Điểm tin: Chính thức bỏ thi thăng hạng viên chức

16/12/2023 | 06:00 GMT+7

Cùng các tin tức thời sự khác, mời Quý độc giả theo dõi: Mang ảnh ra nước ngoài dự thi theo danh nghĩa quốc gia phải xin phép; Tháp Thần Nông ghép từ 1.012 chiếc cối đá được vinh danh kỷ lục châu Á; Liên hoan Nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau; Như Quỳnh làm show Xuân yêu thương; 'Kung Fu Panda' trở lại màn ảnh rộng sau 7 năm.

Chính thức bỏ thi thăng hạng viên chức

Ảnh minh họa.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng và quản lý viên chức, trong đó sửa đổi tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Với Nghị định này, chính thức bỏ thi thăng hạng viên chức, thay vào đó sẽ xét thăng hạng. Viên chức được đăng ký dự xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện.

Theo đó, viên chức phải được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật.

Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp.

Trước đó, vào tháng 6 năm nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: "Bỏ thi thăng hạng viên chức để giảm gánh nặng thi cử, tốn kém. Trên thế giới không có nước nào thi hay xét thăng hạng viên chức".

 Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Đang tính toán để thời gian tới bỏ cả thi và xét thăng hạng viên chức để trả lương theo vị trí việc làm.

Mang ảnh ra nước ngoài dự thi theo danh nghĩa quốc gia phải xin phép

Ảnh minh họa TRUNG QUÂN

Nghị định 89/2023/NĐ-CP ban hành ngày 12-12 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 72/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ về hoạt động nhiếp ảnh và nghị định số 126/2018/NĐ-CP ngày 20-9-2018 của Chính phủ quy định về thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam.

Với nghị định số 72, sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3 điều 10 đưa tác phẩm nhiếp ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài dự thi, liên hoan.

Tổ chức (bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương) đưa tác phẩm nhiếp ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài dự thi, liên hoan với danh nghĩa đại diện cho quốc gia Việt Nam phải nộp trực tiếp hoặc qua bưu chính hoặc qua môi trường điện tử một văn bản thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Văn bản phải nêu rõ thông tin của tổ chức, cá nhân tổ chức thi, liên hoan tác phẩm nhiếp ảnh, tên gọi, chủ đề, nội dung, thời gian, địa điểm của cuộc thi, liên hoan tác phẩm nhiếp ảnh.

Đồng thời gửi kèm theo danh sách tác phẩm bằng tiếng Việt (ghi rõ số thứ tự tác phẩm, tên tác phẩm, tên tác giả), chú thích ảnh (ảnh in trên giấy kích thước nhỏ nhất 13 x 18cm hoặc ghi vào đĩa CD với trường hợp nộp trực tiếp/nộp qua bưu chính; ảnh định dạng JPG hoặc PDF với trường hợp nộp qua môi trường điện tử), thư mời, thể lệ của cuộc thi, liên hoan đã được dịch ra tiếng Việt.

Tháp Thần Nông ghép từ 1.012 chiếc cối đá được vinh danh kỷ lục châu Á

Ảnh Lê Phú – Báo Tin tức

Tháp Thần Nông được đặt tại xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh với diện tích 20.000m2. Tháp Thần Nông - biểu tượng cho vị thần của nền văn minh lúa nước được ghép bởi 1.012 cối đá xếp vòng ngoài, bên trong là khung cột bê tông được đổ kiên cố. Tháp được thiết kế theo hình hạt lúa, dựng theo chiều thẳng đứng.

Tháp Thần Nông cao 15m, chia thành 5 tầng, là điểm đến độc đáo, thu hút khách đến tham quan của tỉnh Bắc Ninh vừa tạo cảnh quan vừa phục vụ mô hình giáo dục văn hóa trải nghiệm.

Đây là khu trưng bày cối đá và văn hóa lúa nước đầu tiên tại tỉnh Bắc Ninh hướng tới sự phát triển dịch vụ trải nghiệm, dịch vụ, du lịch bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện Lương Tài và tỉnh Bắc Ninh; đồng thời, góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy tinh hoa văn hóa Kinh Bắc và văn hóa lúa nước.

Liên hoan Nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau

Ảnh VOV

Trong 2 ngày 14 - 15/12, tại Nhà hát Cao Văn Lầu, tỉnh Bạc Liêu diễn ra Liên hoan Nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau lần thứ XVII mở rộng năm 2023.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2013 - 2023). Liên hoan có tổng số 36 tiết mục với hơn 100 nghệ nhân đờn và tài tử ca thi diễn. Ngoài các nghệ nhân của 3 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Liên hoan còn có sự tham gia của các đội đờn ca tài tử thành phố Cần Thơ, Kiên Giang.

Liên hoan có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử, góp phần nâng cao chất lượng phong trào văn hóa - văn nghệ cũng như thu hút du khách, đẩy mạnh quảng bá du lịch trên địa bàn các tỉnh, đồng thời tạo cơ hội, điều kiện để các tỉnh liên kết chặt chẽ với nhau hơn, cùng đưa nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ phát triển.

Như Quỳnh làm show Xuân yêu thương

Ảnh Facebook nhân vật

Trong live show Xuân yêu thương, ngoài những ca khúc kinh điển về mùa xuân thuộc nằm lòng với nhiều người còn có những ca khúc bị lãng quên ít người biết đến, hoặc rất ít người thể hiện.

Các ca khúc được nhạc sĩ Tùng Châu hòa âm, phối khí mới. Như Quỳnh cho rằng rất khó khăn về mặt kỹ thuật vừa hát live vừa phải đảm bảo chất lượng phần nghe, để sau đó phát hành lại trên băng đĩa. Tuy nhiên, đây là sự khác biệt của live show Xuân yêu thương.

Cô cho biết thêm lần tổ chức live show này áp lực không hề nhỏ so với live show cuối năm ngoái.

Như Quỳnh nói: "Tôi vẫn theo dòng nhạc bolero, dân ca, dân gian, giữ vị thế của mình như vậy.

Giữa những trào lưu mới mẻ, tôi muốn làm mới mình để đáp ứng được thị hiếu nghe nhạc của nhiều đối tượng, trong đó có khán giả trẻ.

Khi làm mới buộc phải sáng tạo, chấp nhận ý kiến trái chiều là điều hiển nhiên".

Live show Xuân yêu thương dự kiến diễn ra tối 30-12, tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM), với sự tham gia của 18 văn nghệ sĩ như: Họa Mi, Quang Lê, Thanh Hà, Phương Uyên, Lệ Quyên, Hoài Lâm, Hoàng Mỹ An, Bạch Công Khanh, Như Ý, Trấn Thành, Kỳ Duyên, Cù Trọng Xoay... và nhóm hài Minh Dự.

'Kung Fu Panda' trở lại màn ảnh rộng sau 7 năm

Ảnh Dreamworks.

Gấu trúc Po - Jack Black lồng tiếng - tái xuất màn ảnh rộng trong phần bốn "Kung Fu Panda", sau bảy năm.

Trong trailer ra mắt ngày 14/12, gấu trúc Po (Jack Black) nay trở thành Thần long đại hiệp, có sức mạnh vô song. Sau ba lần đánh bại những kẻ phản diện ở phần trước, Po được đề cử làm thủ lĩnh của Thung lũng Bình yên.

Việc này khiến Po gặp một số tình huống dở khóc dở cười, như làm quen với nghệ thuật thiền hay cố gắng ăn kiêng. Quan trọng hơn hết, Po cần phải tìm và huấn luyện người khác trở thành Thần long đại hiệp, trước khi đảm nhận vị trí mới...

Tác phẩm do Mike Mitchell và Stephanie Ma Stine đạo diễn, Rebecca Huntley sản xuất. Phần kịch bản do Jonathan Aibel và Glenn Berger viết. Dàn diễn viên lồng tiếng đánh dấu sự trở lại của Jack Black (vai Po), Dustin Hoffman (vai bậc thầy Kung Fu Shifu), James Hong (cha nuôi của Po - ông Ping). Quan Kế Huy - giải Nam phụ xuất sắc Oscar 2023 - lồng tiếng cho nhân vật mới tên Han.

Kung Fu Panda ra mắt lần đầu năm 2008, lập tức tạo nên cơn sốt với cuộc phiêu lưu hài hước và những màn võ thuật của nhân vật gấu trúc Po. Tác phẩm thu về 631,7 triệu USD, nhận hàng loạt đề cử và giải thưởng điện ảnh.

Năm 2011, phần hai tiếp tục gặt hái thành công với 665,7 triệu USD, theo Box Office Mojo. Hai phần đầu của loạt phim đều được đề cử giải Oscar ở hạng mục Phim hoạt hình hay nhất. Tổng doanh thu toàn cầu đạt khoảng 1,3 tỷ USD.

Bảo Nam tổng hợp từ Tuổi trẻ, VTV, VOV

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>