Chung tay chuyển đổi số

14/09/2023 | 10:38 GMT+7

Huyện Long Mỹ vừa ra mắt mô hình Chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Thuận Hưng (xã Thuận Hưng), góp phần thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh ở địa phương.

Người dân quét mã QR để thanh toán khi mua hàng tại chợ Thuận Hưng.

Gần tuần nay, không khí buôn bán của tiểu thương ở chợ Thuận Hưng có phần thay đổi khi được trải nghiệm việc thanh toán không dùng tiền mặt trong quá trình giao dịch các mặt hàng. Dù ban đầu có chút bỡ ngỡ nhưng nhờ sự hỗ trợ của cán bộ địa phương, nhân viên VNPT Hậu Giang, các thao tác giao dịch trên điện thoại thông minh dần được thực hiện thành thục.

Ông Võ Văn Định, tiểu thương buôn bán tạp hóa tại chợ, chia sẻ: “Thông qua báo chí, truyền hình, mạng xã hội, chúng tôi cơ bản hiểu được phần nào về hoạt động chuyển đổi số, trong đó có mô hình Chợ 4.0. Qua thời gian áp dụng hình thức thanh toán quét mã QR, giúp tôi dễ dàng theo dõi các khoản thu trong ngày mà không cần ghi vào sổ, kiểm tiền như trước, hạn chế việc đổi tiền lẻ để thối cho khách, lại giúp tránh tình trạng nhận phải tiền giả”.

Chợ Thuận Hưng là chợ đầu tiên tại huyện Long Mỹ triển khai mô hình Chợ 4.0 bắt đầu được thực hiện từ ngày 7-9 vừa qua. Đến nay, có 25/40 tiểu thương cố định phối hợp đăng ký cài ví điện tử VNPT để tạo mã QR làm điểm chấp nhận thanh toán thay cho việc nhận tiền mặt khi bán hàng. Trước khi ra mắt mô hình, địa phương đã tiến hành rà soát danh sách, hướng dẫn cài đặt và tạo mã QR, tuyên truyền vận động giúp tiểu thương hiểu về lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt. Sau đó, cấp cho mỗi điểm buôn bán cố định 3 biển QR với hình thức dán, treo, bảng đứng. Đối với quán nước, quán ăn thì dán mã QR ở từng bàn tương ứng để thực hiện thanh toán…

Ông Đinh Hoàng Til, tiểu thương bán trái cây tại chợ Thuận Hưng, cho biết: “Ban đầu tôi cũng cập rập do chưa quen việc thanh toán bằng hình thức này, nhưng dần thấy rất tiện lợi vì không cần đem theo nhiều tiền mặt như trước, hạn chế tình trạng đánh rơi. Bà con nào chưa hiểu về thanh toán qua quét mã QR thì khi đến mua trái cây tôi hướng dẫn thêm, chung tay với địa phương hướng mọi người cùng thích nghi mô hình Chợ 4.0”.

Toàn huyện Long Mỹ có 6 chợ đạt tiêu chuẩn. Sau chợ Thuận Hưng, huyện Long Mỹ sẽ cho ra mắt mô hình Chợ 4.0 tại chợ Vĩnh Viễn (thị trấn Vĩnh Viễn), dự kiến ngày 20-9. Còn lại 4 chợ ở các xã Vĩnh Viễn A, Lương Nghĩa, Xà Phiên và Vĩnh Thuận Đông sẽ phấn đấu ra mắt mô hình Chợ 4.0 từ nay đến cuối năm.

Với mô hình Chợ 4.0 giúp người dân trải nghiệm và tiếp cận với phương thức thanh toán hiện đại, kích thích hoạt động mua sắm, góp phần xây dựng xã hội số, kinh tế số theo mục tiêu chương trình chuyển đổi số trên địa bàn. Dần dần, hình thành được thói quen giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt lan tỏa đến các hoạt động thanh toán phí khác như điện, nước, internet…

Ông Nguyễn Tâm, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Long Mỹ, cho biết: “Để thực hiện tốt hoạt động chuyển đổi số, phòng phối hợp với Mặt trận, đoàn thể huyện báo cáo chuyên đề chuyển đổi số cho cán bộ, hội viên. Quyết tâm thông qua lực lượng này tạo thành cầu nối tuyên truyền, vận động người dân hiệu quả hơn, tạo sự gắn kết giữa chính quyền và Nhân dân. Đồng thời, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên để lan tỏa tốt, tạo niềm tin cho người dân thực hiện theo”.

Huyện Long Mỹ kiện toàn các Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của huyện, các xã, thị trấn và tổ công nghệ số cộng đồng ở ấp. Tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng cài đặt, sử dụng các ứng dụng chuyển đổi số được tỉnh triển khai,... Tuyên truyền trực quan về công tác chuyển đổi số qua pano, băng rôn để người dân dễ thấy, quan tâm và tiếp cận.

Với 50 tổ công nghệ số cộng đồng, mỗi tổ từ 5-6 thành viên sẽ đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền, hỗ trợ người dân để dần thay đổi về nhận thức và hành động, tiếp cận tốt việc trang bị các kỹ năng công nghệ thông tin trở thành công dân số, thích ứng tốt trong thời đại số.

Sau chợ Thuận Hưng, huyện Long Mỹ sẽ cho ra mắt mô hình Chợ 4.0 tại chợ thị trấn Vĩnh Viễn, dự kiến ngày 20-9. Còn lại 4 chợ là Vĩnh Viễn A, Lương Nghĩa, Xà Phiên và Vĩnh Thuận Đông phấn đấu ra mắt mô hình Chợ 4.0 từ nay đến cuối năm.

Hiện có hơn 80% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của huyện sử dụng ví điện tử, trên 90% sử dụng internet banking; 100% cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp trên địa bàn huyện có sử dụng hóa đơn điện tử. Người dân có thể tự thanh toán tiền điện, nước, hóa đơn sinh hoạt hàng tháng đạt khoảng 70%, trên 60% người dân có điện thoại thông minh đã cài đặt các app ứng dụng…

 

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>