ trực tuyến cho các giao dịch tại bộ phận một cửa của xã. Đảng ủy, UBND xã thành lập 9 tổ công nghệ số cộng đồng, với 36 thành viên để phối hợp vận động Nhân dân hưởng ứng thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ.

Đồng thời, chỉ đạo lực lượng công an phân công nhiệm vụ từng thành viên triển khai cài đặt VneID và định danh điện tử mức 2 cho người dân. Tính đến ngày 27-12-2023, đã cấp được 9.636 tài khoản mức độ 2, đạt 86,17%.

Đối với thành phố Vị Thanh, ngành chức năng chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số, thúc đẩy triển khai thực hiện mạnh mẽ hiện đại hóa hành chính nhà nước. Điều đó, thể hiện rõ qua các con số: 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn có kết nối internet và mạng nội bộ (LAN); 100% cán bộ, công chức tại cơ quan nhà nước cấp thành phố và xã, phường được trang bị máy tính; tỷ lệ cán bộ, công chức tại UBND cấp xã được trang bị máy tính đạt 100%; hệ thống quản lý văn bản và điều hành được triển khai đến 100% các cơ quan, đơn vị.

Thành phố triển khai thực hiện các dịch vụ đô thị thông minh thông qua hệ thống giám sát an ninh công cộng ở các trục đường và camera giám sát xử phạt vi phạm hành chính, góp phần phục vụ công tác quản lý, giám sát, phát hiện các sự việc, vụ việc và điều tiết xử lý.

Cùng với đó, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và hệ thống một cửa điện tử được triển khai tại 100% các cơ quan thành phố và xã, phường. Trong đó, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện được cung cấp toàn trình và một phần để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Lĩnh vực kinh tế số ở thành phố cũng có những bước tiến tích cực. Theo đó, 100% doanh nghiệp trên địa bàn thành phố sử dụng hóa đơn điện tử; đưa 41 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Voso, Postmart, Shopee... Đồng thời, đẩy mạnh, nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng các ứng dụng và các ví điện tử để phục vụ nhu cầu trong cuộc sống, đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch thủ tục hành chính.

Ngoài ra, trong năm 2023, UBND thành phố còn tổ chức Lễ công bố vận hành hệ thống máy tiếp nhận và trả kết quả tự động 24/7. Thời điểm đó, thành phố Vị Thanh là địa phương đầu tiên của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thứ hai cả nước đưa vào vận hành mô hình “ATM nhận - trả hồ sơ tự động”.

Các tổ công nghệ số cộng đồng tích cực hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng chuyển đổi số.

Tiếp tục tuyên truyền

Từ thực tế triển khai thực hiện Nghị quyết số 02 cho thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh trong 3 năm qua, có nhiều tiến bộ, dịch vụ công trực tuyến dần phát huy được hiệu quả. Rõ nhất là các ứng dụng chính quyền điện tử, đô thị thông minh được triển khai đã đi vào vận hành ổn định và mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, tăng tính minh bạch, tính tương tác giữa cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp.

Điểm nhấn đáng kể trong năm 2023, là tỉnh thành lập Khu công nghệ số với diện tích 28,5ha. Đây sẽ là nơi thu hút các doanh nghiệp công nghệ số và khi Khu công nghệ số đi vào hoạt động sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển hệ sinh thái công nghệ trên địa bàn tỉnh, góp phần vào sự hình thành nguồn lực tri thức số, công nghệ số phục vụ chiến lược an ninh mạng của quốc gia nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng.

Tỉnh cũng quan tâm phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đủ năng lực và trình độ phục vụ triển khai chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Trong đó, đẩy mạnh việc đào tạo, tập huấn phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng trong việc hỗ trợ người dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số tại địa phương. Hiện toàn tỉnh có 525 tổ công nghệ số cộng đồng với trên 2.863 thành viên, lực lượng này là nòng cốt để thúc đẩy chuyển đổi số trong Nhân dân.

Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết số 02, ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho rằng, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số được đẩy mạnh góp phần nâng cao ý thức của cán bộ, công chức và người dân, tạo được sự đồng thuận cao của xã hội. Hạ tầng số cơ bản đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, tất cả tổ chức, doanh nghiệp đã kết nối internet tốc độ cao, phủ sóng mạng 4G các khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy chỉ ra đội ngũ chuyên trách công nghệ thông tin, an toàn thông tin trong các cơ quan nhà nước vẫn còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng với vai trò tham mưu, dẫn dắt trong chuyển đổi số; tỷ lệ người dân ở nông thôn chưa có thói quen sử dụng nền tảng số và tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mà người dân nộp thật sự vẫn còn khiêm tốn.

Để thực hiện tốt hơn Nghị quyết số 02 trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên không gian số. Ưu tiên bố trí biên chế và thu hút cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, an toàn thông tin trong các cơ quan nhà nước để tham mưu cho lãnh đạo về công tác chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghệ số tỉnh để giải quyết việc làm cho người dân trong và ngoài tỉnh; đồng thời, góp phần tăng trưởng kinh tế số của tỉnh trong thời gian tới.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>