Người dân ĐBSCL ra nước ngoài lao động: Đi làm thuê, về làm chủ

12/06/2023 | 18:31 GMT+7

Chương trình đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đã góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp, Hậu Giang, thành phố Cần Thơ... Qua đó, giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả...

Nhờ anh Toàn đi làm việc ở Nhật Bản, cuộc sống gia đình bà Hiếu sung túc hơn. Ảnh: BÍCH CHÂU

Sung túc nhờ sang nước ngoài làm việc

Các huyện Lai Vung, Lấp Vò, Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp là nơi có khá nhiều người đi lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài của tỉnh Đồng Tháp. Chị Võ Thúy Ngân, ở xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, kể: “Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi học cao đẳng chuyên ngành du lịch, ra trường đi làm gần 2 năm thì thất nghiệp. Lúc bấy giờ, tỉnh Đồng Tháp có chương trình đưa lao động đi làm việc ở Nhật Bản, tôi liền đăng ký tham gia”.

Năm 2014, chị Ngân sang Nhật Bản làm việc cho một công ty chuyên về sản xuất thùng giấy, bao bì, lương khoảng 25 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền tăng ca. Trong quá trình làm việc ở Nhật Bản, chị được công ty tạo điều kiện thuận lợi về nơi ăn ở, sinh hoạt, học thêm tiếng và văn hóa Nhật Bản. Đến năm 2017, khi hết hợp đồng 3 năm lao động, chị trở về Việt Nam với tiền tích lũy khoảng 700 triệu đồng. Chị lập gia đình 1 năm sau đó và với số vốn có được, chị mở cơ sở kinh doanh nước ngọt, bia, gas ở quê; kết hợp trồng mấy công rau màu, cuộc sống ổn định…

Còn tại Hậu Giang, nhờ đi làm việc ở Nhật Bản, nhiều gia đình có cuộc sống sung túc hơn. Bà Nguyễn Thị Hiếu, ở xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, cho biết: “Gia đình tôi có được cuộc sống hôm nay tất cả là nhờ con trai đi lao động ở Nhật Bản”. Con trai bà Hiếu là anh Đỗ Văn Toàn đã đi lao động ở Nhật Bản 3 năm. Trước đây, sau khi học xong 12, anh đi nghĩa vụ quân sự. Hoàn thành trách nhiệm của người trai đối với Tổ quốc, chứng kiến gia đình khó khăn, mẹ đau bệnh, 10 công ruộng phải cầm cố để trị bệnh cho mẹ, anh Toàn quyết định đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, hy vọng giúp gia đình cải thiện kinh tế. Ở Nhật Bản, công việc của anh Toàn làm cơ khí, với mức lương 45 triệu đồng/tháng. Sau 3 năm, anh đã gửi về gia đình một khoản tiền kha khá. Bằng đồng vốn tích góp, ngoài việc xây dựng lại căn nhà khang trang, trả khoản nợ vay ngân hàng, chuộc 10 công đất cầm cố trước đó, gia đình còn khoản kinh phí để làm vốn.

Câu chuyện “đi làm thuê, về làm chủ”, khởi nghiệp thành công không còn hiếm. Sau thời gian làm việc ở nước ngoài, nhiều người khi về nước đã mở doanh nghiệp, mở cơ sở kinh doanh, mua bán hoặc làm giáo viên dạy tiếng Nhật Bản. Như trường hợp của chị Lê Thị Xuân Nhi, ngụ huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Chị Nhi chia sẻ: “Năm 2016, tôi đăng ký sang Nhật Bản làm việc ở lĩnh vực công nghệ thực phẩm. Được làm việc với những ông chủ người Nhật Bản luôn cởi mở, sẵn sàng hỗ trợ lạo động Việt Nam, dần dà tôi yêu văn hóa nước bạn và quyết tâm học tiếng Nhật Bản. Theo đó, ban ngày tôi đi làm, tranh thủ ban đêm tự học tiếng Nhật Bản. Ngoài ra, trong quá trình làm việc, tôi còn chủ động gặp gỡ người bản địa để nói chuyện nhiều hơn nhằm trau dồi vốn ngoại ngữ. Năm 2019, hết hợp đồng lao động, trở về quê Đồng Tháp, nhờ vốn tiếng Nhật Bản của mình nên tôi được Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp tuyển làm giáo viên tiếng Nhật Bản đến nay…”.

Tăng cường bồi dưỡng nghề, kiến thức

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp, trong năm 2022 vừa qua, toàn tỉnh có 1.779 lao động được xuất cảnh sang nước ngoài làm việc, đạt 118% so với kế hoạch. Thị trường được người dân sang lao động, làm việc nhiều nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… ở các lĩnh vực về nông nghiệp, chế biến thực phẩm, điều dưỡng, trang trí nội thất, cơ khí, công nghệ ô tô,  điện tử… Ước tính tổng nguồn thu nhập bình quân của các lao động gửi về gia đình mỗi năm trên 1.500 tỉ đồng. Năm 2023 này, Đồng Tháp nỗ lực đưa từ 1.500 lao động trở lên đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài nhằm góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông thôn.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, trước đó việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn. Đến năm 2014, Đồng Tháp tái khởi động lại chương trình này với phương châm “đi làm thuê, về làm chủ”. Tỉnh xác định, đưa người dân đi lao động ở nước ngoài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm vừa giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, vừa đem ngoại tệ về địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Bên cạnh đó, cũng nhằm đào tạo nguồn lao động có trình độ kỹ năng tay nghề cao, có ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, biết ngoại ngữ, có sức khỏe… Để đột phá, Đồng Tháp thành lập ban chỉ đạo nhằm quan tâm sát sao vấn đề này. Tỉnh ủy, UBND tỉnh có nghị quyết, công văn chỉ đạo các sở ngành, huyện, thành phố tập trung quyết liệt, xem đây là nhiệm vụ chính của từng đơn vị. HĐND tỉnh ra nghị quyết về chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài… Nhờ đó, giai đoạn 5 năm (2016-2020), đã có 8.300 lao động xuất cảnh làm việc ở nước ngoài (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Ba Lan…) với thu nhập mỗi tháng từ 20-30 triệu đồng/người.

“Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn đang là chương trình trọng tâm của tỉnh, với mục tiêu giải quyết việc làm, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, giảm nghèo bền vững, thu hút ngoại tệ và nâng cao thu nhập của người dân. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, Đồng Tháp đề ra mục tiêu đưa 7.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; phấn đấu hàng năm có ít nhất 1.500 lao động xuất cảnh. Người lao động tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ về học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức, khám sức khỏe, visa, vay vốn…”, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết.

Tại Hậu Giang, chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài được cấp ủy, chính quyền rất quan tâm. Theo đó, tỉnh đã ký thỏa thuận tạo nguồn lao động nông nghiệp thời vụ giữa tỉnh và huyện Cheorwon, tỉnh Gangwon (Hàn Quốc), UBND thành phố Vị Thanh còn ký kết đưa lao động đi làm việc thời vụ với thành phố Naju, tỉnh Jeollanam-do (Hàn Quốc). Ngoài ra, HĐND tỉnh còn ban hành Nghị quyết số 23 quy định chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Nghị quyết ra đời cho thấy sự quan tâm đặc biệt dành cho công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh. Bên cạnh cơ chế, chính sách, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh còn thể hiện ở việc cử các sở, ngành đưa người lao động qua tận nước bạn để bàn giao cho địa phương, doanh nghiệp tuyển dụng. Hay vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, tỉnh tổ chức họp mặt gia đình có con, em đi làm việc ở nước ngoài…

Năm 2023, chỉ tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài của thành phố Vị Thanh là 44 người, đến nay có 132 người đã xuất cảnh. Bà Võ Thị Hồng Lan, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Vị Thanh, cho biết: “Ngoài đưa 113 lao động đi làm thời vụ tại Hàn Quốc, từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố còn có 19 lao động đã xuất cảnh sang Nhật Bản, Đài Loan làm viêc. Đến tháng 7 tới, chúng tôi tiếp tục đưa 10 lao động sang làm việc thời vụ ở Hàn Quốc. Lao động khi đi làm việc ở nước ngoài, không chỉ có việc làm, nâng cao thu nhập cho gia đình mà còn tiếp cận, học tập thêm những công nghệ tiên tiến của nước bạn”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Phước, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hậu Giang, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm chương trình đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu ý nghĩa chương trình. Từ đó, công tác này có những chuyển biến tích cực. Theo kế hoạch năm 2023, Hậu Giang sẽ đưa 547 lao động đi làm việc ở nước ngoài thì đến nay đã đưa được 279 lao động, hiện còn 319 lao động đã phỏng vấn xong, chờ ngày xuất cảnh.

Hiện nay, nhu cầu phía đối tác nước ngoài cần số lao động rất lớn. Vì vậy, ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin đến người lao động. Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng công tác đào tạo ngoại ngữ, trang bị kỹ năng, kiến thức cho người lao động.

Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, từng nhấn mạnh: Công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh đã có dấu hiệu phát triển tốt, người lao động có xu hướng đi làm việc ở nước ngoài ngày càng cao. Do đó, đề nghị các cấp, các ngành, các hội, đoàn thể, địa phương, đơn vị cần xác định công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sau khi về nước. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, pháp luật, văn hoá, phong tục tập quán của các nước cho người lao động; ưu tiên đưa lao động đi làm việc ở những thị trường lao động có thu nhập cao, an toàn; bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài…

HƯNG TÂN - BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>