Hướng đến huyện chuyển đổi số

28/03/2024 | 09:18 GMT+7

Với những giải pháp chiến lược, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tham gia tích cực của Nhân dân, công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện Châu Thành A đã có những chuyển biến tích cực.

Toàn huyện đã có 5 chợ 4.0, trên 75% hộ gia đình sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Công nghệ đã đi vào cuộc sống

Nhiều đời gắn bó với nghề nông, ông Lê Hồng Phúc, ở ấp Láng Hầm, thị trấn Rạch Gòi, hiểu hơn ai hết sự vất vả của những người làm vườn, nên ông cố tìm kiếm những giải pháp mới hỗ trợ. Từ khi biết áp dụng công nghệ vào canh tác đã giúp gia đình ông tiết kiệm thời gian, chi phí trong quá trình chăm sóc vườn sầu riêng khoảng 1,5ha.

Ông Phúc chia sẻ: “Trước đây, mỗi khi tưới sầu riêng hay phun thuốc rất tốn công và thời gian. Tuy nhiên, từ khi áp dụng công nghệ, giờ chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có mạng 3G là tôi có thể dễ dàng vận hành hệ thống tưới tiết kiệm, hệ thống phun thuốc trên đọt cho cả vườn”.

Không riêng gì gia đình ông Phúc, rất nhiều nhà vườn ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã mạnh dạn áp dụng công nghệ số từ việc chăm sóc, thu hoạch đến tiêu thụ sản phẩm. Nhiều hộ dân sử dụng zalo, facebook để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Nhờ đó, đặc sản, cây con chủ lực của huyện Châu Thành A đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến.

Công nghệ đã thật sự đi vào đời sống mỗi ngày. Thay vì phải đến tận điểm thu tiền điện của công ty điện lực như trước đây, hơn 1 năm nay, chị Phan Thị Hằng, ở thị trấn Cái Tắc chủ động thanh toán qua ứng dụng ngân hàng điện tử trên điện thoại di động sau khi nhận được thông báo từ nhà cung cấp, đỡ mất thời gian đi lại, chờ đợi... Chị Hằng cho biết: “Sau thời gian trải nghiệm thanh toán không sử dụng tiền mặt, tôi thấy được rất nhiều lợi ích từ phương thức này. Ngoài các loại chi phí cố định hàng tháng như tiền điện thoại, tiền nước, tiền học phí... các khoản chi tiêu khác tôi đều thanh toán bằng ví điện tử, chuyển khoản ngân hàng hoặc quẹt thẻ ATM. Khi dùng ví điện tử thanh toán, tôi còn được tặng kèm các mã ưu đãi giảm giá, giúp tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể”.

Quyết tâm bứt phá

Xác định chuyển đổi số là một quá trình, thời gian qua xã Trường Long A đã thực hiện nhiều giải pháp, mô hình nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực.

Ông Lê Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã Trường Long A, chia sẻ: “Góp phần cùng địa phương thực hiện chuyển đổi số, xã đã phối hợp cấp căn cước công dân đạt 97,42%; đăng ký định danh điện tử mức 2, đạt 73,60% dân số; lắp đặt wifi miễn phí tại 100% nhà văn hóa các ấp. Địa phương còn xây dựng mã vùng trồng cho cây sầu riêng được 25ha; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, hợp tác xã có sản phẩm OCOP bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Chúng tôi còn tuyên truyền, hướng dẫn người dân tạo tài khoản, nộp hồ sơ thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công trực tuyến; phối hợp với các ngân hàng, nhà mạng hỗ trợ người dân cài ví điện tử…”.

Huyện Châu Thành A đã và đang tích cực triển khai sâu rộng các mô hình chuyển đổi số hiệu quả như giải quyết thủ tục hành chính cho người dân vào các ngày nghỉ và ngày lễ; mô hình “Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân xã Trường Long A; mô hình “Thực hiện chuyển đổi số với phương châm 1 + 1n tại Trường THCS Trường Long A…

Toàn huyện đã có 5 chợ 4.0; trên 75% hộ gia đình sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; trên 90% hộ gia đình cài đặt app Hậu Giang. Năm qua, địa phương đã tiếp nhận và xử lý 58.917 hồ sơ trực tuyến trên hệ thống một cửa điện tử; thực hiện số hóa lĩnh vực du lịch trên phần mềm Smart travel…

Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Châu Thành A, Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số huyện Châu Thành A, cho biết: “Những kết quả trên là một trong những nhiệm vụ đột phá của huyện Châu Thành A trong năm qua. Huyện đã từng bước hoàn thiện nền tảng hạ tầng số, nền tảng ứng dụng số phục vụ xây dựng chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số. Qua đây, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp”.

Phấn đấu trở thành huyện chuyển đổi số đầu tiên của tỉnh, địa phương đặt ra một số mục tiêu trong thời gian tới, như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và công tác chuyển đổi số trên các lĩnh vực. Tiếp tục nâng chất bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện và cấp xã theo mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công. Phát huy hiệu quả hoạt động các trang zalo OA tại địa phương.

Đặc biệt, huyện tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động tổ công nghệ số cộng đồng; nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động người dân và doanh nghiệp trên địa bàn huyện…

Toàn huyện đã có 5 chợ 4.0; trên 75% hộ gia đình sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; trên 90% hộ gia đình cài đặt app Hậu Giang.

Năm qua, địa phương đã tiếp nhận và xử lý 58.917 hồ sơ trực tuyến trên hệ thống một cửa điện tử; thực hiện số hóa lĩnh vực du lịch trên phần mềm Smart travel…

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>